Trước khi làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của CDC Quảng Ninh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cùng đoàn công tác Bộ Y tế đã thăm nhiều khoa, phòng; trò chuyện cùng các cán bộ y tế đang làm công tác chuyên môn.
Báo cáo của CDC Quảng Ninh cho thấy, hiện CDC có gần 200 cán bộ, trong đó 2/3 cán bộ có chuyên môn y tế, còn lại là nhân lực các chuyên ngành khác. Phát huy thế mạnh sẵn có từ nguồn nhân lực, máy móc, trang thiết bị kỹ thuật… CDC Quảng Ninh từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ. Trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tham mưu thực hiện tốt công tác kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân về công tác phòng bệnh; tăng cường giám sát tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng xử lý kịp thời không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện hiệu quả các hoạt động tiêm chủng; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân…
Đặc biệt khi dịch COVID-19 mới xuất hiện ở Việt Nam, CDC Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên đã áp dụng thành công kỹ thuật Realtime RT-PCR (sinh học phân tử) để xét nghiệm COVID-19 chính xác và nhanh chóng. Nhờ vậy tỉnh không phải chuyển mẫu bệnh lên tuyến trên.
Tại buổi làm việc, TS.BS Vũ Quyết Thắng, Giám đốc CDC Quảng Ninh cũng đề xuất tỉnh Quảng Ninh quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc cho CDC Quảng Ninh trong các lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Khám bệnh nghề nghiệp và Truyền thông giáo dục sức khỏe… Có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực cho CDC Quảng Ninh nói riêng và hệ thống Y tế dự phòng các tuyến của Quảng Ninh nói chung, chú trọng nguồn nhân lực cho công tác truyền thông.
Đối với Bộ Y tế, CDC Quảng Ninh đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh trong đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn về y tế dự phòng cho đội ngũ làm công tác này; ủng hộ và hỗ trợ tỉnh thực hiện giải trình tự gen phục vụ công tác phòng chống dịch...
Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục của Bộ Y tế tham gia đoàn công tác đã trao đổi, chia sẻ với đội ngũ làm công tác y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe của tỉnh Quảng Ninh về một số nội dung liên quan đến đào tạo nhân lực, chế độ, chính sách, công tác chuyên môn...
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ lời cảm ơn đến tỉnh Quảng Ninh đã dành quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện cho ngành y tế tỉnh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành y tế Quảng Ninh nói chung, CDC tỉnh nói riêng đã đạt được và nhấn mạnh một số nội dung cần làm tốt trong thời gian tới.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị ngành y tế và hệ thống y tế dự phòng Quảng Ninh cần phải tập trung hơn nữa thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cộng đồng, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt, vệ sinh sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe người lao động, người cao tuổi, bà mẹ và trẻ em, dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe.
Đồng thời tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở theo hướng bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu; khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng... Để làm được điều này, Thứ trưởng đề nghị ngành y tế Quảng Ninh cần có lộ trình để đảm bảo tất cả các trạm y tế đều có bác sĩ làm việc, trong đó cả bác sĩ làm việc cơ hữu.
Tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động.… theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" và Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp; đảm bảo kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch. Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, các tác nhân gây bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế tử vong; Tiếp tục duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng; tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung các loại vaccine trong tiêm chủng mở rộng...
Thứ trưởng đồng thời đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, Sở Y tế và CDC tăng cường hiệu quả triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 và các dịch bệnh khác; đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật.
Tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để phục vụ công tác xét nghiệm, nghiên cứu khoa học, chủ động phòng chống dịch, nâng cao sức khỏe cộng đồng; đảm bảo xây dựng phòng thí nghiệm an toàn sinh học.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài của ngành y tế tỉnh, Bộ Y tế đề nghị Quảng Ninh phối hợp với một số cơ sở đào tạo nhân lực của Bộ và các Vụ/Cục liên quan để thống nhất nội dung đào tạo, nâng cao chuyên môn cho lực lượng cán bộ y tế dự phòng; đồng thời dành kinh phí cho công tác này. Bộ Y tế ủng hộ việc tỉnh chủ trương thường xuyên cử cán bộ y tế nói chung, y tế dự phòng nói riêng tham gia bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn...
Về đề xuất liên quan đến việc cho phép CDC tỉnh thực hiện công tác giải trình tự gen, Thứ trưởng bày tỏ nhất trí và giao đơn vị liên quan của Bộ phối hợp cùng CDC Quảng Ninh phối hợp triển khai các nội dung theo quy định để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.