Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên dâng hương tưởng niệm đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh

23-03-2016 17:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sáng 23/3, tại di tích Đền Bia (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ y tế, lãnh đạo các ban ngành tỉnh Hải Dương; cán bộ, nhân viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và hơn 1000 sinh viên học viện đã dâng hương tưởng niệm đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Tại Lễ dâng hương, các đại biểu cùng nhân dân đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của danh y Tuệ Tĩnh - người có công mở đường cho sự nghiệp xây dựng nền móng y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để ngành y tế bày tỏ lòng tri ân, biết ơn đối với vị Thánh thuốc Nam của dân tộc. Sau lễ dâng hương, các đại biểu đã cùng chiêm bái tấm bia quý được thờ trong đền và thưởng ngoạn cảnh đền.

 

PGS.TS Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) đọc lời tưởng niệm, tri ân đại danh y Tuệ Tĩnh

Ngay sau đó là Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cùng đại biểu,nhân dân dâng hương tưởng niệm vị thiền sư - đại danh y Tuệ Tĩnh

Theo sử sách, cụ Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh ở làng Nghĩa Phú (tục gọi Làng Xưa), Tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Tuy đỗ cao nhưng cụ không ra làm quan mà náu mình cửa Phật, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Suốt đời cụ theo đuổi chí hướng nghiên cứu thuốc Nam để cứu dân độ thế, ích nước lợi dân.

Danh y Tuệ Tĩnh đã để lại hai tác phẩm y học là Bộ Hồng Nghĩa Giáp Tư y thư nói về 13 phương gia giảm và 37 phương trị thương hàn và Bộ Nam dược thần hiệu nói về dược tính của 580 vị thuốc Nam và gần 4.000 phương thuốc trị bệnh. Do học cao lại giỏi thuốc, cụ phải đi cống cho nhà Minh (Trung Quốc) và đã chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu là vợ vua Minh nên được phong là Thái y Thiền sư. Sau đó, vị danh y qua đời ở Giang Nam (Trung Quốc). Gần 200 năm sau, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là người cùng làng với cụ được đi sứ nhà Thanh đã đến thăm mộ cụ, cảm động với lời nhắn nhủ này đã sao chép câu di ngôn vào bia đá mang về quê hương. Trên đường về, thuyền đến cánh đồng thôn Văn Thai, Tổng Văn Thai bị lật, bia bị chìm. Nơi đây nhân dân cho rằng đây là nơi địa linh, đã đắp đất dựng bia thờ cúng.


Bài, ảnh: Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn