Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại hội đồng Y tế Thế giới ở Thụy Sĩ

25-05-2023 22:46 | Y tế

SKĐS - Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA 76) từ ngày 21/5 – 24/5/2023 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Kỳ họp lần thứ 76 Đại Hội đồng Y tế Thế giới

Phiên toàn thể của Kỳ họp WHA 76 gồm các nội dung: Khai mạc Kỳ họp, Chỉ định Ủy ban Ủy nhiệm thư, Bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Kỳ họp, Phát biểu của Chủ tịch, Thông qua Chương trình nghị sự, Báo cáo của Hội đồng Chấp hành lần thứ 151 và 152 và Kỳ họp đặc biệt lần thứ 6 của Hội đồng chấp hành WHO, Phát biểu của Tổng Giám đốc WHO, Báo cáo của Ủy ban Ủy nhiệm thư. 

Sau bài phát biểu của TS. Tedros, Tổng Giám đốc WHO là Phiên thảo luận chung của Kỳ họp với chủ đề "75 năm WHO: Cứu mạng sống, mang sức khỏe đến cho tất cả mọi người". 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại hội đồng Y tế Thế giới ở Thụy Sĩ - Ảnh 1.

PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên toàn thể của Kỳ họp WHA 76

PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có bài phát biểu trao đổi về chủ đề này. Trong bài phát biểu, Thứ trưởng nêu rõ, WHA 76 năm nay đánh dấu một số sự kiện quan trọng. Đầu tiên là lễ kỷ niệm 75 năm thành lập WHO, một cột mốc quan trọng trong lịch sử y tế công cộng toàn cầu. Trong suốt nhiều thập kỷ, những thành tựu tích lũy về y tế công cộng đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Trong thời gian này, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về sức khỏe, bao gồm tuổi thọ trung bình tăng đáng kể lên hơn 75 tuổi và giảm nghèo đáng kể. Ngày nay, Việt Nam tiếp tục tiến hành cải cách ngành y tế để giải quyết các nhu cầu y tế trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế xã hội đang phát triển nhanh chóng và những bài học từ đại dịch COVID-19. 

Sự kiện quan trọng thứ hai được Thứ trưởng nhấn mạnh là tuyên bố của Tổng Giám đốc WHO ngày 5 tháng 5 vừa qua về việc đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Ngay từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, Việt Nam đã điều chỉnh các biện pháp xã hội và y tế công cộng để giữ cho các ca mắc và tử vong ở mức thấp cho đến khi có vaccine, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Số liều vaccine COVID-19 đã tiêm/100 dân là 273,7 liều, cao gấp 1,6 lần mức trung bình của thế giới. Nhờ những nỗ lực này, từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn "quản lý bền vững" COVID-19 - cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội với các biện pháp y tế công cộng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và hệ thống y tế. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại hội đồng Y tế Thế giới ở Thụy Sĩ - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể của Kỳ họp lần thứ 76 Đại Hội đồng Y tế Thế giới

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với một tương lai đầy thách thức. Việt Nam cần duy trì năng lực quốc gia đã đạt được trong đại dịch, đồng thời chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai. Việt Nam rất tự hào về những thành tựu y tế đã đạt được của Việt Nam và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kỹ thuật chặt chẽ với WHO.

Ngoài Phiên toàn thể, chương trình nghị sự của Kỳ họp gồm các nội dung về các trụ cột:

  •  Trụ cột 1: Thêm 1 tỉ người được hưởng lợi từ bao phủ CSSK: Chiến lược toàn cầu cho sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ vị thành niên (2016-2023); Rà soát và cập nhật các vấn đề Hội đồng Điều hành xem xét: Bao phủ CSSK; Thuốc giả và kém chất lượng; Tăng cường phục hồi chức năng trong hệ thống y tế; Dự thảo chiến lược toàn cầu về kiểm soát và phòng chống bệnh lây nhiễm; Lộ trình toàn cầu về loại trừ bệnh viêm màng não;
  •  Trụ cột 2: Thêm 1 tỉ người được bảo vệ từ các vấn đề YTCC khẩn cấp: Chuẩn bị và ứng phó với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp; Rà soát và cập nhật các vấn đề Hội đồng Điều hành xem xét: Tăng cường sự chuẩn bị của WHO để ứng phó với các sự kiện YTCC khẩn cấp; Công việc của WHO trong các sự kiện YTCC khẩn cấp; Sức khỏe toàn cầu trong Sáng kiến Hòa bình; Loại trừ bệnh Bại liệt. 
  • Trụ cột 3: Thêm 1 tỉ người khỏe mạnh và hạnh phúc hơn: Rà soát và cập nhật các vấn đề Hội đồng Điều hành xem xét: Tăng cường sức khỏe; Xóa bỏ bạo lực trẻ em thông qua tăng cường hệ thống y tế và tiếp cận đa ngành; Các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe; Tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất người khuyết tật có thể đạt được; kế hoạch hành động thập kỷ của LHQ về Dinh dưỡng; Khoa học hành vi để có sức khỏe tốt hơn.

Kỳ họp cũng trao đổi về các vấn đề liên quan đến Chương trình ngân sách và tài chính: Báo cáo kết quả 2022 (Đánh giá việc thực hiện Chương trình Ngân sách 2022-2023); Báo cáo tài chính bao gồm Kiểm toán đến 31/12/2022; Tài chính và thực hiện Chương trình ngân sách 2022-2023 và Kế hoạch ngân sách 2024-2025: Ngân sách chương trình đề nghị cho tài khóa 2024-2025; Rà soát và cập nhật các vấn đề Hội đồng Điều hành xem xét: Các vấn đề quản lý, hành chính, quản trị, kiểm toán, nhân sự; Hợp tác trong hệ thống UN và các tổ chức liên Chính phủ khác; Thông tin về các vấn đề của Báo cáo tiến độ của các Chương trình.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại hội đồng Y tế Thế giới ở Thụy Sĩ - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tại sự kiện “Đối thoại cấp cao của Liên minh phòng chống HIV toàn cầu về tăng tốc phòng chống HIV và chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai”

Với hơn 20 bài tham luận thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và chủ động vào các chương trình nghị sự của kỳ họp được các quốc gia thành viên đánh giá cao.

Đề xuất WHO tiếp tục hỗ trợ các hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân  Việt Nam trong thời gian tới

Nhân dịp tham dự WHA 76, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã tham dự một số sự kiện bên lề Kỳ họp như: sự kiện cấp cao về Biến đổi khí hậu với chủ đề Lãnh đạo y tế đối với các thách thức toàn cầu lớn nhất trong thời đại của chúng ta (Health leadership for the greatest threat of our times) do Netherlands, Fiji, UAE, UK và Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì; Sự kiện cấp cao về "An ninh y tế quốc gia & khu vực: từ mRNA đến khuôn khổ sản xuất vaccine bền vững" do Phái đoàn Pháp tại Geneva và Medicines Patent Pool phối hợp với WHO, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, CEPI và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và đoàn đã tham dự "Đối thoại cấp cao của Liên minh phòng chống HIV toàn cầu về tăng tốc phòng chống HIV và chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai" do Liên minh phòng chống HIV toàn cầu về tăng tốc phòng chống HIV, Chính phủ CH. Kenya và CHLB Đức đồng tổ chức. 

Tại sự kiện này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã có bài phát biểu chia sẻ những thành tựu của Việt Nam trong hơn 30 năm phòng chống HIV/AIDS. Thứ trưởng nêu rõ, hiện nay số ca nhiễm HIV phát hiện hằng năm khoảng 10.000 ca, giảm 30% so với 20 năm trước đây. 

Bài học kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS là huy động động được hệ thống chính trị, sự cam kết mạnh mẽ từ nhà nước, sự tham gia của cộng đồng, sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, quy định hướng dẫn chuyên môn, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, sử dụng thông tin, các bằng chứng khoa học trong xây dựng chính sách, ưu tiên nguồn lực can thiệp cho các địa bàn trọng điểm, nhóm nguy cơ cao và sử dụng nguồn lực hiệu quả. 

Việc triển khai mạnh và đồng bộ các biện pháp can thiệp trong nhóm nghiện chích ma túy đã mang lại hiệu ứng tích cực cho cá nhân, gia đình của người nghiện ma túy và xã hội, nhiều tỉnh thành có thể chấm dứt bệnh AIDS trong nhóm nghiện chích ma túy. 

Tuy nhiên HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, nhiễm HIV trong nhóm MSM đang có xu hướng gia tăng và nhóm dẫn dắt chính dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay. Do đó Việt Nam tiếp tục mong nhận được sự hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong thời gian tới để đảm bảo thành quả đã đạt được và hướng tới kết thúc AIDS vào năm 2030.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức Quốc tế khác tại Geneva và đoàn Bộ Y tế đã có cuộc họp song phương với bà Zsuzsanna Jakab, Quyền Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO và bà Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc bộ phận Kiểm soát bệnh tật WHO khu vực Tây Thái Bình Dương

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại hội đồng Y tế Thế giới ở Thụy Sĩ - Ảnh 5.

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 76 Đại Hội đồng Y tế Thế giới

Cuộc họp đã thảo luận về các nội dung hợp tác với WHO và đề xuất WHO hỗ trợ một số các hoạt động trong thời gian tới, bao gồm hỗ trợ hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý y tế, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, các vấn đề sức khỏe toàn cầu như tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, năng lực đáp ứng và ứng phó với các vấn đề sức khỏe toàn cầu, an ninh y tế toàn cầu và các vấn đề chuyên môn cụ thể khác; tiếp tục hỗ trợ phòng chống bệnh không lây nhiễm bởi đây là nguyên nhân hàng đầu tạo gánh nặng bệnh tật và gây tử vong tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu chưa đạt được (Reaching the unreach) về các bệnh HIV, Lao và sốt rét, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.

Về vấn đến tiêm chủng, Thứ trưởng đề nghị WHO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm đánh giá nguy cơ dịch bệnh, ưu tiên bệnh bại liệt, sởi, ho gà, bạch hầu xác định nhóm và vùng nguy cơ; Hỗ trợ khẩn cấp vaccine, kháng huyết thanh cho phòng chống dịch nếu xảy ra và tiêm chủng vùng nguy cơ cao để chủ động phòng chống dịch, hỗ trợ cho triển khai hoạt động rà soát tiền sử tiêm chủng và tiêm bù mũi các vaccine mở rộng ra toàn quốc thời gian tới để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh; Tiếp tục hỗ trợ duy trì và cung ứng sinh phẩm hoá chất cho công tác giám sát dịch bệnh, vaccine...  trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phát hiện sớm dịch, đáp ứng chủ động và kịp thời.

Trong suốt kỳ họp WHA 76, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và vai trò là một thành viên tích cực của khu vực Tây Thái Bình Dương tại diễn đàn quan trọng nhất về y tế toàn cầu, góp phần đưa tiếng nói của các quốc gia đang phát triển vào quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách y tế toàn cầu trong tương lai.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tiếp đại diện Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp QuốcThứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tiếp đại diện Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc

SKĐS - Chiều 12/5, tại trụ sở Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã tiếp đoàn Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) do bà Christine Stegling, Phó Giám đốc Điều hành về Chính sách, Vận động chính sách và Kiến thức làm Trưởng đoàn.

Đoàn công tác Bộ Y tế từ Geneva, Thụy Sỹ
Ý kiến của bạn