Tại buổi tập huấn trực tuyến phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, khu công nghiệp với tất cả 63 tỉnh, thành phố do Bộ Y tế tổ chức hôm qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, từ tháng 5/2020, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có Quyết định 2194 hướng dẫn về phòng chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá.
Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn và đã đi kiểm tra hơn 20 tỉnh, thành phố trọng điểm có số lượng doanh nghiệp và công nhân lớn.
Qua kiểm tra nhận thấy một số địa phương thậm chí chưa xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong khu công nghiệp hoặc xây dựng nhưng chưa đủ, không giám sát thường xuyên nên khi có ca bệnh trong doanh nghiệp thì lúng túng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Các tỉnh phải kiện toàn và duy trì tổ phòng chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp hoạt động tương tự như tổ COVID-19 cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Nhiên
“Một số địa phương chưa xây dựng hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch tại khu công nghiệp và của từng nhà máy. Công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu duy trì người lao động đến làm việc tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc cập nhật lên bản đồ An toàn Covid mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Sử dụng lao động luân phiên lẫn nhau, mỗi công nhân chỉ ngồi cách cách nhau nửa mét: Dịch lây lan nhanh
Từ đầu cầu Bắc Giang, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế tại địa phương, các sở ban ngành chưa quyết liệt triển khai hướng dẫn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, chưa kiểm tra đánh giá nguy cơ của từng doanh nghiệp theo Quyết định 2194, mới chỉ kiểm tra được một số ít doanh nghiệp.
Bắc Giang có tới 6 khu công nghiệp (hiện đã đóng cửa 4 khu), hơn 1.500 ca mắc vừa qua tập trung chủ yếu tại huyện Việt Yên. Trong các khu công nghiệp có nhiều công ty sản xuất linh kiện điện tử phân phối cho Thái Nguyên, Bắc Ninh… đặc biệt có tình trạng sử dụng lao động luân phiên lẫn nhau, mỗi công nhân chỉ ngồi cách nhau nửa mét nên dịch lan rất nhanh...
Thêm vào đó, các công nhân ở trọ rất đông. Lượng công nhân tại Bắc Giang khoảng 160.000 người, chủ yếu sống trong các nhà trọ. Cá biệt tại huyện Việt Yên, có những thôn chỉ có 1.000 dân nhưng có tới hơn 9.000 công nhân ở trọ.
Những ngày qua, Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang thành lập 35 đoàn công tác tương tự như Vĩnh Phúc để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phòng chống dịch và đánh giá nguy cơ 100% doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
35 đoàn này đã được Cục Môi trường y tế tập huấn rất kỹ, thành viên mỗi đoàn gồm 4 người bao gồm công an, thanh tra, không sử dụng nhân lực y tế.
Trong 4 ngày, 35 đoàn được giao đánh giá toàn bộ 400 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và đến nay đã chấm điểm xong 300 đơn vị dựa theo 15 tiêu chí như mật độ người lao động, nguy cơ lây nhiễm, thông khí nhà xưởng, sử dụng khẩu trang, phương án ứng phó phòng chống dịch, vệ sinh khử khuẩn tại nơi làm việc…
“Trong quá trình đánh giá, nhiều doanh nghiệp xin UBND tỉnh cho sản xuất trở lại. Tuy nhiên, việc này chỉ được cho phép khi đảm bảo đủ các điều kiện bắt buộc”- ông Nam thông tin.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại khi có điểm nguy cơ ở mức thấp và trung bình (dưới 50 điểm), phải có kế hoạch phòng chống dịch, có bộ phận thường trực thường xuyên kiểm tra, đôn đốc từng phân xưởng thực hiện 5K, bố trí làm ca kíp lệch giờ, ăn uống lệch giờ…
Phải thực hiện đồng bộ phòng chống dịch tại khu công nghiệp và trong cộng đồng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương phải phân công rõ trách nhiệm từng người để trực tiếp phụ trách từng doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Các địa phương phải kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch với khu công nghiệp. Đồng thời, các tỉnh phải kiện toàn và duy trì tổ phòng chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp hoạt động tương tự như tổ COVID-19 cộng đồng.
“Công nhân trong các khu công nghiệp bắt buộc phải khai báo y tế bằng công nghệ thông tin và có phân loại dịch tễ, xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Vừa rồi một số đơn vị vẫn khai báo bằng giấy, khi có ca dương tính phải truy vết mất rất nhiều thời gian để tìm ra bản khai”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Với các doanh nghiệp chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19, phải chủ động kiểm tra có phương án phòng, chống dịch cụ thể như phân luồng với ca làm việc; Kiện toàn thành lập tổ phòng, chống dịch trong từng bộ phận; Yêu cầu công nhân đi làm phải khai báo y tế. Những trường hợp cán bộ phục vụ phải được lấy mẫu thường xuyên theo khuyến cáo bảy ngày/lần.
“Chính quyền địa phương phải chỉ đạo ngành y tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khám sàng lọc, ít nhất khám cho 20% số công nhân lao động có nghi ngờ. Thực hiện nghiêm giãn cách trong sản xuất, giờ ăn trưa và tan ca bảo đảm công tác chống dịch” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Công nhân Công ty Foxconn thuộc Tập đoàn KHKT Hồng Hải, Khu Công nghiệp Quế Võ, Nam Sơn, TP. Bắc Ninh được tiêm vắc xin phòng COVID-19 chiều ngày 27/5 Ảnh: Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu, trong các doanh nghiệp khi làm việc phải đảm bảo thông thoáng, hạn chế tối đa bật điều hoà, trừ trường hợp bắt buộc, thay vào đó mở tất cả các cửa, bật quạt.
Trong các phân xưởng, giữa các công nhân phải đảm bảo khoảng cách, khi làm việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên. Xe vận chuyển công nhân cũng không được chở quá 50% lượng người và không được bật điều hoà.
Lãnh đạo các doanh nghiệp phải điều chỉnh các ca làm việc, điều chỉnh giờ ăn trưa tránh tập trung một lúc quá nhiều người, có bộ phận thường xuyên tiêu trùng, khử khuẩn để có thể đưa từng phân xưởng hoạt động trở lại.
Với doanh nghiệp đã có ca bệnh phải làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly, và truy vết triệt để các ca nhiễm, giảm tối đa ca nhiễm lây ra cộng đồng. Phải điều tra nắm chắc dịch tễ tại nơi cư trú.
Bộ Y tế đề nghị địa phương phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch tại cả hai nơi khu công nghiệp và cộng đồng, tránh việc lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.
Các doanh nghiệp cũng cần lên phương án sàng lọc từng phân xưởng, từng nhóm công nhân, nếu từng bước an toàn dần dần đưa từng phân xưởng vào hoạt động để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.