Phát biểu tại hội nghị bàn tròn cấp cao về kháng kháng sinh giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam vừa diễn ra, TS.BSCK II Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân Việt Nam chung tay ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, ngay cả khi chúng ta đã đạt được những cột mốc quan trọng kể từ khi xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2013, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong việc ngăn chặn và kiểm soát xu hướng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng trong ngành Y tế.
"Chúng tôi luôn cam kết hợp tác sâu sắc với các ngành nông nghiệp, môi trường để thực hiện Chiến lược quốc gia giai đoạn 2023-2030 một cách hiệu quả"- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Kế hoạch hành động quốc gia của ngành Y tế về phòng, chống và kiểm soát kháng thuốc ở Việt Nam giai đoạn 2024-2025 là một kế hoạch chi tiết ngắn hạn, tập trung, được thiết kế để đẩy nhanh tiến độ trong những năm đầu của chiến lược; nhằm mục đích đặt nền tảng vững chắc cho sự thành công bền vững trong những năm tiếp theo.
"Chúng tôi kêu gọi sự cam kết của tất cả các bên liên quan và những người phụ trách về kháng thuốc, bao gồm nhân viên y tế, ngành dược phẩm, tổ chức nghiên cứu, các đơn vị học thuật, người bệnh, người tiêu dùng, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo chính phủ và các tổ chức quốc tế. Chúng tôi kêu gọi - chúng ta hãy thực hiện những hành động táo bạo và cùng chúng tôi đạt được các mục tiêu nhằm ngăn ngừa và kiểm soát sự gia tăng tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam"- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.
Tại hội nghị, TS. Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch hành động Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc trong nông nghiệp, đồng thời kêu gọi người nông dân sử dụng "đúng thuốc" cho "đúng bệnh" và dùng "đúng liều lượng" trong những trường hợp thực sự cần thiết.
"Chúng tôi đã triển khai kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2017. Kể từ đó, nhiều quy định đã được ban hành hoặc sửa đổi để giảm việc sử dụng thuốc kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp"- ông Tiến cho biết và nhấn mạnh thêm: Mỗi người dân Việt Nam, dù tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hay không, cũng có thể hỗ trợ bằng cách sử dụng đúng thuốc cho đúng bệnh với liều lượng đúng theo quy định.
Tại hội nghị, TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam ghi nhận và đánh giá chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Chính phủ là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Theo bà Angela Pratt, Chiến lược Quốc gia của Việt Nam nhận định kháng thuốc kháng sinh là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và nền kinh tế, và là mối đe dọa trong việc đạt được các mục tiêu phát triển trong nước và các mục tiêu quốc tế khác như Mục tiêu Phát triển Bền vững.
"Do vậy, cần hành động, phối hợp mạnh mẽ hơn từ các cá nhân và tất cả các lĩnh vực của xã hội và kinh tế, bao gồm sức khỏe con người, sức khỏe động vật, thực vật và môi trường để hỗ trợ việc thực hiện chiến lược Quốc gia. Trên toàn cầu và ở Việt Nam, một số loại kháng sinh đã cứu sống hàng triệu người kể từ khi chúng được phát minh, giờ đã mất đi khả năng chữa bệnh. Thời điểm hành động là ngay bây giờ"- TS Angela Pratt nói.
Kháng kháng sinh đang là mối đe dọa đến sức khỏe và nền kinh tế
Thông tin tại hội nghị cho biết kháng kháng sinh đang là mối đe dọa đến sức khỏe và nền kinh tế, chính vì vậy, cần có sự chung tay từ các cá nhân và các cấp ban ngành ở Việt Nam để chống lại tình trạng kháng kháng sinh (AMR).
Tình trạng kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các loại thuốc kháng vi khuẩn như thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng, là những loại thuốc được sử dụng để phòng và điều trị bệnh cho con người, động vật và thực vật.
Kết quả là các bệnh nhiễm trùng trở nên khó hoặc không điều trị được, điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, bệnh có diễn biến nặng hơn, dẫn đến tàn tật, và tử vong.
Kháng kháng sinh có thể lây lan nhanh chóng trong các cơ sở y tế, động vật, thực phẩm, đất và nước.
Giải quyết vấn đề kháng kháng sinh đòi hỏi sự hợp tác giữa các ngành Y tế, nông nghiệp và môi trường, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị tư nhân, người làm nông nghiệp và các cá nhân...
Các hành động để ngăn chặn kháng thuốc bao gồm cải thiện việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh và vệ sinh môi trường (WASH) cho con người và động vật; tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật trong các gia đình, cơ sở y tế, trang trại và cơ sở công nghiệp thực phẩm; cải thiện việc tiếp cận vaccine, chẩn đoán và kê đơn thuốc; giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo quản lý chất thải và vệ sinh đúng cách; nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về việc sử dụng và lạm dụng kháng sinh.
Nhu cầu cấp bách toàn cầu để đẩy mạnh hành động về phòng, chống kháng thuốc chính là lý do Liên Hợp Quốc tổ chức hội nghị cấp cao về kháng thuốc và Hội nghị Bộ trưởng cấp cao toàn cầu lần thứ tư về kháng thuốc vào tháng 9 tới tại New York.