Vượt qua khó khăn để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng
Ngày 9/9, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch do BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã cung cấp các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch, cũng như chăm lo về mặt tinh thần của các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Trả lời tại cuộc họp báo về tình trạng một số nhân viên y tế tuyến đầu làm việc trong điện kiện khó khăn, thiếu thốn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, thành phố đã huy động gần 20.000 cán bộ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, lượng F0 tăng lên rất nhanh, Bộ Y tế đã kịp thời huy động các lực lượng từ các cơ sở y tế, bệnh viện, các địa phương và bệnh viện tư nhân tham gia công cuộc phòng chống dịch COVID-19 trong hơn 100 ngày qua.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện lực lượng đến chi viện chống dịch tại TP HCM đang tham gia vào các phân tầng điều trị, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh. "Đây là sự huy động nhân sự y tế rất lớn trong ngành y tế, và lớn nhất từ trước tới nay", Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: "Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ngoài sự phân công, điều động thì những chiến sĩ áo trắng còn có tinh thần tự nguyện, tâm huyết và mong muốn hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch COVID-19".
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc ở TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của hàng nghìn người hỗ trợ, ở đâu đó có lúc không giải quyết hết các mong mỏi của đồng nghiệp, là ngoài mong muốn của ngành y tế.
"Chúng tôi luôn cố gắng hài hòa mọi quyền lợi của anh em vì một điều thiêng liêng là cùng nhau vượt qua đại dịch", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Lực lượng y tế sẽ làm hết trách nhiệm
Để người dân TP Hồ Chí Minh an tâm hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế chưa có kế hoạch rút bất kỳ nhân sự nào ra khỏi TP Hồ Chí Minh, ít nhất là từ nay đến 15/9.
Nếu những đơn vị nào yêu cầu chuyển đổi nhân sự thì Bộ Y tế phải có những kế hoạch thay đổi nhân sự "gối đầu" để đảm bảo cơ chế đồng bộ trong công việc. "Người dân TP HCM yên tâm, lực lượng y tế đã vào là sẽ làm hết trách nhiệm", Thứ trưởng khẳng định.
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, Thành phố xem đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm.
TP.HCM và Bộ Y tế luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, chăm lo với mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh.
Công tác phối hợp giữa TP.HCM và Bộ Y tế chặt chẽ, thường xuyên kịp thời, giải quyết các vấn đề theo kế hoạch đề ra và vấn đề an sinh, phát huy nhiều nguồn nhân lực để chăm lo cho đội ngũ y tế.
Tập trung cho công tác chăm sóc, điều trị ở tuyến cơ sở
Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải cho biết, bên cạnh việc triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn, Thành phố đã chuyển hướng tập trung hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, xây dựng và ban hành "Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà" cho người F0.
Trong đó bao gồm xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu (gói A, B, C), giúp điều trị kịp thời cho các trường hợp F0 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, từ đó giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến. Đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục.
Ngoài ra còn tăng cường công tác tư vấn, theo dõi F0 tại nhà từ xa qua các tổng đài 1022, các tổ y tế lưu động của các trường Y khoa. Thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm); tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng quản lý thông tin giường bệnh và oxy cho bệnh nhân COVID-19 (trong hệ thống 3 tầng điều trị) để kịp thời điều chuyển, không để ùn ứ, nâng cao năng lực điều trị giữa các tầng.
Về nhân lực tham gia phòng, chống dịch, tính đến nay, TP có trên 177.300 người, trong đó, tiếp nhận trên 24.000 người từ các Bộ ngành tăng cường, hỗ trợ. Bên cạnh đó, TP cũng đã cử 312 tổ công tác với trên 1.300 cán bộ, công chức, viên chức xuống tăng cường, hỗ trợ cho TP Thủ Đức và các quận, huyện tham gia phòng, chống dịch, trong đó lực lượng chủ yếu là lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành Thành phố.
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội