PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin này tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2024 với chủ đề "Rửa tay với xà phòng – Tại sao lại quan trọng" do Bộ Y tế và Unilever tại Việt Nam tổ chức sáng 15/10 tại Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và gần 1.000 đại diện của các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ban ngành, đoàn thể, Sở Y tế TP Đà Nẵng, các bệnh viện, CDC một số tỉnh lân cận, các tổ chức chính trị - xã hội trung ương và TP Đà Nẵng, các thầy cô và học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố... tham dự.
Rửa tay bằng xà phòng - lá chắn mạnh mẽ trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Rửa tay với xà phòng không chỉ là hành động đơn giản hàng ngày mà còn là lá chắn mạnh mẽ trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vệ sinh tay giúp bảo vệ hàng triệu sinh mạng mỗi năm khi được thực hiện đúng cách vào những thời điểm quan trọng. "Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy, vệ sinh tay và rửa tay bằng xà phòng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng cũng như phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thời gian qua tình hình dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn có diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng nếu người dân không chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Tình hình bão, mưa lũ dự báo sẽ tiếp tục diễn ra có nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh truyền nhiễm liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm trong và sau mưa lũ.
"Việc thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp phòng, chống dịch quan trọng, đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Chủ đề Ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2024 là "Rửa tay với xà phòng – Tại sao lại quan trọng" nhằm mục đích truyền thông tới đông đảo người dân, cộng đồng về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng; đồng thời kêu gọi những nỗ lực phối hợp hơn nữa của các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu về vệ sinh tay và cùng hành động để lan tỏa rộng rãi thói quen vệ sinh tay thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi.
"Sự có mặt của các đại biểu, các em học sinh tại lễ mít tinh thể hiện rõ trách nhiệm, quyết tâm và sự chung tay của tất cả chúng ta, của toàn xã hội trong công tác truyền thông, vận động người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói và bày tỏ thêm: Mỗi người hãy cùng thực hiện rửa tay với xà phòng đúng cách và thường xuyên, đồng thời lan tỏa thông điệp này đến mọi người xung quanh. Mỗi hành động nhỏ của từng cá nhân sẽ góp phần lớn lao trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh.
Việc rửa tay với xà phòng cần trở thành thói quen thường xuyên, hàng ngày
Để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, chủ động phòng, chống dịch bệnh hướng tới mục tiêu "Vì một Việt Nam khỏe mạnh" với phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị đơn vị thuộc các Bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt là Hội Phụ nữ, chính quyền các cấp và cơ quan truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và hiệu quả của rửa tay với xà phòng để việc rửa tay với xà phòng trở thành thói quen thường xuyên, hàng ngày.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là các nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học tăng cường giáo dục vệ sinh, rửa tay với xà phòng và nước sạch trong nhà trường cho các em học sinh với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với các lứa tuổi và cấp học...
Về phía chính quyền địa phương các cấp quan tâm, chỉ đạo và có các giải pháp để các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế và những nơi công cộng đảm bảo việc cung cấp nước sạch, bố trí đầy đủ chỗ rửa tay, xà phòng để mọi người có thể thực hành rửa tay thường xuyên.
"Mỗi hộ gia đình cũng cần phải có đầy đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay. Đặc biệt cần có các giải pháp đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý.
Nhân dịp này, Bộ Y tế kêu gọi, khuyến khích người dân và các em học sinh cần thực hiện đầy đủ, thường xuyên việc rửa tay với xà phòng để trở thành thói quen hàng ngày và cùng lan tỏa rộng rãi thói quen này cho những người xung quanh trong gia đình, cộng đồng, xã hội.
Tại buổi mít tinh, Bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng kêu gọi toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố, các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ tại các trường học, tại các hộ gia đình có trẻ nhỏ, tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
"Từ hành động cụ thể của mỗi người dân với phương châm: ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch, sẽ góp phần chung tay cùng các cấp chính quyền và ngành y tế đẩy lùi bệnh tật nói chung và đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm" - bà Thi nói.
Theo các chuyên gia y tế, những loại vi khuẩn, virus có thể bám lên tay sau khi mọi người sử dụng nhà vệ sinh hoặc thay tã, xử lý thịt sống. Mầm bệnh cũng có thể bám vào tay khi chạm vào các bề mặt hoặc đồ vật chứa dịch tiết của bệnh nhân.
Khi vi khuẩn bám trên tay và không được rửa trôi, có thể lây trực tiếp cho người khác thông qua các hành động bắt tay, chế biến món ăn hoặc lây gián tiếp khi chạm vào tay nắm cửa, tay vịn cầu thang. Mặt khác, mọi người cũng mắc bệnh nếu đưa bàn tay bẩn chạm lên mắt, mũi, miệng của chính mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tiếp xúc tay mắt là một trong những đường lây truyền bệnh đau mắt đỏ và đau mắt hột phổ biến.
Rửa tay đúng cách và đúng thời điểm, giúp loại bỏ bụi bẩn, virus và vi khuẩn ngăn lây lan sang người khác hoặc đồ vật...