Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc với tổ chức của LHQ về Phòng, chống ma túy

28-07-2024 11:10 | Y tế

SKĐS - Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm Trưởng đoàn đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) bên lề Hội nghị Quốc tế về AIDS năm 2024, tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Tiếp Đoàn làm việc có Bà Fariba Soltani - Trưởng phòng Can thiệp HIV/AIDS, Điều phối viên Cao cấp Toàn cầu về HIV/AIDS; TS. Monica Ciupagea, Cố vấn Toàn cầu về Ma túy và HIV/AIDS và TS. Ehab Salah, Cố vấn Toàn cầu về Trại giam và HIV/AIDS.

UNODC là một tổ chức quốc tế trực thuộc Liên Hợp quốc có nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia thành viên trong nâng cao năng lực nhằm đảm bảo an ninh và công bằng cho người dân, thế giới an toàn hơn trước tội phạm, tham nhũng và khủng bố.

UNODC bắt đầu mở văn phòng tại Việt Nam kể từ năm 1993. Các mảng hoạt động chính của Văn phòng là phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, phòng chống tham nhũng - rửa tiền, phòng chống ma túy, dự phòng và điều trị nghiện ma túy, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng chống bạo lực gia đình...

UNODC tại Việt Nam nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia tại Văn phòng Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của UNODC đặt tại Bangkok, Thái Lan và hoạt động dưới sự chỉ đạo của trụ sở chính của UNODC tại Viên, Áo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc với tổ chức của LHQ về Phòng, chống ma túy- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ giữa UNODC và Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ trưởng cho biết, trong suốt gần ba thập kỷ vừa qua, Văn phòng UNODC tại Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đối tác của Việt Nam, trong đó có Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chương trình phòng, chống ma túy với các cách tiếp cận cân bằng, toàn diện và dựa trên bằng chứng khoa học trên cả ba phương diện: Giảm cung, giảm cầu và giảm hại. UNODC đã hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành Y tế, công an, LĐ-TBXH và các đơn vị đầu mối thuộc sở/ngành của địa phương trọng điểm, tiến hành xây dựng và triển khai các bộ tài liệu tập huấn chuyên môn về dự phòng, chăm sóc và điều trị các rối loạn bệnh lý do ma túy gây ra bao gồm nghiện (lệ thuộc) ma túy.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, UNODC đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Cục Y tế và Cục Quản lý Trại giam (Bộ Công an) thiết lập và triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong các cơ sở giam giữ do Bộ Công an quản lý. 

Các hoạt động do UNODC hỗ trợ tập trung vào công tác xây dựng năng lực, cung cấp trang thiết bị, vật dụng y tế cơ bản và một số thuốc thiết yếu nhằm triển khai các hoạt động truyền thông dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, tạm giam và các cơ sở giam giữ khác do Bộ Công an quản lý.

Trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay, UNODC đang phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Cục Quản lý Trại giam (Bộ Công an) xây dựng Đề án Khám chữa bệnh từ xa nhằm đẩy mạnh công tác xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS nói riêng và công tác khám chữa bệnh nói chung trong các trại giam do Bộ Công an quản lý.

Ngoài ra, UNODC còn hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp quy về phòng, chống ma túy; phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân trong khuôn khổ các Tháng Hành động nhân Ngày Thế giới Phòng, chống Ma túy 26/6, Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS 1/12 hàng năm; triển khai các chương trình truyền thông, chuyển tải các thông điệp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với các nhóm, tầng lớp dân cư có nguy cơ, đặc biệt là thanh thiếu niên, người dân di biến động và người dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc với tổ chức của LHQ về Phòng, chống ma túy- Ảnh 3.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia của UNODC

Trong thời gian tới, bà Fariba Soltani - Trưởng phòng Can thiệp HIV/AIDS, Điều phối viên Cao cấp Toàn cầu về HIV/AIDS cam kết, UNODC sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng văn bản pháp quy, tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực dự phòng - giảm hại và điều trị nghiện và các rối loạn bệnh lý do ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp gây ra; hỗ trợ xây dựng năng lực cho ngành y tế trong công tác giảm hại và điều trị nghiện, HIV/AIDS trong nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp; hỗ trợ duy trì và mở rộng chương trình điều trị nghiện bằng thuốc methadone, xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ mới như mang thuốc về nhà, và mở rộng các lựa chọn điều trị mới; mở rộng các hoạt động can thiệp phòng chống HIV/AIDS trong các trại giam…

Mời độc giả xem thêm:

Những thách thức, khó khăn trong điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV, tiêm chích ma túyNhững thách thức, khó khăn trong điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV, tiêm chích ma túy

SKĐS - Tỷ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26- 44%).


HH
Ý kiến của bạn