Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25 về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Hội thảo toàn ngành trong 1 ngày, chủ đề: Y tế cơ sở từ chính sách đến hành động. Buổi hội thảo còn được nối truyền hình trực tuyến tới 1.000 điểm cầu đến 63 tỉnh, thành.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên biểu dương ngành y tế Hà Nội đã rất nhanh tổ chức quán triệt thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư.
Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thực hiện để đưa Chỉ thị của Ban Bí thư vào cuộc sống, đồng thời tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, để người dân được chăm sóc sức khỏe từ sớm.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhìn nhận, chính sách về y tế cơ sở còn chưa hoàn thiện so với xu thế phát triển, vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm một cách đầy đủ đến vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở, nhất là ứng phó với tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.
Đối với Hà Nội, ngành y tế đã chủ động, sớm nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng và là địa phương đi đầu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
"Bộ Y tế nhận thấy Sở Y tế Hà Nội đã có những giải pháp sáng tạo, đồng thời thực hiện cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Bộ như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa áp dụng ngay tại tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, là đề xuất triển khai thí điểm mô hình "Bệnh viện chị - em" giữa Bệnh viện Xanh Pôn – là BVĐK hạng I với Bệnh viện huyện Ba Vì và TTYT Ba Vì, là cách làm mới trong công tác chỉ đạo tuyến giữa tuyến trên và tuyến dưới", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Mạng lưới y tế cơ sở của Hà Nội hiện có 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 54 phòng khám đa khoa; 4 nhà hộ sinh; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Y tế Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với chỉ đạo các đơn vị y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, mạnh việc xây dựng xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế gắn với việc hoàn thành tiêu chí y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sở Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, hỗ trợ chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị máy móc, hóa chất cho công tác y tế dự phòng các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn hàng trăm tỷ đồng.
Hiện nay, Hà Nội đã và đang triển khai 198 dự án thuộc cấp huyện đầu tư trong giai đoạn 2022-2025, với tổng kinh phí 1.135,9 tỷ đồng … góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, nhất là với các đối tượng chính sách gồm: người nghèo và cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công.
Hà Nội đã có 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT.
Hàng năm, số lượt người đến khám, chữa bệnh ở phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, thị trấn tăng lên, đạt trên 2 triệu lượt bệnh nhân/năm; có hơn 88% trạm y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 100% tại các phòng khám đa khoa.
Triển khai công tác khám chữa bệnh tại các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, đảm bảo an toàn trong điều trị cung ứng thuốc, giảm tải số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Ngành y tế đã triển khai chương trình khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, sổ sức khỏe điện tử theo Đề án 06.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TS Trần Thị Nhị Hà cho biết, chủ đề của Hội thảo "Y tế cơ sở - từ chính sách đến hành động" với mong muốn đưa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Y tế cơ sở, đặc biệt là Chỉ thị số 25- của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới nhanh chóng vào trong thực tiễn, tìm tòi cách làm mới, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các giám đốc TTYT đồng thời kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.
"Hà Nội là địa phương được Bộ Y tế, Bộ Công an chọn làm địa bàn thực hiện thí điểm việc xây dựng hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân gắn với Đề án 06 của Chính phủ. Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện nội dung này để tạo thành mảnh ghép hoàn chỉnh cho bức tranh hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới", TS Hà nói.
Với cách làm đổi mới, hướng về cơ sở, tạo niềm tin cho người dân với y tế cơ sở, Hà Nội đang triển khai thí điểm mô hình "Bệnh viện chị - em".
Trong đó, BVĐK Xanh Pôn là bệnh viện hạng I, có trách nhiệm giúp đỡ, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK huyện Ba Vì và TTYT huyện Ba Vì với mục tiêu hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.
Tuy mới, triển khai được 2 tháng nhưng kết quả mô hình "Bệnh viện chị - em" theo TS Trần Thị Nhị Hà là rất tốt. BVĐK huyện Ba Vì đã triển khai quy trình khám bệnh 1 chiều không giữ thẻ BHYT, khai trương Đơn nguyên Cấp cứu và Đơn nguyên Sơ sinh, chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết và đã cấp cứu thành công 1 ca nhồi máu não giờ thứ 2,5, v.v… TTYT huyện Ba Vì đã xây dựng được mô hình quản lý sức khỏe thật sự hiệu quả cho người dân ngay tại cộng đồng.
Nói về mô hình "Bệnh viện chị - em", TS Trần Thị Nhị Hà chia sẻ: Tên gọi Chị - Em, bình dị, đơn giản vì đó là mô hình có sự giúp đỡ, yêu thương, gắn bó như chị em trong nhà…và đã đến lúc: Y tế cơ sở phải hành động từ những việc làm rất thực chất, rất cộng đồng gắn với từng người dân.