Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: 27 ngày không có ca bệnh, Thanh Hoá không được chủ quan, mất cảnh giác  

24-06-2021 19:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID – 19 phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc diễn ra chiều nay 24/6 giữa đoàn công tác liên ngành phòng chống dịch COVID-19 với UBND tỉnh Thanh Hoá về công tác phòng chống dịch.

Theo đó, từ 27/4 đến nay dịch COVID-19 đã xuất hiện tại hơn 40 tỉnh thành phố cả nước. Có tỉnh qua 21 ngày nhưng lại xuất hiện ca bệnh. Theo nhận định, ca bệnh xuất hiện ở cộng đồng, bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Trước thực trạng đó, đòi hỏi có biện pháp phòng chống dịch phù hợp và hiệu quả hơn, tránh ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch gây ra.

Thanh Hoá có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất và dịch vụ du lịch phát triển. Vì thế, công tác phòng chống dịch tại địa phương cần hết sức căn cơ để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá cho biết, tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận tổng số 08 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 2 ca tái dương tính.

Đến nay, Thanh Hoá đã chuẩn bị 102 khu cách ly với khả năng thu dung 10.757 người.

Về năng lực xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và BVĐK tỉnh với năng lực xét nghiệm 800 mẫu/ngày (nếu gộp mẫu có thể xét nghiệm cho 3.000 đến 4.000 người/ngày). Thanh Hoá cũng sẵn sàng kích hoạt thêm phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi với năng lực khoảng 200 mẫu/ngày.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thanh Hoá  đã tái thành lập 07 chốt kiểm soát liên ngành tại các huyện. Đồng thời, kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hoạt động nhập cảnh trái phép vào Thanh Hóa.

Trung tâm giáo dục quốc phòng Hồng Đức nơi tiếp nhận cách ly các trường hợp F1

Cũng theo giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá, địa phương đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại các khu cách ly tập trung theo quy định, hạn chế thấp lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hoá chưa để xảy ra tình trạng lây chéo trong khu cách ly.

Về cơ sở điều trị, hiện tỉnh đang vận hành hoạt động cơ sở điều trị COVID-19 số 1 tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa với quy mô 200 giường bệnh và có thể mở rộng trưng dụng toàn bộ Bệnh viện quy mô 500 giường bệnh. Đồng thời, địa phương cũng sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa với quy mô 300 giường bệnh

Các đơn vị của Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong triển khai phòng chống dịch

Nhận định về công tác phòng chống dịch tại nhà máy và khu cách ly tập trung của tỉnh sau khi đi kiểm tra thực tế,  PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, qua kiểm tra tại công ty sản xuất giầy Roll Sport nhận thấy, doanh nghiệp đã chỉ đạo thành lập tổ an toàn COVID trong nhà máy, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và cũng đã đánh giá nguy cơ dịch bệnh, đồng thời cập nhật lên bản đồ COVID-19 …

Tuy nhiên, PGS. Liên Hương cho rằng, việc thành lập tổ COVID, cũng như xây dựng kế hoạch chống dịch của doanh nghiệp còn mang tính hình thức. Chưa phân công công việc cụ thể, chưa nêu được phương án ứng phó khi có một trường hợp mắc và nhiều người mắc...

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Thơm, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế cũng nhận định, công tác truyền thông của doanh nghiệp cũng còn hạn chế như thiếu poster, áp phích vê phòng chống dịch. Đặc biệt hệ thống loa truyền thông trong nhà máy chưa hợp lý nên sẽ giảm hiệu quả... Tỉnh nên đẩy mạnh công tác truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng tiktok, youtube...

 Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Nguyễn Thị Liên Hương 

Riêng về khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho rằng, cơ sở vật chất tại đây rất đầy đủ, có nhà vệ sinh khép kín, có hệ thống theo dõi camera đặt ở các tầng…

“Chúng tôi, đánh giá cao công tác chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh. Cục Quản lý môi trường y tế sẵn sàng hướng dẫn trực tuyến tập huấn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các Sở, ban ngành và các huyện  trong từng tình huống cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế cho hay.

Cũng tại cuộc họp, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế nhận định, Thanh Hoá đến nay là 27 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn cao, bởi đây là tỉnh có biên giới, đường biển, cửa khẩu đường bộ.. Theo đó, mục tiêu phòng chống dịch của tỉnh tập trung vào 3 phương án đó là giám sát phát hiện sớm, khoanh vùng; Bảo vệ khu công nghiệp và triển khai tiêm vắc xin.

Đoàn công tác kiểm tra tại nhà máy sản xuất giầy tại tỉnh Thanh Hoá 

TS. Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra tại BV Phổi Thanh Hoá – nơi đang được bố trí tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của tỉnh hiện đang có 3 bệnh nhân điều trị ở mức độ nhẹ. Qua kiểm  quy trình, Ts Khoa cũng cho biết, bệnh viện tuân thủ các quy trình về khám chữa bệnh với bệnh nhân COVID-19. Hàng tuần, BV cũng tiến hành test nhanh cho cán bộ y tế và bệnh nhân...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị liên quan như Cục Công nghệ thông tin, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp môi trường, Tổng liên đoàn lao động... cũng đóng góp những ý kiến để Thanh Hoá hoàn thiện hơn công tác phòng chống dịch.

Đoàn công tác kiểm tra khu cách ly tập trung của tỉnh Thanh Hoá do quân đội quản lý 

Phải hết sức lưu tâm phòng chống dịch trong khu công nghiệp

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Thanh Hoá qua 27 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19, tuy nhiên tỉnh không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Theo Thứ trưởng, Thanh Hoá là tỉnh đông dân, có 5 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế với gần 18 nghìn doanh nghiệp và khoảng 340 nghìn lao động. Vì vậy, phòng chống dịch trong khu công nghiệp phải hết sức lưu tâm.

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, Ban chỉ đạo tỉnh phải tổ chức tập huấn cho các đơn vị thực hiện quyết định QĐ/2787 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong nhà máy. Tỉnh giao cho Ban quản lý KCN tổ chức tập huấn cùng sự phối hợp với Sở Công thương, y tế và UBND huyện.

Tỉnh cũng phải kiểm tra từng doanh nghiệp xem có thành lập BCĐ không và chủ doanh nghiệp phải làm Trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời, yêu cầu chủ doanh nghiệp phải ký cam kết phòng chống dịch với Ban quản lý KCN hoặc với UBND huyện. Yêu cầu công nhân ký cam kết phòng chống dịch.

Tỉnh cũng cần phải tính đến tình huống có ca mắc trong doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh yêu cầu nhà máy phải xây dựng phương án vừa chống dịch vừa sản xuất. Theo phương châm 50% đi làm, 50% ở nhà. Với những người đi làm thì thực hiện xét nghiệm nhanh và khi vào nhà máy làm việc sẽ ăn ngủ nghỉ trong nhà máy, hết 14 ngày luân phiên công nhân khác.

Trong trường hợp có ca bệnh, phương châm là nhanh chóng phát hiện thần tốc truy vết, khoanh vùng, phong toả, lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm sớm nhất.

"Tỉnh cũng hết sức lưu ý  trong cộng đồng, đặc biệt là trong phòng chống dịch ở  khu nhà trọ, phát huy thế mạnh của tổ COVID cộng đồng. Yêu cầu chủ nhà trọ ký cam kết với chính quyền, thực hiện và thường xuyên đi kiểm tra để nhắc nhở chủ nhà trọ...", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Thứ trưởng  Bộ Y tế lưu ý, Thanh Hoá cũng cần lên phương án thành lập 3 cơ sở điều trị ở 3 nơi khác nhau là phía bắc, trung tâm và phía nam.  Mỗi một cơ sở nên chọn 1 trung tâm y tế sẵn có để thiết lập thành cơ sở chỉ để điều trị COVID-19. Cơ sở này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì giải thể và lại trở về khám chữa bệnh tiếp nhận bệnh nhân như bình thường.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phát biểu tiếp thu ý kiến 

Ngoài ra, tại BVĐK tỉnh cũng lên phương án xây dựng đơn nguyên điều trị cho bệnh nhân nặng khoảng 100 giường bệnh, trong đó 20 giường điều trị được bệnh nhân rất nặng.

Về Xét nghiệm, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, tỉnh cần nâng cao năng lực xét nghiệm lên khoảng 5000-7000 mẫu đơn.

"Thanh Hoá cần phải quản lý chặt chuyên gia đến địa phương, thực hiện xét nghiệm sàng lọc 20% công nhân và tuyệt đối, không được để lây nhiễm chéo trong bệnh viện và cơ sở điều trị", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khẩn trương thành lập trung tâm dữ liệu thông tin dịch bệnh tại tỉnh để thuận lợi cho quá trình điều hành công tác phòng chống dịch.

Thứ trưởng kết luận,  phải quyết tâm chống dịch bằng được không để dịch xảy ra trong các thành trì như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bệnh viện.

Tiếp thu ý kiến của đoàn công tác, Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã cảm ơn Thứ trưởng cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại Thanh  Hoá.

“Thanh Hoá nhiều yếu tố nguy cơ có thể xâm nhập COVID vào tỉnh, mặc dù đến thời điểm này Thanh Hoá qua 27 ngày chưa ghi nhận ca bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ cao nên Thanh Hoá cũng rất lo lắng. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và lãnh đạo các cục vụ của Bộ Y tế, của Tổng liên đoàn lao động, của Bộ Công thương đến làm việc và có nhiều ý kiến gợi ý giúp cho Thanh Hoá. Thanh Hoá Giao cho Sở Y tế và Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cơ quan trung ương liệt kê đầu việc để khắc phục và đưa ra nhiệm vụ cụ thể để UBND tỉnh chỉ đạo bổ sung công tác phòng chống dịch”, Phó Chủ tịch Thanh Hoá bày tỏ.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn