Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị không quy định xét nghiệm sàng lọc học sinh đến trường

18-02-2022 10:54 | Y tế

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0...

Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT tại phiên họp với Chính phủ ngày 17/2, nhiều địa phương có số ca mắc COVID-19 là giáo viên, học sinh tăng khi mở cửa trường học. Trong số những nơi đã có thống kê, Hải Phòng có số ca mắc cao sau Tết Nguyên đán 9.649 ca, kế tiếp là Thanh Hóa 2.359 ca.

Tại Hà Nội, tuy chưa công bố số liệu thống kê nhưng có những trường có hàng chục ca nhiễm sau khi học sinh trở lại trường chỉ 1 tuần.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị không quy định xét nghiệm sàng lọc học sinh đến trường - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0... Ảnh: Đình Nam

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0.

Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả, gây phản ứng không cần thiết.

Trước ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca mắc, trường hợp F1…

"Đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở GD&ĐT không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.

Không có sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, hai buổi hoặc ăn bán trú. Vì vậy, các trường học đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng chống dịch có thể tổ chức học bán trú cho học sinh để tạo thuận tiện, giảm phiền hà cho phụ huynh và gia đình.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn:

Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn về chăm sóc, thuốc điều trị cho học sinh mắc COVID-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh và xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, từ ngày 1-15/2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc COVID-19, trong đó, số ca mắc từ 5-18 tuổi là 28.314 ca (chiếm khoảng 8,6%); trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8%).

Trước đó, tại hội nghị Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 với sự tham dự của các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT vừa diễn ra, TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), chia sẻ thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0.

Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.

Bên cạnh các hướng dẫn khi ghi nhận ca mắc COVID-19 tại trường học, ông Nam cho biết về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD&ĐT.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ họp để điều chỉnh hướng dẫn xử trí mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Về thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà hiện nay: đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, thì ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, âm tính, cho đi học trở lại; Đối với học sinh F1 chưa được tiêm vaccine, cũng cho nghỉ tại nhà, theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định; nghỉ học không quá 14 ngày.

Các biện pháp phòng dịch, xử lý khi có ca COVID-19 tại trường học thế nào?Các biện pháp phòng dịch, xử lý khi có ca COVID-19 tại trường học thế nào?

SKĐS - Thời gian qua, tại không ít trường học đã xuất hiện các ca COVID-19 là học sinh. Vậy các nhà trường phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch thế nào? Xử trí ra sao khi có học sinh, thầy cô giáo... nghi mắc, mắc COVID-19?

Thái Bình
Ý kiến của bạn