Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo phát triển chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành y dược cổ truyền diễn ra tại Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam ngày 13/9.
Đào tạo sau đại học cho đội ngũ thầy thuốc y dược cổ truyền để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã gắn liền với hơn 4000 năm lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ thời vua Hùng, nhân dân ta đã biết sử dụng gừng để chữa cảm lạnh, nghệ để chữa các bệnh dạ dày, hay nhai trầu cau để làm chắc và phòng ngừa các bệnh răng lợi.
"Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về một nền Y học nước nhà với bề dày lịch sử và đậm đà bản sắc dân tộc với những lời dạy có giá trị trường tồn mãi mãi như "Nam dược trị Nam nhân" của Đại Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh hay "Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình" của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, phát triển đào tạo sau đại học ngành y dược cổ truyền là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các đơn vị đào tạo nhân lực y tế, trong đó Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam phải là nòng cốt nhằm cung cấp cho ngành Y tế những cán bộ có trình độ cao nắm vững cả về Y Dược cổ truyền và Y Dược học hiện đại, dần trở thành các chuyên gia trụ cột trong mỗi lĩnh vực phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Về bản chất, Y học cổ truyền là một ngành Y học và trong ngành lại có nhiều chuyên ngành khách nhau. Hiện tại, đa phần các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, ngoài các khoa phổ biến như Nội khoa, Lão khoa, Cơ xương khớp, Châm cứu, Khí công dưỡng sinh… đã phát triển thêm nhiều khoa chuyên sâu như: Ngoại khoa, Tiết niệu, Nam học, Ung bướu, Sản phụ khoa, Nhi khoa... với phương châm kết hợp đông tây y để phục vụ người dân.
Để rút ngắn quy trình khám bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh cũng như uy tín của bệnh viện nói riêng và ngành Y Dược học cổ truyền nói chung, người thầy thuốc phải được nâng cao trình độ chuyên môn Y- Dược học cổ truyền và Y Dược học hiện đại theo hướng chuyên sâu, cho nên, đào tạo sau đại học các chuyên ngành y dược cổ truyền kết hợp Y học hiện đại bao gồm: bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sỹ chuyên ngành YHCT; chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Dược liệu- Dược học cổ truyền là một yêu cầu bắt buộc đối với toàn ngành.
"Việc nâng cao trình độ sau đại học cho đội ngũ thầy thuốc y dược cổ truyền không những đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành với những trụ cột có trình độ chuyên môn sâu, mà còn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phù hợp với xu hướng "thực hành y học dựa trên bằng chứng" của nền y học trên toàn thế giới"- Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Thứ trưởng đánh giá cao việc học viện tổ chức hội thảo "Phát triển chương trình đào tạo sau đại học ngành Y – Dược học cổ truyền". Ông đề nghị lãnh đạo cùng cán bộ nhân viên Học viện nhanh chóng thực hiện cập nhật, đổi mới chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo sau đại học cũng như mở mã ngành mới theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.
Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam dự kiến mở thêm 2 mã ngành đào tạo sau đại học
Tại hội thảo ông Phạm Quốc Bình, Chủ tịch hội đồng trường Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, học viện đang tổng hợp góp ý của các nhà quản lý, đơn vị đào tạo, đơn vị sự dụng nhân lực, giảng viên, cựu học viên để điều chỉnh chuẩn đầu ra và chương trình đạo tạo sau đại học của một số ngành mũi nhọn.
Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đang đào tạo 5 chương trình đào tạo sau đại học gồm: bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ Y học cổ truyền. Đặc biệt, trường đang trình Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cho phép mở thêm 2 ngành đào tạo sau đại học gồm: bác sĩ chuyên khoa 1 ngành Châm cứu và bác sĩ chuyên khoa 1 ngành Dược liệu - Dược học cổ truyền.
Hội thảo nhằm tổng hợp góp ý của các nhà quản lý, đơn vị đào tạo, đơn vị sự dụng nhân lực, giảng viên, cựu học viên về điều chỉnh chuẩn đầu ra và chương trình đạo tạo sau đại học của một số ngành mũi nhọn. Đồng thời hội thảo tập trung tổng hợp góp ý về điều chỉnh chuẩn đầu ra và chương trình đạo tạo trình độ BSCK I, BSCK II, Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành YHCT; BSCK I ngành Châm cứu và ngành Dược liệu - Dược học cổ truyền qua 3 chủ đề chuyên sâu.
Tại mỗi chủ đề, diễn giả đã trình bày báo cáo tham luận thực trạng về chương trình đào tạo sau đại học của từng ngành; cơ sở khoa học để điều chỉnh chuẩn đầu ra và khung chương trình học; đặc biệt, nhấn mạnh vào những đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng của chương trình để đáp ứng nhu cầu thực tiễn thị trường.