Thông tin này được GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại lễ ký kết thoả thuận hợp tác chương trình "Sàng lọc/ phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã" giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương và Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup diễn ra sáng ngày 7/4.
GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Tại Việt Nam, trên toàn quốc cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm
Trên toàn quốc, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, COPD chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.
“Đặc biệt, bệnh không lây nhiễm còn là bệnh lý nền, yếu tố tăng nặng và dẫn đến tử vong của các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm hay COVID- 19 hiện nay”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Thông tin thêm về thực trạng của bệnh không lây nhiễm, GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho hay, hiện nay bệnh không lây nhiễm đang là thách thức với toàn cầu và là gánh nặng lớn đối với toàn xã hội.
Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này. Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 95% và đến 2030 có 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Viện Vệ sinh dịch tễ TW và Quỹ Thiện Tâm
Bên cạnh đó, từ năm 2015 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, trong đó các giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh dự phòng, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu để giảm thiểu yếu tố nguy cơ, tăng tỷ lệ phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm.
Bộ Y tế đã có những nỗ lực triển khai phòng chống bệnh không lây nhiễm trong đó có việc ban hành Quyết định số 2559/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 3756/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán sớm, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho tuyến y tế cơ sở; Quyết định số 5904/QĐ-BYT ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã”.
Hiện nay Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2021.
Trong thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng các mô hình điểm về sàng lọc/ phát hiện và quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường tại các tỉnh.
Chương trình hợp tác "Sàng lọc/ phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã” sẽ triển khai tại 3 địa phương là Cao Bằng, Lai Châu và Ninh Bình
Để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh miền núi và trung du khó khăn có nguồn lực để nhân rộng mô hình thí điểm này, chương trình hợp tác "Sàng lọc/ phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã” sẽ triển khai tại 3 địa phương Cao Bằng, Lai Châu và Ninh Bình. Chương trình hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường được quản lý điều trị tại các cơ sở y tế, đặc biệt ở các trạm y tế nhằm hạn chế tỷ lệ tàn tật và tử vong sớm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người dân tại 3 tỉnh trên trong giai đoạn 2021-2022.
Theo đó, chương trình sẽ có các hoạt động như nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường; hỗ trợ trang thiết bị và vật tư tiêu hao thiết yếu cho các trạm y tế xã và y tế thôn bản; thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm và đưa vào quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.
Xem thêm: Hơn 3,5 triệu người Việt mắc đái tháo đường và sẽ tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045
Đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới
22 tuổi đã bị tăng huyết áp, cảnh báo gia tăng người trẻ mắc bệnh "kẻ giết người thầm lặng"