Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã làm việc với Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
Xây dựng chiến lược phát triển đào tạo nhân lực y dược học cổ truyền chất lượng cao
Báo cáo với Thứ trưởng tại buổi làm việc diễn ra chiều ngày 10/3, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam cho biết, học viện đã xây dựng chiến lược phát triển đào tạo theo xu hướng và yêu cầu về tự chủ đại học; xây dựng kế hoạch phát triển chương trình đào tạo sau đại học, từ đó đặt mục tiêu cho từng chỉ tiêu cụ thể.
Với sự phát triển về quy mô và chất lượng đào tạo, Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam đã cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung đội ngũ nguồn nhân lực giảng dạy chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đào tạo; đặc biệt là phát triển bổ sung cả chất lượng và số lượng các bệnh viện thực hành.
Công tác nghiên cứu khoa học đã được học viện quan tâm, khuyến khích và đạt một số kết quả đáng trân trọng, trong năm 2022, học viện có 99 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước, 7 bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín của quốc tế. Đặc biệt, năm 2022, học viện có 3 ứng viên chức danh Phó Giáo sư đều đã được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận.
Học viện đã chủ động trong hợp tác quốc tế với các trường đại học trên thế giới (Trường Đại học Trung Y Dược Nam Kinh – Trung Quốc, Đại học Wonkwang Hàn Quốc, Đại học Indiana Mỹ, Trường Trung y Quốc tế Chi Lê, Trường Đại học Trung Y dược Thiên Tân Trung Quốc) về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Giám đốc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam cũng báo cáo thêm, cuối tháng 9/2022 đã có 536 thạc sĩ, BSCKI và bác sĩ đa khoa, y học cổ truyền, dược sĩ được trao bằng tốt nghiệp, góp phần cung ứng nhân lực chuyên ngành y học cổ truyền chất lượng cao cho các cơ sở khám chữa bệnh.
"Không chỉ chăm lo công tác đào tạo, thầy và trò Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam với tinh thần không ngại khó, hơn 400 giảng viên, sinh viên đã xung phong lên đường chống dịch COVID-19 tại TP. HCM, Bắc Giang, Hà Nội.... Cùng đó tuổi trẻ của Học viện đã triển khai nhiều hoạt động xã hội vì cộng đồng như hiến máu tình nguyện, khám chữa bệnh và phát thuốc tình nguyện cho người dân vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn", PGS.TS Nguyễn Quốc Huy cho biết.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Bệnh viện Tuệ Tĩnh – Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã báo cáo thông tin hiện bệnh viện đang tiến hành hoàn thiện danh mục các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu phù hợp với mô hình bệnh tật và xây dựng kế hoạch đưa vào sản xuất lưu hành nội bộ các bài thuốc này thành các sản phẩm dưới dạng bào chế thuốc như viên hoàn cứng, cao lỏng, viên hoàn mềm, cồn xoa bóp, thuốc cốm, siro… phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tất cả các sản phẩm thuốc này được sản xuất phục vụ mọi đối tượng người bệnh, chú trọng đến người tham gia BHYT.
Tại buổi làm việc, Học viện Y Dược học cổ truyền đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tạo điều kiện cho học viện là đơn vị đầu mối để xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ cho kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề cho đối tượng bác sĩ y học cổ truyền. Hiện học viện đã và đang phối hợp với một số đối tác quốc tế để tìm hiểu, thu thập các tài liệu và tham khảo mô hình thi chứng chỉ hành nghề quốc gia về y học cổ truyền.
Bộ Y tế hỗ trợ để học viện mở một số mã ngành sau đại học chuyên sâu về y dược học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại chuyên ngành: BSCKII châm cứu, thạc sĩ châm cứu, thạc sĩ dược liệu- dược cổ truyền…
Học viện Y Dược học cổ truyền cũng đề xuất Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện Tuệ Tĩnh khoản kinh phí hỗ trợ khó khăn do COVID-19 gây ra; Sớm phê duyệt và bổ sung nguồn kinh phí giao thường xuyên không tự chủ để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất hiện có và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của bệnh viện; phê duyệt danh mục kỹ thuật bổ sung của bệnh viện…
Chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công bố các bài báo quốc tế về y dược học cổ truyền
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thay mặt Lãnh đạo Bộ biểu dương, ghi nhận đóng góp của tập thể cán bộ, thầy cô giáo, người lao động, y bác sĩ của Học viện Y Dược học cổ truyền trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, trong giai đoạn tới Học viện Y Dược học cổ truyền tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Xác định giữ gìn đoàn kết nội bộ là hạt nhân cho mọi hoạt động, có các giải pháp thu hút giảng viên trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển của học viện;
Cùng đó, học viện kiện toàn tổ chức bộ máy tổ chức, nhân sự theo hướng tinh gọn hiệu quả hiệu lực của Hội đồng trường, xây dựng đề án vị trí việc làm, sắp xếp khoa phòng, kiện toàn nhân sự lãnh đạo khoa phòng để ổn định tổ chức bộ máy nhân sự.
Về công tác tài chính, Thứ trưởng lưu ý Học viện Y Dược học cổ truyền cần thực hiện nghiêm theo đúng quy định sử dụng tài chính sử dụng tài sản công đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm chống lãng phí…
Với lĩnh vực chuyên môn, Học viện Y Dược học cổ truyền cần tiếp thu theo ý kiến của các vụ/cục đã trao đổi, thảo luận; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đại học và sau đại học chuyên ngành y dược học cổ truyền. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các vụ/cục tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn học viện thêm về nội dung này.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ về đề xuất liên quan đến đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất…của Học viện Y Dược học cổ truyền và Bệnh viện Tuệ Tĩnh, tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị cần có đề xuất cụ thể gửi vụ/ cục liên quan để báo cáo lãnh đạo Bộ.
Về đề xuất của học viện thời gian tới trong đó có hoạt động mở mã ngành theo nhu cầu, theo lãnh đạo Bộ Y tế, điều này cho thấy học viện còn nhiều tiềm năng phát triển, đề nghị học viện xây dựng đề án tổng thể phát triển giai đoạn 10 năm tới, từ đó Bộ Y tế cũng như các đơn vị liên quan có cơ sở để xem xét, bàn thảo, quyết định.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng 'nhắc' Học viện Y Dược học cổ truyền đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công bố các bài báo quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các trường quốc tế về đào tạo giảng viên, nghiên cứu khoa học…