Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Y tế: ‘Chẳng mấy chốc Việt Nam dẫn đầu thế giới về sử dụng rượu bia…’

26-09-2016 11:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là điều đáng báo động được Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam và Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, diễn ra ngày 26/9 tại Hà Nội.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu là có liên quan đến rượu bia, gánh nặng sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu bia là 4,6%. Đối với Việt Nam, rượu bia luôn luôn là một trong 10 nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong. Chính vì lý do đó, nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng người dân, Bộ Y tế đã khẩn trương xây dựng Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, có một số điều luật ở nước ta mọi người cho là mới nhưng thực tế trên thế giới đã thực hiện từ lâu và cho hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn, việc có nên cấm hay không cấm bán rượu bia sau 22h; hoặc cấm bán rượu cho trẻ vị thành niên ở các nước đã áp dụng từ lâu; cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng – đặc biệt trong nhà trường… Có rất nhiều điều khoản như vậy nếu chúng ta không thực hiện quyết liệt thì sẽ không thành công, và tốc độ gia tăng việc sử dụng rượu bia ở nước ta sẽ ngày một gia tăng hơn.

Một thực tế rất đáng báo động là việc sử dụng rượu bia ở lứa tuổi trẻ ngày càng trẻ hơn; tuổi từ 50-60 tuổi uống rượu bia hàng ngày; việc sử dụng rượu bia với tần suất ít hơn nhưng lượng sử dụng nhiều hơn rất nhiều so với người lớn… Nếu chúng ta không có các biện pháp ngăn chặn thì chắng mấy chốc Việt Nam sẽ vươn lên đứng đầu thế giới về sử dụng rượu bia… Đây là một trong những điều đáng suy nghĩ, trăn trở.

Chính vì vậy cần thiết phải thảo luận, chia sẻ xung quanh vấn đề sử dụng rượu bia để cảnh báo người sử dụng, trên hết là đưa ra các bằng chứng thuyết phục để trình bày trước Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Việt Nam hiện đứng thứ 29 trên thế giới về sử dụng rượu bia. Ảnh minh họa.

Quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?

ThS.BS Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, có đến 200 lít rượu không chính thống được sử dụng mỗi năm. VN ở mức rất cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á, Thái Bình Dương; xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Tỉ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành rất cao, có tới 77% nam giới và 11% nữ giới hiện tại có uống rượu bia trong 30 ngày qua. Tuổi càng cao tình trạng sử dụng rượu bia càng tăng. Nhóm tuổi trẻ tần suất uống ít hơn nhưng uống nhiều hơn trong mỗi lần uống so với nhóm tuổi già. Gần một nửa nam giới đã uống rượu bia ở mức nguy hại. Trong số người có uống rượu bia, khoảng 45% đã từng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trong vòng 2 giờ sau khi dùng. Kết quả điều tra quốc gia vị thành niên VN cho thấy 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ một tuần trở lên...

Theo ThS. Bảo, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đến 21 tuổi mới uống. Đó là khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp 6 lần, khả năng bị chấn thương do uống gấp gần 5 lần.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.

“Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn, mức độ uống khác nhau ở từng người. Uống rượu bia ở bất kỳ mức độ nào cũng đều gây tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh”- ThS. Bảo nói.

Trước thực trạng sử dụng rượu bia ở nước ta hiện nay, ông Nguyễn Phương Nam, đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra câu hỏi nhức nhối rằng VN là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn? Bởi hậu quả của việc sử dụng rượu bia không chỉ đến chính người tiêu dùng, gia tăng gánh nặng bệnh tật mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng xã hội, gây ra tai nạn giao thông, đẩy lùi tăng trưởng kinh tế, bạo lực gia đình,…

BSCC. Lý Trần Tình, Nguyên GĐ BV Tâm thần Hà Nội cũng không khỏi ái ngại khi nói rằng, Việt Nam là một trong số 12 quốc gia trên thế giới còn để cho người dân nấu rượu. Và một thực trạng vẫn tồn tại đó là ở Việt Nam, nếu tìm thư viện, nhà vệ sinh công cộng thì khó nhưng quán nhậu mọc lên ở khắp nơi.

BS. Tình cho hay, các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân loạn thần do rượu là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ hoặc ngủ ít… Thường gặp nhất và nặng nề nhất là sảng rượu với các biểu hiện rối loạn ý thức, ảo giác nhất là ảo thị, ảo thanh, hoang tưởng bị truy hại,…

“Một ngày điều trị trung bình từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, ngoài điều trị các rối loạn tâm thần như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn nhận thức, rối loạn hành vi còn phải điều trị nhiều bệnh lý cơ thể kèm theo như gan mật, tim mạch, dạ dày, viêm đa dây thần kinh chưa kể vấn đề nuôi dưỡng và chăm sóc”- BS. Tình nói.

Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết:

Kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam là bằng chứng khoa học và thực tiễn để Bộ Y tế nghiên cứu các chính sách pháp luật phù hợp đưa vào dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Với các vấn đề như vậy cần các biện pháp quan trọng là: Kiểm soát nguồn cung cấp rượu bia; Kiểm soát việc sử dụng rượu bia, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục hậu quả rượu bia để giảm tác hại của loại đồ uống này với sức khỏe con người.

Trong nghiên cứu này có mở rộng đối tượng nghiên cứu trong đó có đối tượng trẻ vị thành niên nhằm tìm hiểu về lứa tuổi sử dụng rượu bia của người Việt Nam; tỉ lệ trong quần thể nghiên cứu là bao nhiêu phần trăm để có biện pháp khắc phục vấn đề này. Ví dụ như tỉ lệ trẻ hóa của trẻ em VN trong sử dụng rượu bia từ khi bắt đầu mới lớn đã tiếp cận với rượu bia rồi thì càng uống càng tác động đến sức khỏe. Trẻ vị thành niên đã nghiện rượu bia rồi thì vấn đề về học tập, lao động, hành vi lối sống… một loạt các vấn đề tác động đến xã hội.

Cho nên khi nghiên cứu vấn đề này cho ta bài học rất lớn làm thế nào để có được sự tác động về mặt truyền thông, thông tin giáo dục một cách mạnh mẽ đến xã hội để những trẻ vị thành niên càng chậm tiếp cận với rượu bia càng tốt. Như vậy cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để thực hiện các vấn đề này.

Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện dự thảo Luật, và đang xây dựng báo cáo đánh giá tác động mục tiêu chính sách của dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia. Hi vòn rằng đến tháng 5/2018 Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật này.

Dương Hải
Ý kiến của bạn