Tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 còn thấp
Chiều 8/11 Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Hội nghị được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh. Tại hội nghị, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay có 28 tỉnh thành phố trong cả nước đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh thành dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 15/11.
Tuy nhiên, với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh.
Theo Đại diện Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, trong đó có nguyên nhân lây lan từ những người trở về từ vùng dịch.
Đã xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp dẫn đến một số địa phương phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến khi phát sinh dịch. Kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì tỉnh/thành phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng.
Việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.
Việc tiêm vacine phòng COVID-19 cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục và học sinh từ 12-17 tuổi, được địa phương tăng cường triển khai, nhưng thực tế tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp, trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%.
Trẻ đi học có cần đeo khẩu trang, có cần đảm bảo khoảng cách?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết việc rà soát văn bản, quy định tiêu chí đảm bảo an toàn trường học, ký túc xá được đặt ra để đưa các em sớm trở lại trường học. Nơi nào đã ở cấp độ dịch 1, 2 thì cần tạo mọi điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp, kể cả mầm non. Hiện nay, việc đưa học sinh vùng 1, vùng 2 trở lại trường hiện gặp nhiều khó khăn.
"Không phải là trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine thì không được đi học"- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường, tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường, tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường...
Các địa phương đề nghị có hướng dẫn cụ thể về việc đeo khẩu trang trong trường học, nhất là lứa tuổi tiểu học- trẻ còn nhỏ. Chẳng hạn, Quảng Ninh hiện yêu cầu tất cả học sinh, giáo viên đeo khẩu trang toàn thời gian (trừ lúc ăn, lúc ngủ bán trú) khi ở trường học trừ khối mầm non...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4, đợt dịch này ảnh hưởng rất sâu, toàn diện các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine tại nước ta tương đối lớn, đạt 75% cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên toàn quốc, đặc biệt các tỉnh miền Nam độ bao phủ còn cao hơn nữa.
Nhận định của WHO, các nước cho thấy tình hình dịch trong năm 2021 và 2022 vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc, chưa thể dự báo thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không.
Các nước bắt đầu thay đổi biện pháp phòng chống dịch, từ chỗ quyết tâm không có virus giờ chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. Từ đó, căn cứ vào tình hình dịch trên thế giới, trong nước, đặc biệt là kết quả tiêm vaccine, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128. Nguyên tắc là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch, không cứng nhắc như trước.
Tương tự với vấn đề giáo dục, hiện nay, thống kê đến tháng 9 có 105 quốc gia trên 134 quốc gia đã mở cửa các trường học trở lại.
Theo thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, căn cứ vào cấp độ dịch (cấp tỉnh, huyện, xã) mà các địa phương có kế hoạch cho trẻ đi học cụ thể. Trong một huyện có thể xã này đi học trực tiếp, xã kia học trực tuyến.
Về vấn đề trẻ đi học có cần đeo khẩu trang, có cần đảm bảo khoảng cách, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Cụ thể, trẻ đi học không cần đeo khẩu trang trong lớp học hay không áp dụng giãn cách trong lớp học, nhưng hạn chế việc tiếp xúc giữa học sinh trong lớp với nhau.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý từng trường xây dựng phương án, kịch bản xử lý khi trường học có 1 học sinh hoặc giáo viên F0, phương án này cũng phải được ban chỉ đạo cấp huyện duyệt.
Khi trường có F0 thì khoanh vùng ngay lập tức, sàng lọc, F1 cách ly tại nhà hoặc tập trung, phong toả lớp học hoặc tầng học/toà nhà đó. Sau đó phun trùng khử khuẩn. Sau 24h khử khuẩn có thể đưa học sinh, giáo viên lớp khác vào lớp học đó học. Đó là thích ứng an toàn, hiệu quả.
Địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cần nâng cao vai trò trách nghiệm của các tổ chức chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo và rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch từng trường; hiệu trưởng phải làm trưởng ban chỉ đạo"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Các địa phương phải triển khai tập huấn về công tác phòng, chống dịch cho cán bộ y tế học đường, đặc biệt là cán bộ y tế thuộc trường ngoài công lập về phòng chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay.
Để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128.
"Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em.
Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý học sinh"- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.
Phải tập huấn kỹ, "5 tra, 3 đối" để tránh sai sót trong tiêm chủng
Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, hiện do vaccine về theo đợt, có vaccine về là Bộ Y tế phân bổ ngay. Hiện đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, tuy nhiên tiêm theo hướng hạ dần độ tuổi, tiêm trước cho các trẻ từ 16-17, sau đó hạ dần.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ các địa phương cần lập danh sách trẻ em từ 3-11 tuổi, tránh để sót. Trên cơ sở đó, lên kế hoạch số lượng vaccine dự trù và gửi về Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch cung ứng vì vaccine tiêm cho độ tuổi này không như các vaccine đang triển khai tiêm hiện nay.
Đồng thời các địa phương cũng phải làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh thấy lợi ích của tiêm cho trẻ em. Tuyên truyền để phụ huynh nắm được tác dụng phụ khi tiêm, để phụ huynh đồng tình, cho trẻ đi tiêm.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phải tập huấn cho cán bộ tiêm chủng, đặc biệt là tuyến cơ sở về chuyên môn, tránh những sai sót.
"Phải tập huấn kỹ về 5 kiểm tra, 3 đối chiếu để không xảy ra nhầm lẫn đặc biệt vào các ngày tiêm chủng thường xuyên"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.