Đây là đóng góp rất lớn của người dân Kim Sơn nói riêng, của tỉnh Ninh Bình nói chung trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, không gì sánh được của những người bị bệnh giác mạc.
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đã rất xúc động khi nhấn mạnh điều này tại lễ tôn vinh người hiến giác mạc do Bộ Y tế (Bệnh viện Mắt TW) và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hôm nay 5/1 tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Sự kiện nhằm tôn vinh, khen thưởng những gia đình có người hiến tặng giác mạc từ năm 2020 đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên lễ tôn vinh được tổ chức sau đại dịch COVID-19.
Cả nước có trên 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời
Hội trường của rạp Kim Mâu, huyện Kim Sơn lắng lại dành 1 phút tưởng niệm tri ân nghĩa cử cao đẹp của những người đã tử vong, hiến tặng giác mạc để đem lại nguồn sáng cho hàng nghìn người khác. Đã có nhiều giọt nước mắt xúc động của những người mẹ, người cha, người vợ, người chồng, anh chị em dành cho người thân của mình.
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt TW, tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc là hoạt động thường niên được Bệnh viện Mắt TW tổ chức từ năm 2007, kể từ khi Việt Nam có người đầu tiên tại Kim Sơn, Ninh Bình tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người mù tìm lại ánh sáng.
Những năm qua, hoạt động hiến tặng giác mạc của Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt TW là một trong những lĩnh vực tiên phong, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào hiến ghép mô tạng ở Việt Nam…
Kể từ tháng 4 năm 2007, cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp, cụ Nguyễn Thị Hoa đã trở thành tấm gương sáng tiên phong, thúc đẩy phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước phát triển, lan rộng. Noi theo tấm gương cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân Cồn Thoi, Kim Sơn đã tạo nên một phòng trào hiến tặng giác mạc trong toàn vùng.
Bên cạnh đó, phong trào hiến tặng giác mạc trong cộng đồng dân cư huyện Kim Sơn đã cổ vũ và hình thành một mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên nhiệt tình tham gia vận động, tuyên truyền về hiến tặng giác mạc. Thông qua đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về công tác chăm sóc và bảo vệ đôi mắt nói chung cũng như về các vấn đề liên quan đến hiến tặng giác mạc và các bệnh lý về giác mạc nói riêng.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cho biết, từ điểm sáng phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình đã được nhân dân các địa phương khác hưởng ứng, lan rộng trên toàn quốc, ngày càng nhiều địa phương có người hiến tặng giác mạc như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh.
Trong 16 năm qua (2007-2023), cả nước có trên 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời của 20 tỉnh thành trong cả nước. Bệnh viện Mắt TW đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân bị mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng.
Hoạt động hiến tặng giác mạc của nhân dân Kim Sơn, Ninh Bình là tấm gương sáng
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định công cuộc vận động hiến tặng giác mạc của ngành y tế không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức trong xã hội, và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân. Phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình đã và đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp chính quyền.
Nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo, các vị Linh mục, chánh trương, các tình nguyện viên đã luôn quan tâm và ủng hộ hoạt động hết sức nhân văn này.
"Chính sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của các quý vị đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người bệnh. Tôi được biết có nhiều cụ cao tuổi, vẫn nhiệt tình tham gia công tác vận động hiến giác mạc"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Theo Thứ trưởng, sinh có hạn, tử bất kỳ. Vì vậy, những cộng tác viên ngân hàng mắt đã làm việc bất kể ngày đêm, trời rét hay lúc mưa gió, để nắm được thông tin về người hiến và thông báo cho ngân hàng mắt. Ngân hàng mắt đã thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào để thu nhận những món quà quý giá do người hiến và gia đình trao tặng.
Các vị Linh mục đã chú ý giới thiệu với bà con trong vùng về ý nghĩa của việc hiến giác mạc đối với cộng đồng, vận động bà con hiến giác mạc. Hội chữ Thập đỏ đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường để các hội viên hiểu thêm và tham gia vận động hiến tặng giác mạc. Các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã, thôn xóm ở Ninh Bình luôn ủng hộ cho hoạt động mang đầy tính nhân văn này.
"Nếu như trong cả nước có nhiều Kim Sơn hơn nữa thì chắc chắn, nhiều người đã được nhìn thấy ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc sẽ đến với nhiều gia đình của chúng ta. Xin cảm ơn tất cả các quý vị đã đóng góp công sức của mình để đem lại sức khỏe, ánh sáng, niềm vui cho người bệnh"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Cho rằng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chính của ngành y tế, tuy nhiên theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, để hoàn thành nhiệm vụ cao cả này, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, viên chức ngành y cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp chính quyền, của các tầng lớp nhân dân. Mỗi người, tùy theo vị trí, khả năng và tâm huyết của mình, cùng tham gia vào việc nâng cao sức khỏe của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng.
"Sự hy sinh, đóng góp vào hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, đi đầu trong hoạt động hiến tặng giác mạc của nhân dân Kim Sơn, Ninh Bình là tấm gương sáng cho cả nước học tập"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình sẽ được nhân rộng hơn để có nhiều người mù lòa được nhìn lại ánh sáng.
Nhân dịp này, Thứ trưởng đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động hết sức nhân đạo này trở thành hoạt động thường xuyên.
Cũng nhân dịp này, 4 tập thể và 5 gia đình có người hiến giác mạc tiêu biểu được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; 39 gia đình được nhận giấy "Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp"; 20 cộng tác viên xuất sắc trong phong trào được biểu dương, khen thưởng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc.
Theo ước tính Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt TW, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian.
Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.
Hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là hoạt động nhân đạo, mới phát triển những năm gần đây, dù Bệnh viện Mắt TW, ngành Mắt Việt Nam phối hợp cùng nhiều tổ chức đoàn thể, chính quyền, nhiều cơ quan thông tấn báo chí góp sức tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên nhiều nơi, nhiều người dân chưa hiểu rõ về hoạt động hiến tặng giác mạc, bên cạnh đó còn gặp nhiều trở ngại lớn từ quan niệm người dân, rào cản do tập tục, tín ngưỡng...