Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều ngày 5/10.
Nghị quyết 128 được dư luận, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, COVID-19 là một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, đã, đang và còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Cho đến nay, toàn thế giới đã có hơn 612 triệu người mắc, hơn 6,5 triệu người tử vong.
Nhớ lại những ngày khó quên cách đây hơn 1 năm, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, lúc đó thế giới còn chưa hiểu biết nhiều về dịch bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có đủ vaccine để phòng bệnh, người dân hoang mang. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như giãn cách xã hội, cách ly diện rộng.
Tuy nhiên chiến lược này chỉ tập trung vào phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Nếu kéo dài sẽ có thể dẫn đến đình trệ các hoạt động đời sống, kinh tế và gây bất ổn xã hội. Trước đại dịch nguy hiểm chưa từng có này, nhiều quốc gia hùng mạnh đều lúng túng, bị động.
Khi đó đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "chống dịch như chống giặc nhưng phải đảm bảo khoa học, đồng bộ, hiệu quả".
Tại thời điểm cam go này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây là 1 quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch, quyết sách căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn trong nước, quốc tế, các bằng chứng khoa học, bám sát dự báo tình hình dịch bệnh, khả năng tiếp cận, cung ứng và tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh, sự sẵn có của thuốc điều trị với mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vừa đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Thực tế cho đến nay đã chứng minh Nghị quyết 128 là kịp thời, đúng đắn, có vai trò quyết định thành công: dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn.
Việt Nam là nước có tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới
Tỉ lệ tử vong trên tổng số mắc ở Việt Nam là 0,02% trong khi trung bình thế giới xấp xỉ 1,2%. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.
Xác định vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt: Bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất với phương châm "vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất".
Nhiều biện pháp để thúc đẩy tiếp cận, bao phủ vaccine đã được triển khai khoa học, đồng bộ, hiệu quả, trên mọi phương diện: Từ thành lập Quỹ vaccine huy động nguồn lực từ ngoại giao vaccine đến tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc, lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vaccine.
"Chúng ta đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại cộng đồng, các địa điểm công cộng, trường học, thậm chí tổ chức đến từng hộ gia đình nhằm đảm bảo mọi người dân đều được tiêm chủng"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương: Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Tính đến ngày 30/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 260 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã đạt mục tiêu.
Đồng thời Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh: Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỉ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italy. Việc tiêm chủng vaccine rất thành công góp phần quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng
Cũng tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại;
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
"Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp. Hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian. Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu...", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.
Vì vậy Thứ trưởng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác; Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng - dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học.
Bộ Y tế đề xuất ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, y tế dự phòng
Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch, mua sắm, đấu thầu, huy động, vận động các nguồn lực trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính nhanh, hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghiệp dược, sản xuất vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng, chống dịch.
Ban hành chính sách điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở, y tế dự phòng; Tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ y tế, mở rộng phạm vi chi trả tại các trạm y tế.
Có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, công nhận liệt sỹ đối với lực lượng này hy sinh khi làm nhiệm vụ; tạo cơ chế chính sách thông thoáng, bình đẳng cho y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19.