Thứ trưởng Bộ GDĐT nói gì về việc trẻ đội mũ chắn giọt bắn trong lớp học để phòng COVID-19?

05-05-2020 21:14 | Thời sự

SKĐS - Hiện tại nhiều địa phương đã đồng loạt cho học sinh đi học trở lại trường, tuy nhiên học sinh phải đeo khẩu trang, mũ chắn giọt bắn, phòng học thì không bật điều hòa khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, học sinh đội mũ chắn giọt bắn trong lớp học là không cần thiết. Trả lời vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 diễn ra chiều nay (5/5), Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thời gian vừa qua các nhà trường đã cho học sinh đi học trở lại. Theo báo cáo có 3 đợt:
- Đợt 1 là ngày 22/4, có 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại;
- Đợt 2 là ngày 27/4 có 30 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại;
- Đợt 3 là ngày 4/5 có 25 tỉnh.

Đến nay 63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trở lại, nhưng chủ yếu là học sinh THPT, THCS.

Lãnh đạo Bộ GDĐT cho rằng, có thể nói tỉ lệ học sinh đi học trở lại rất cao, trường THPT là 99%, THCS là 97%, quan điểm của Bộ GDĐT là đã đi học là phải an toàn. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo ngày 21/4, có công văn gửi Bộ GDĐT, Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn việc bảo đảm an toàn.

Dựa trên cơ sở của Bộ Y tế, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản 1398, 1467 xây dựng ra tiêu chí đánh giá nhà trường an toàn theo 15 tiêu chí và mức độ an toàn. Trong đó có các tiêu chí cứng là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn toàn bộ nhà trường, không tổ chức các hoạt động tập thể… nhưng không có tiêu chí nào đeo mũ, kính chắn giọt bắn. Đây là sự sáng tạo của mỗi địa phương... - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Trẻ đội mũ chắn giọt bắn trong lớp học. Ảnh minh họa.

Mũ chắn giọt bắn không thay thế được các biện pháp phòng bệnh khác

Ở góc độ y tế, ThS.BS Nguyễn Hoàng Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Sản Nhi, BVĐK tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: Mũ chắn giọt bắn cho trẻ tuy có những lợi ích nhất định nhưng không thể thay thế được hoàn toàn các biện pháp phòng bệnh khác đã được Bộ Y tế khuyến cáo như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác trên 2m… Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 không chỉ lây qua giọt bắn trực tiếp từ nước bọt, mà còn lây qua các đường tiếc xúc trực tiếp như bắt tay, gián tiếp như việc chạm vào các đồ vậy có virus SARS-CoV-2…

"Bản chất của mũ chắn giọt bắn là những miếng mica trong suốt cắt tạo dáng hoặc gắn vào mũ vải. Sau đó dùng thêm một miếng xốp và mút đệm để làm vòng đeo lên đầu, giúp tấm kính không áp sát quá vào mặt, nâng đỡ mũi, hạn chế hơi ẩm do hơi thở (giúp hạn chế làm mờ kính).

Thực chất, trong y tế các bác sĩ cũng có sử dụng các sản phẩm mũ với màng chắn nhựa ở phía trước để ngăn dịch tiết từ bệnh nhân bắn lên trong các cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là những chiếc mũ được sản xuất với tiêu chuẩn riêng của ngành y, còn những chiếc mũ được bán tràn lan trên thị trường thì không rõ về tiêu chuẩn sản xuất cũng như nguồn gốc"- BS. Hoàng Yến phân tích.

Chuyên gia Nhi hô hấp cũng cho rằng, mũ chắn giọt bắn chỉ nên sử dụng khi cho trẻ ra nơi công cộng hoặc tiếp xúc với người ốm. Bởi lẽ lúc đó trong không khí sẽ có những giọt bắn dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp. Khi có tấm màn kính che chắn, tỉ lệ giọt bắn đi vào đường hô hấp sẽ thấp hơn.

Đặc biết, BS. Hoàng Yến chỉ rõ, nếu lạm dụng chúng sẽ tạo ra cảm giác an toàn ảo, bỏ qua các bước phòng ngừa cơ bản. Do đó chỉ nên coi mũ chắn giọt bắn sản phẩm hỗ trợ thêm nếu sản phẩm được Bộ Y tế cấp giấy phép chứng nhận chất lượng, và người sử dụng có các biện pháp khử khuẩn đúng cách (nếu tái sử dụng) theo khuyến cáo từ Bộ Y tế.

Người dân nên thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng COVID-19. Nếu dùng mũ chắn giọt bắn cho trẻ cần lưu ý:

- Chỉ nên dùng mũ chắn giọt bắn cho trẻ khi đi ra nơi công cộng hoặc khi tiếp xúc với người ốm. Tốt nhất, nên hạn chế trẻ tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người lạ.

- Chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, không sử dụng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn lâu dài của trẻ.

- Trước và sau khi dùng kính chắn giọt bắn cần sát khuẩn mặt trong và mặt ngoài của tấm kính bằng cồn 90 độ và rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Sau khi dùng xong, cất mũ vào vị trí sạch sẽ. Tốt nhất nên có hộp đựng riêng.

- Đặc biệt, không được cho trẻ chạm tay vào mũ chưa được khử khuẩn, sau đó đưa lên mắt, mũi hoặc miệng… rồi tiếp xúc với người khác thì nguy cơ lây nhiễm chéo cao hơn rất nhiều.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn