PV: Xin bà cho biết ngành GD-ĐT đã có những cách làm như thế nào để thúc đẩy thực hiện chính sách BHYT HSSV?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Xác định công tác BHYT HSSV có vai trò quan trọng, góp phần phát triển nền giáo dục toàn diện, trong những năm qua, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời các định hướng chỉ đạo, kế hoạch triển khai công tác này, thể hiện sự nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện BHYT HSSV.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV trên địa bàn. Đồng thời, quan tâm huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV, nhất là những HSSV có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc ít người.
Đáng chú ý, với sự chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT và BHXH Việt Nam, công tác tuyên truyền BHYT HSSV được các cơ sở giáo dục quan tâm và triển khai hiệu quả. Hằng năm, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác y tế trường học (YTTH), trong đó có nội dung về BHYT HSSV và CSSKBĐ cho các em. Qua đó đã kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai BHYT HSSV trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hằng quý sơ kết, đánh giá và hướng dẫn triển khai công tác BHYT HSSV. Trong đó, giao chỉ tiêu cho từng cơ sở giáo dục, gắn kết quả việc hoàn thành chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT của các nhà trường vào tiêu chí thi đua, khen thưởng hằng năm.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hỗ trợ từ Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như sự nỗ lực trong công tác truyền thông vận động của ngành Giáo dục, BHXH và hệ thống các cơ sở giáo dục, số lượng HSSV tham gia BHYT tăng theo từng năm. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, nếu như năm học 2019- 2020, cả nước đã có 17,7 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ trên 95% thì đến năm học 2020- 2021, cả nước có hơn 18,8 triệu HSSV tham gia, đạt tỷ lệ khoảng 96%.
Hiệu quả của chính sách BHYT không chỉ thể hiện qua diện bao phủ BHYT liên tục tăng trưởng qua hằng năm. Quan trọng hơn, trong các năm qua, quyền lợi KCB BHYT của HSSV luôn được bảo đảm. Theo thống kê, bình quân mỗi năm có khoảng 8 triệu lượt KCB BHYT của các em HSSV được quỹ BHYT chi trả, trong đó nhiều em được thanh toán với chi phí lớn lên đến hàng tỷ đồng.
PV: Lợi ích của BHYT đã rõ ràng như vậy, nhưng theo bà đâu là lý do khiến vẫn còn một bộ phận nhỏ HSSV chưa tham gia BHYT?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Trong lộ trình thực hiện 100% HSSV tham gia BHYT, trước hết phải khẳng định, với tỷ lệ khoảng 96% HSSV đã tham gia, chúng ta đã đạt được kết quả cơ bản. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia, tập trung ở nhóm SV ở các trường ĐH và HS các trường CĐ, trung cấp, đào tạo nghề.
Nguyên nhân phải kể đến là hiện vẫn có không ít vướng mắc trong các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV cần phải được tháo gỡ. Mặc dù Luật BHYT quy định BHYT HSSV là hình thức bắt buộc và Quy chế về công tác SV đối với chương trình đào tạo ĐH chính quy đã quy định rất rõ trách nhiệm tham gia BHYT đối với SV nhưng lại chưa có chế tài xử lý cụ thể, đa số vẫn là vận động, nhắc nhở, trừ điểm rèn luyện. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương.
Một số SV cho rằng BHYT chưa mang lại lợi ích trong KCB trong khi thủ tục KCB còn nhiều bất cập, chất lượng công tác KCB BHYT đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu KCB của người tham gia BHYT, bởi vậy các em vẫn còn chần chừ, chưa đóng BHYT.
Mặt khác, điều kiện hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ gia đình có đông con đi học còn khó khăn, không có tiền mua BHYT.
Ngoài ra, một bộ phận HSSV, nhất là SV chủ quan cho rằng độ tuổi này ít ốm đau nên không tham gia BHYT.
Một số trường học tổ chức thu đồng thời BHYT HSSV và bảo hiểm thân thể nhưng không tuyên truyền, giải thích rõ nên gây nhầm lẫn. Riêng với đối tượng HSSV là người DTTS sống ở vùng mới thoát khỏi khó khăn theo quy định và một số HSSV thuộc đối tượng mới thoát nghèo, cận nghèo nên không được ngân sách đóng toàn bộ, vì vậy số tiền tự đóng BHYT cao hơn, dẫn đến việc không tích cực tham gia BHYT.
Một số địa phương do ngân sách hạn hẹp nên không hỗ trợ thêm cho HSSV ngoài mức hỗ trợ của ngân sách trung ương.
Ngoài ra, hệ thống YTTH ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay còn trên 10.000 trường học hoàn toàn chưa có cán bộ làm công tác YTTH, các vị trí này được giao cho giáo viên và các nhân viên khác kiêm nhiệm. Số trường có cán bộ làm công tác YTTH có trình độ chuyên môn bảo đảm theo quy định (từ y sỹ trở lên) chỉ đạt khoảng 30%.
Nhằm nâng cao nhận thức về BHYT, Bộ GD-ĐT đã thường xuyên chỉ đạo ngành Giáo dục các địa phương, cơ sở giáo dục ĐH thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Theo đó, cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhân viên YTTH trong việc tổ chức thực hiện công tác YTTH đối với HSSV, bảo đảm hiệu quả, chất lượng.
Hiện nay, các trường phổ thông và cơ sở giáo dục ĐH đang tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, nhắc nhở HSSV tham gia BHYT. Bộ GD-ĐT sẽ theo dõi sát sao và có những chỉ đạo kịp thời, nhằm hỗ trợ HSSV thực hiện Luật BHYT một cách tự nguyện, tự giác, trong khuôn khổ của pháp luật.
PV: Như bà nói ở trên, hiện chúng ta vẫn còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia BHYT. Vậy theo bà, để đạt được mục tiêu bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT, vì một nền giáo dục toàn diện theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì?
Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% HSSV tham gia BHYT là mục tiêu xuyên suốt những năm qua của ngành Giáo dục và BHXH Việt Nam. Năm học mới 2022- 2023, với quyết tâm đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những biện pháp đã và đang thực hiện, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ Sư phạm trên toàn quốc thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tích cực phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường thông tin, truyền thông, vận động HSSV tham gia BHYT, nhất là SV. Trong đó vận động và nhấn mạnh vai trò quan trọng của BHYT, quy định của Luật BHYT đến Ban Giám hiệu các trường học cũng như các em HSSV. Tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức tới HSSV và cha mẹ các em về quyền lợi, trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách, pháp luật về BHYT đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục tích cực triển khai công tác BHYT HSSV; xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng địa bàn. Đưa tiêu chí HSSV tham gia BHYT vào tiêu chí đánh giá xếp loại, thi đua hằng năm của các cơ sở GD-ĐT.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại trường học; tổ chức sơ kết, đánh giá công tác BHYT HSSV; kịp thời khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác BHYT cho HSSV, tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động YTTH gắn với y tế cơ sở
Thứ năm, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho công tác CSSKBĐ tại các cơ sở GD-ĐT theo đúng quy định.
Thứ sáu, tham mưu UBND tỉnh, phát huy vai trò của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. Tham mưu cho UBND, HĐND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương, chú trọng vùng khó khăn, vùng DTTS, biên giới và hải đảo.
Bước vào năm học mới 2022- 2023, tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD-ĐT và BHXH Việt Nam, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, bảo đảm tất cả HSSV được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!