Thời gian qua, các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã gây ra cơn sốt khi tràn vào thị trường Việt Nam với hàng trăm nghìn sản phẩm giá rẻ được chào bán tận tay người tiêu dùng.
Không những vậy, các nền tảng này còn liên tục đưa ra các chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) tại Việt Nam với mức hoa hồng lên tới 30% cho mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, dù bán hàng rầm rộ nhưng Temu chưa được đăng ký hoạt động tại Việt Nam, điều này đã làm dấy lên những nghi ngại về nguy cơ thất thu thuế từ hoạt động bán hàng của các nền tảng xuyên biên giới.
Trước những "lùm xùm" quanh việc bán hàng của Temu tại thị trường Việt Nam, cơ quan chức năng đã vào cuộc, qua đó đẩy mạnh việc quản lý và yêu cầu các nền tảng TMĐT xuyên biên giới tuân thủ pháp luật kinh doanh tại Việt Nam.
Trong đó, Bộ Công Thương tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh tay, trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Trước những hành động quyết liệt của cơ quan chức năng, tại động thái mới nhất của Temu, nền tảng TMĐT này đã có văn bản gửi cơ quan chức năng để làm các thủ tục cần thiết để gia nhập thị trường. Cụ thể, Temu đã ủy quyền cho một công ty luật làm đại diện pháp lý tại Việt Nam và thể hiện sự tuân thủ quy định pháp luật hiện hành với ngay trên giao diện tiếng Việt.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Temu đã có những động thái đầu tiên để thể hiện đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục với Bộ Công thương. "Hiện Temu đang rà soát lại các quảng cáo có dấu hiệu vi phạm trên website để gỡ xuống, cùng với đó là banner thông báo việc đang đăng ký thủ tục. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lưu ý rằng, đây là nền tảng TMĐT chưa được Bộ Công thương xác nhận đăng ký", đại diện Bộ Công thương cho hay.
Cùng với đó, thông tin Tổng cục Thuế, sàn thương mại điện tử Temu đã được chủ sở hữu, vận hành đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế. Do đó, nếu phát sinh doanh thu thì việc thu thuế là hoàn toàn khả thi.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Báo sức khỏe & Đời sống, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, các doanh nghiệp như Temu cần khai và nộp thuế theo quý vào tài khoản ngân sách Nhà nước đúng hạn. "Trường hợp phát sinh thu nhập từ bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng tại Việt Nam, các sàn TMĐT như Temu, Shein phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ tính trên doanh thu", luật sư Lực cho hay.
Theo quy định, thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp được xác định = doanh thu tính thuế x tỷ lệ % tính thuế trên doanh thu của mỗi loại thuế. Trong đó, doanh thu tính thuế thu nhập gồm thu từ việc bán các mặt hàng chịu thuế VAT và phát sinh khác. Còn tỷ lệ thuế trên doanh thu của thuế thu nhập doanh nghiệp với Temu là 1%, do sàn này thuộc nhóm ngành kinh doanh thương mại, phân phối hàng tại Việt Nam.
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu cơ quan chức năng xem xét Temu đáp ứng đủ các yêu cầu và không ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường, các doanh nghiệp trong nước hay người tiêu dùng, thì trong thời gian chờ xin cấp phép thì vẫn có thể hoạt động các giao dịch. "Chúng ta cũng có phương thức để các doanh nghiệp này có thể thực hiện kê khai doanh thu, nộp thuế hộ các chủ thể kinh doanh trên sàn. Như vậy vẫn đảm bảo nguyên tắc khi phát sinh doanh thu, có các yêu cầu quản lý thì các sản TMĐT vẫn có trách nhiệm và nộp thuế đầy đủ", ông Thịnh cho hay.
Ngoài ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, với số lượng hàng triệu đơn hàng qua biên giới mỗi ngày, cơ quan chức năng cần sớm có cơ chế phù hợp để tránh tình trạng thất thu thuế, đồng thời đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước. "Việc miễn thuế là lý do khiến hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam. Người bán có thể lợi dụng chính sách này xé nhỏ giá trị đơn hàng xuống dưới 1 triệu đồng để tránh thuế, tiềm ẩn thất thu thuế", ông Thịnh chia sẻ.
Về phương án quản lý thuế đối với các sàn TMĐT, ngày 5/11, tại chương trình thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Với các sàn thương mại điện tử trong nước, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong tuần sau, sẽ ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, sàn Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…" Tổng cục Thuế đang cho kiểm tra dữ liệu và yêu cầu đến kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý"- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Liên quan đến sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã thu hơn 18.600 tỷ đồng thuế với 102 doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài như Google, Facebook…Riêng thành phố Hà Nội đã thu khoảng 35.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, thương mại điện tử và sự có mặt của các sàn bán sản phẩm xuyên biên giới là trào lưu, xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số. Do đó, để tránh bị động, cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp phù hợp, qua đó tạo ra sân chơi bình đẳng, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như nguồn thu của ngân sách Nhà nước.
Xem thêm video được quan tâm:
Từ vụ ông Vương Tấn Việt dùng bằng giả, ĐBQH băn khoăn ‘còn bao nhiêu tiến sĩ rởm?’ | SKĐS