Thu thuế kinh doanh online: Khó như... bắt cóc bỏ đĩa?

15-06-2017 16:41 | Thời sự
google news

SKĐS - Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh online (bán hàng qua mạng internet/ mạng xã hội/ mạng viễn thông) ngày càng được xã hội chú trọng.

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh online (bán hàng qua mạng internet/ mạng xã hội/ mạng viễn thông) ngày càng được xã hội chú trọng. Khởi đầu từ việc tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tiết kiệm chi phí, nhân công... dần trở thành kênh bán hàng ưu tiên khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, dù có doanh thu khủng, nhiều người thu tiền tỷ, nhưng đến nay ngành thuế vẫn trắng tay, không thu được đồng tiền thuế nào từ hoạt động này. Điều này đã tạo ra môi trường không công bằng, bình đẳng với những doanh nghiệp khác. Ngân sách Nhà nước đã bị thất thoát một khoản thuế lớn.

Theo nguyên tắc Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Tất cả mọi trường hợp kinh doanh hàng hóa đều phải đăng ký kinh doanh, trừ một số trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ có thể không cần phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP.

Chiến dịch thu thuế bán hàng qua mạng đã bắt đầu khởi động khi mới đây, Cục Thuế TP. HCM đã mời tới 13.469 tài khoản bán hàng trên facebook, website đến làm việc về kê khai, nộp thuế. Cơ quan thuế cho biết trước mắt chỉ nhắm tới các tài khoản kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên để yêu cầu họ làm nghĩa vụ nộp thuế. Những trường hợp vừa mở cửa hàng hoặc công ty, vừa bán online thì chỉ cần kê khai ở cửa hàng hoặc công ty. Tuy nhiên, rất nhiều chủ tài khoản vẫn án binh bất động, không tới Cục Thuế theo thư mời. Thách thức chống thất thu thuế ở lĩnh vực kinh doanh qua mạng là rất lớn. Nhất là trong nền kinh tế dùng tiền mặt như ở nước ta, làm thế nào để cơ quan quản lý thuế có thể kiểm soát được mức thu nhập thật của các chủ tài khoản kinh doanh trên mạng? Về vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế chia sẻ: Đối với các cá nhân kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, thường họ không có sổ sách, hóa đơn, chứng từ. Các cá nhân này thường hoạt động kinh doanh trực tiếp trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nên việc thanh toán bằng tiền mặt là rất phổ biến. Chính vì vậy, hiện nay ngành thuế quản lý thuế các cá nhân kinh doanh theo hình thức doanh thu khoán. Để xác định được số doanh thu khoán này, cần dựa trên các yếu tố chi phí của cá nhân như địa điểm, lao động, điện, nước và các yếu tố tối thiểu, từ đó xác định được chi phí tối thiểu và doanh thu tối thiểu của cá nhân kinh doanh. Với các cá nhân hoạt động kinh doanh trên facebook cũng như vậy, mặc dù quảng bá, bán hàng trên facebook nhưng chắc chắn, các cá nhân này cũng phải sử dụng những dịch vụ như chuyển phát hàng hóa, thanh toán qua ngân hàng hoặc thanh toán thông qua các chủ hàng khác cung cấp hàng cho cá nhân. Đó là các yếu tố ngành thuế sẽ phải kiểm soát để xác định được doanh thu của một cá nhân kinh doanh trên các tài khoản mạng xã hội.

Tuy nhiên, để việc thu thuế của người kinh doanh online được hiệu quả thì rất cần sự tự giác của các chủ tài khoản facebook có hoạt động kinh doanh. Cục Thuế TP. HCM đã mời hơn gần 13.500 chủ tài khoản đến làm việc. Đây được xác định là những chủ tài khoản bán hàng chuyên nghiệp, có fanpage riêng. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại nhiều chi cục thuế cho thấy những người được mời không hợp tác, không đến làm việc với chi cục thuế địa phương.

Trước tình hình này, ngành thuế cũng xác định để việc thu thuế kinh doanh qua mạng thực sự công bằng và chính xác vẫn là chuyện khó khăn, khi cơ sở dữ liệu cung cấp còn khá chung chung. Phương thức thanh toán không đồng nhất cũng là cản trở không nhỏ với cơ quan thuế. Do vậy, ngành thuế sẽ tuyên truyền, hỗ trợ người kinh doanh online trước để họ tự nguyện kê khai, nộp thuế. Sau đó, nếu các cá nhân chưa tự nguyện thì mới tính đến dùng các biện pháp mạnh khác, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác để thực hiện.

Song song với động thái trên, Tổng cục Thuế cũng đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước để bàn các giải pháp quản lý vấn đề này, sẽ phải sửa đổi các chính sách tổng thể, tiến tới việc quản lý mang tính chủ động như khấu trừ thuế tại nguồn, hay các hình thức trích nộp tự động từ các cơ quan quản lý nhà nước khác khi các cá nhân có vi phạm về thuế. Hiện nay, ngành thuế cũng đang đi theo hướng sẽ chủ động kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể và sẽ có các yêu cầu cụ thể tới các cơ quan chức năng. Sau khi tuyên truyền, vận động, nếu các cá nhân kinh doanh qua mạng vẫn cố chây ì, trốn thuế… thì cơ quan thuế sẽ tính tới yêu cầu phối hợp, khóa tài khoản facebook của các cá nhân có vi phạm.

Việc thu thuế kinh doanh qua mạng là cần thiết để tạo sự bình đẳng giữa các cá nhân kinh doanh, chống thất thu ngân sách. Tuy nhiên, để việc này thực sự hiệu quả thì rất cần những biện pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng.


TRUNG KIÊN
Ý kiến của bạn