Vấn đề vẫn còn gây nhức hối hiện nay là việc xả nước thải không qua xử lý của các doanh nghiệp, công ty sản xuất ra môi trường. Hiện nay nhiều công ty, doanh nghiệp đang sử dụng những “chiêu thức” để kín đáo “xả thải” hoặc làm giảm nhẹ “tội” của cơ sở vi phạm. Bên cạnh việc các cơ quan chức năng về môi trường tiến hành thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, thì về lâu dài và cơ bản, Nhà nước cũng cần có những biện pháp hỗ trợ hợp lý để cơ sở sản xuất có điều kiện chấp hành nghiêm túc.
Các chiêu thức “thải” vi phạm
Cho thấm, bay hơi tự nhiên: Chiêu thức này thường được áp dụng ở các khu vực duyên hải miền Trung. Với các yếu tố thiên thời (nắng nóng, gió nhiều, dễ bay hơi), địa lợi (đất cát, dễ thấm), các cơ sở sản xuất sẽ làm các hồ chứa nước thải bên trong nhà máy để cho nước vô tư thấm qua cát “đi vào lòng đất”, xuống đất (hệ quả là làm ô nhiễm nguồn nước ngầm); các chất độc hại dễ bay hơi sẽ cùng hơi nước tan theo mây khói khỏi phải tốn chi phí xử lý. Các cơ quan chức năng thật sự khó làm gì được.
Các hình thức “xả thải” cũng hết sức đa dạng và cần phải được thanh, kiểm tra thường xuyên. Ảnh: CTV |
Pha loãng nước thải: Đây là chiêu thức được sử dụng đối với những cơ sở nằm cạnh sông, hay nằm tại khu vực có nguồn nước ngầm phong phú. Các cơ sở sản xuất chỉ việc bơm nước sông hoặc nước giếng khoan pha loãng nước thải. Ví dụ: với nồng độ một chất thải A trong nước thải là 2g/l, trong khi tiêu chuẩn môi trường chỉ cho phép thải ra với nồng độ 1g/l. Vậy thì, chỉ cần bơm 1 lít nước thải trộn với 1 lít nước từ máy bơm rồi vô tư... thải ra môi trường. Kết quả là các cơ quan quản lý dù khó tính nhất vẫn phải “khen”. Kẽ hở để lách luật ở đây là: cơ quan quản lý chưa xem nguồn nước, dù là nước mặt hay nước ngầm thực chất đều là tài nguyên quốc gia. Vậy muốn khai thác, sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều phải có giấy phép và đóng thuế. Khi tính phí môi trường đối với nước thải cần xem xét không chỉ vấn đề nồng độ chất thải mà phải tính cả tổng lượng chất thải ra nữa.
Giảm thời gian lưu: Mỗi hệ thống xử lý đòi hỏi phải lưu giữ nước thải trong hệ thống một thời gian nhất định để quá trình xử lý triệt để. Với các phương pháp xử lý hoá học thời gian lưu có thể là nhiều giờ, với các phương pháp xử lý sinh học thời gian lưu có thể nhiều ngày. Thời gian lưu càng lâu đòi hỏi bể chứa có thể tích càng lớn, diện tích mặt bằng càng rộng, nghĩa là càng tốn kém. Để “tiết kiệm”, các cơ sở sản xuất sẽ giảm thời gian lưu. Hệ quả là nước thải không đạt tiêu chuẩn nồng độ chất thải. Nếu bị phát hiện chất lượng nước thải không đạt, thì trong trường hợp này cơ sở chỉ mang “tội” nhẹ là “xử lý chưa đạt”.
Giải pháp
Để giải quyết triệt để vấn đề này, bên cạnh việc thường xuyên thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý thêm các vấn đề như:
Các tiêu chuẩn Việt Nam cho nước thải hiện nay theo đúng các chuẩn mực quốc tế. Thế nhưng, việc áp dụng triệt để các tiêu chuẩn đó thật sự khó khả thi. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có một lộ trình từng bước (từ 2 – 5 năm chẳng hạn) cho việc áp dụng từng phần các tiêu chuẩn nêu trên (kèm theo đó là việc thu phí với phần thải vượt mức tiêu chuẩn thích ứng). Tránh việc các cơ sở sản xuất quá khả năng chịu đựng trước các tiêu chuẩn, dẫn đến tâm lý: có xây dựng hệ thống xử lý thì cũng không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, hoặc tìm các phương thức tiêu cực khác “ít tốn kém” hơn.
Với doanh nghiệp sắp xây dựng cần bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu hoặc phải đấu nối vào hệ thống xử lý chung, nếu không kiên quyết về vấn đề này thì việc giải quyết các hệ lụy tiếp theo rất phức tạp. Sau cùng, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm tiền thuê đất, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để các cơ sở xây hệ thống xử lý.
Nguyễn Văn Trung