Sau thất bại tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội, dường như tiến trình để tới hòa bình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang “dậm chân tại chỗ” khiến cho các bên liên quan đều cảm thấy sốt ruột.
Khởi tạo Hội nghị Thượng đỉnh lần 3 - nhiệm vụ có bất khả thi?
Nhiệm vụ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến công du tới Mỹ nhằm xây dựng một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 chưa bao giờ khó khăn đến thế, cả Mỹ và Triều Tiên đang có những bước đi cứng rắn hơn, đồng nghĩa với cơ hội tạo ra đàm phán càng ít đi. Một số tin đồn về nguyên nhân thất bại của các cuộc đàm phán Mỹ - Triều cho rằng, Mỹ đã thay đổi một số điều khoản phi hạt nhân hóa mà Bình Nhưỡng khó chấp nhận như mở rộng hạn chế các loại vũ khí sinh học, hóa học, yêu cầu nước này chuyển các tài liệu về tất cả các chương trình tên lửa và hạt nhân cho Mỹ, đổi lại Mỹ sẽ xóa bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt. Chính sách “được ăn cả ngã về không” của Mỹ đang đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc.
Tổng thống Hàn Quốc có thành công trong kiến tạo Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3?
Kể từ sau sự kiện Hà Nội, nếu bỏ qua những tuyên bố ngoại giao, hành động của các bên mới là điều khiến dư luận chú ý. Quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên dường như có những thay đổi. Cuối tháng 3, Bình Nhưỡng bất ngờ rút nhân viên khỏi văn phòng liên lạc chung rồi đưa trở lại mà không có bất kỳ một sự giải thích nào. Hay việc Hàn Quốc tự khai quật hài cốt binh sĩ ở khu phi quân sự cũng không nhận được sự hợp tác của Triều Tiên như cam kết trước đó. Trong khi đó, Mỹ liên tục đe dọa sẽ xem xét gia tăng các biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng không phi hạt nhân hóa. Thời gian gần đây, Mỹ “không nói suông”, mà tăng cường chiến dịch trên không, trên biển để ngăn chặn các hành động mua bán dầu và hàng hóa mà Mỹ cho là “vi phạm các biện pháp trừng phạt” mà mình đã đưa ra. Trong khi đó, Triều Tiên cảnh báo sẽ rút khỏi đàm phán và suy nghĩ lại các vụ phóng tên lửa và hạt nhân.
Một số thông tin tình báo cho thấy Bình Nhưỡng đang tái hoạt động lại một số bãi thử tên lửa, các hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân chưa bao giờ ngưng. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, dường như Triều Tiên đang “đo” phản ứng của Mỹ trước khi đưa ra quyết định có phóng tên lửa hay không. Khó khăn tiếp nối khó khăn, nhiệm vụ đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán lần này thực sự là một thử thách đối với Tổng thống Hàn Quốc.
Triều Tiên sẽ thay đổi lập trường thế nào?
Dư luận một mặt theo dõi thông tin từ các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ, mặt khác hướng sự chú ý vào phiên họp của Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên khóa 14 khai mạc ngày 11/4. Nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc Hong Min cho rằng: “Triều Tiên đang theo dõi các diễn biến từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Hàn Quốc và sẽ có những động thái mới”. Các nhà quan sát tin rằng, Nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ “tiết lộ” các bước đi sắp tới trong mối quan hệ với Mỹ.
Trước đó, dẫn nguồn tin của Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) tại cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng, trong tình hình căng thẳng hiện nay, “các cán bộ lãnh đạo phải thể hiện tinh thần cách mạng tự lực, kiên cường”. Tuyên bố này, cho thấy Triều TIên dường như đã lựa chọn con đường tập trung phát triển kinh tế , bởi theo Triều Tiên phụ thuộc vào sự giúp đỡ bên ngoài đang làm suy yếu sức mạnh quốc gia. Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chính sách phát triển kinh tế song song với chương trình hạt nhân.
GS. Kim Byungki tại ĐH Hàn Quốc cho rằng: “Những lệnh trừng phạt đã gây tác động đến Triều Tiên. Sản xuất nông nghiệp không thể đáp ứng, nguyên nhân không phải do đất đai hoặc phân bón mà bắt nguồn từ thiếu hụt dầu mỏ”. Trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên đang phải chịu gánh nặng lớn từ các lệnh trừng phạt, Triều Tiên tìm đến Nga, một số thông tin cho biết, hai bên đang chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên và Tổng thống Nga trong năm nay. Nếu điều này xảy ra, an ninh hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có một ngã rẽ mới.