Thư Sài Gòn (số 37): Sài Gòn đến lúc phố thưa lại đầy...

10-10-2021 17:17 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh rồi sẽ trở lại rực rỡ hoa lệ, phồn thịnh như vốn có.

Ca sĩ Hoàng Bách du ký ngày Sài Gòn ‘mới’Ca sĩ Hoàng Bách du ký ngày Sài Gòn ‘mới’

SKĐS - Ca sĩ Hoàng Bách, cựu thành viên nhóm nhạc nổi tiếng AC&M chia sẻ, ngày ra ngoài khi Sài Gòn thiết lập trạng thái bình thường mới đã thấy thành phố trở mình...

Sài Gòn giang rộng tay hào sảng

Khi bão lũ, khi hạn khô,

Bất kể miền Nam - Trung - Bắc

Sài Gòn giang rộng tay hào sảng

Sài Gòn hảo tâm san sẻ nghĩa tình

Cho đi là hạnh phúc

Không màng lời cảm ơn…

Nhưng có lẽ cơn bão hủy diệt mang tên COVID tràn vào thành phố, 4 tháng "phong ấn" với bao nhọc nhằn bi thương, ngày giống đêm xao xác tâm can, nhịp thở phố chùng trong thinh lặng, có vài khắc chống chếnh lao đao, có một hai bước chân hụt hẫng, có nhiều ngày không được đủ đầy… Và khi vừa mở "phong ấn" thì đã có cả dòng người ào ào "hồi hương", quy cố, về nhà, bỏ lại thành phố từng là miền đất hứa, từng là nơi sinh cơ lập nghiệp, từng có lúc họ đã nghĩ sẽ gắn bó dài lâu…

Thư Sài Gòn (số 37): Sài Gòn… - Ảnh 2.

Nhiều nhà hảo tâm tại Đà Nẵng đã ủng hộ tiền mặt làm lộ phí đi đường cho những người về quê tránh dịch. (Ảnh Quốc Dũng/TTXVN)..

Cả dòng người bất chấp cơn giông mưa mùa trút nước xối xả trắng trời, có cảm giác họ cũng vừa đi vừa rơi nước mắt khóc cho thân phận mình trong cuộc biệt ly không hẹn ngày quay lại thành phố phương Nam này. Một cuộc chia tay đắng đót, nghẹn ngào, đầy nỗi đau cắt xé tâm can. Họ mang tất cả những gì có thể, là những của cải tài sản, chất lên xe, khoác lên người, tay xách, tay mang, từ con mèo con chó, cái lồng gà… cho đến cả móc áo, rế lót nồi…

Em Hà Nội xót xa hỏi bằng giọng như trách móc:

- Thành phố đã hao hụt nhiều trong dịch bệnh, nhưng vẫn có thể bao bọc, cưu mang những người ly hương nhập cư. Sao để họ ra đi, mai này lấy đâu ra nhân công để sản xuất tái tạo?

- Em à, thành phố không cản được nguyện vọng "về quê" của họ, nhất là lúc họ đang chao chác chênh vênh, chưa định được tương lai, mà hiện tại đã thấy lo âu thắc thỏm, ngày mai ăn gì, điện nước không thể xài "chùa" dù chủ trọ đã "tặng" phần thuê nhà, tiền hỗ trợ cũng chỉ như "gió vào nhà trống", chưa kể ám ảnh đến tê dại từ ký hiệu "dương tính", "F0" đến hình ảnh những bình tro cốt ly hương lạnh lẽo…

Thư Sài Gòn (số 37): Sài Gòn… - Ảnh 3.

Cảnh sát giao thông Đồng Nai dẫn đoàn người về quê.

Thật ra, ngay từ hai lần trước, mỗi khi thành phố vào một giai đoạn thắt chặt nghiêm lệnh phòng chống dịch, thì lại có những dòng người lao động nhập cư "về quê", họ sợ ở lại sẽ rơi vào khó khăn khó lường, không cầm cự nổi vì kéo dài những ngày dịch bệnh chưa biết khi nào lui, việc làm ngừng trệ, túi tiền ít ỏi hao hụt chóng vánh.

Những tưởng, khi thành phố nới lỏng theo Chỉ thị 19, thành phố "bình thường mới", không còn "phong thành", "giới nghiêm", không rào chắn, không tập trung cách ly…, họ sẽ ở lại. Nhưng có lẽ những người còn ráng trụ lại đã hụt hơi, họ gần như cạn kiệt sức lực, mà tương lai bất định, nên thôi đành bỏ thị thành phố lớn, bỏ ước mơ đất lành, khát vọng làm giàu... mà ngược về quê.

Lãnh đạo thành phố "nhìn" ra những trống vắng nghiêm trọng nhân lực trong tái thiết sản xuất, phục hồi kinh tế, một khi người lao động nhập cư "về quê", nên tha thiết một cách chân tình, chân thành: "Thành phố trân trọng mời cô bác, người dân ở lại đóng góp cho thành phố. Thành phố sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người dân. Thành phố thấy trách nhiệm của mình khi để người dân tự phát về quê. Do thành phố chăm lo chưa được chu đáo nên bà con muốn về" - Ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hồ Chí Minh.

Thư Sài Gòn (số 37): Sài Gòn… - Ảnh 4.

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ người dân các suất ăn miễn phí tại điểm tiếp nhận trên Quốc lộ N2 (đoạn thuộc xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh Chương Đài/TTXVN).

Vâng! Lãnh đạo thành phố đã đưa ra những lời hứa nhân tâm, bất kể bà con nhập cư với mục đích nào đều được trân trọng, đón tiếp và tạo điều kiện tốt nhất khi ở lại. Đặc biệt, với người lao động, sẽ luôn trân trọng vì đây là lực lượng tạo ra của cải vật chất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Thành phố sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho bà con từ các tỉnh thành ở lại làm việc như đề xuất giảm tiền trọ, tổ chức các gói an sinh… Khi TP thực hiện Chỉ thị 18, cho phép hoạt động trở lại nhiều dịch vụ, cửa hàng, nhà máy... sẽ rất cần lực lượng lao động.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở TP.Hồ Chí Minh, giám đốc Trung tâm an sinh - cho biết chương trình "Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương" với chủ đề "Triệu người có giúp nhiều người khó" trên ứng dụng An sinh mang ý nghĩa rất quan trọng. Đây là hành động thiết thực của lãnh đạo thành phố hướng đến công tác an sinh xã hội, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm. Gồm có 3 gói hỗ trợ: Gói túi an sinh (nhu yếu phẩm thiết yếu); Gói tiền điện, nước, điện thoại; Gói tiền điện, nước, điện thoại và túi an sinh nghĩa tình.

- Em à, lãnh đạo thành phố đã ra cửa ngõ trực tiếp "năn nỉ" bà con nhập cư ở lại cùng thành phố với nhiều hứa hẹn sẽ có trách nhiệm chăm lo tốt hơn. Nhưng có lẽ do trải nghiệm qua 4 tháng nhiều mất mát đau thương, mọi thứ không như ý, cảm giác chơi vơi chưa rõ ngày mai sẽ thế nào, nên những dòng người vẫn tiếp tục rời thành phố "về quê" trong sự ngậm ngùi đành phải chia tay họ.

Ban đầu thành phố cũng có lúng túng trong việc chưa phối hợp với các tỉnh thành "nhận người", gây ra nhiều cảnh khá ngược tâm ở cửa ngõ thành phố. Nhưng rất nhanh, thành phố đã đưa những cuộc "về quê" được trọn vẹn nghĩa tình, nhân ái. Ngoài việc chủ trương phối hợp các tỉnh thành hỗ trợ, đảm bảo sức khỏe cho người dân, đảm bảo công tác phòng chống dịch của thành phố và các tỉnh thành, điều phương tiện giúp bà con về địa phương, điều lực lượng dẫn đường đưa về địa phương tiếp nhận.

Còn là những trợ giúp thiết thực trong lúc đợi chờ. Hàng trăm đoàn tình nguyện viên trong đó có cả các y bác sĩ, đã rải khắp các cửa ngõ, mang lương thực, thuốc men giúp cho bà con trong lúc kẹt lại chưa đi được, sau đó còn nhiều tình nguyện viên theo những đoàn xe để giúp đỡ cả chặng đường dài "về quê" có trẻ em, phụ nữ mang thai, người già bệnh tật…

Thư Sài Gòn (số 37): Sài Gòn… - Ảnh 5.

Người dân trên đường về quê lấy các phần quà được phát miễn phí tại khu vực công viên 30-4 (TP. Biên Hòa). Ảnh: Báo Đồng Nai.

Như đêm 2/10, rạng sáng 3/10, lực lượng cảnh sát thành phố đã dẫn đường gần 8.000 người từ Đồng Nai, Bình Dương đi xuyên đêm về Tây Nguyên… Hay Hội đồng hương tỉnh Phú Yên ở TP Hồ Chí Minh, Cty xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines dưới sự điều phối kết hợp giữa TP Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Phú Yên, đã đưa hàng chục ngàn bà con của tỉnh về an toàn.

Rồi liên tiếp những thông tin an lòng người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, khi bà con các tỉnh miền Tây Nam bộ đều được đón tiếp đầy yêu thương nơi quê nhà, bà con các tỉnh Tây Nguyên cũng đã bình an với đại ngàn cao nguyên của mình. Đặc biệt, những cuộc "về quê" dặm dài thiên lý ngược Nam ra miền Trung rồi tiến ra Bắc và còn cả hành trình trở về trên núi cao của bà con các dân tộc vùng Tây Bắc cũng đã hoàn thành trong ấm áp bên bếp lửa quê hương.

Sài Gòn chưa bao giờ chịu bó tay trước nghịch cảnh

Dịch COVID-19 đã xác định thành một thực tế "sống chung" và chắc chắn sẽ bị khống chế như một loại dịch thông thường để phòng chống bằng những liều vaccine trợ giúp hiệu quả. Kinh tế thành phố rồi cũng dần phục hồi trở lạnh "bình thường" bởi Sài Gòn là một thành phố năng động, chưa bao giờ chịu bó tay trước nghịch cảnh, cho dù hoàn toàn không hề dễ dàng một sớm một chiều.

Và rồi, khi thành phố dần dần "bình thường", hy vọng lại được đón chào bà con khắp mọi miền đất nước, còn thương Sài Gòn thì lại tụ hội về thành phố, cùng với thành phố làm giàu, tạo dựng cuộc sống đủ đầy no ấm, luôn trong tình thương yêu nhân ái nghĩa tình.

Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh rồi trở lại rực rỡ hoa lệ, phồn thịnh như vốn có. Và những ngày tháng vừa qua, chỉ còn lại trong một trang lịch sử thương khó thành phố hơn 300 năm, để mỗi người ở thành phố này tự thấy trách nhiệm cao hơn mà sống trọn vẹn nghĩa vụ, tình nghĩa, nhân ái, yêu hương thành phố gấp nhiều lần hơn nữa.

- Em à, hôm nay là kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2021, "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long". Cảm ơn em Hà Nội, suốt hơn 4 tháng qua, ngày nào cũng dõi theo để chia sẻ, để cùng thương cùng đau, cùng lo lắng, cùng buồn vui với Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.

Muốn kết lá thư Sài Gòn bằng ca khúc "Bài ca tôi hát lần này" của thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương:

Trong nỗi hân hoan phố phường mở cửa / Nhìn kìa, khói bếp/ Đến lúc phố thưa lại đầy như xưa/ Một cuộc sống mới/ Khắp lối tái sinh rạng ngời yên vui…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn sử dụng kit xét nghiêm test nhanh COVID-19.


Hoài Hương
(Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh ngày 10/10/2021)
Ý kiến của bạn