Sài Gòn không chỉ có những màu áo trắng tình nguyện
Quả thật, hơn ai hết và hơn lúc nào hết những chiến sĩ áo trắng chúng tôi, khi ra trận chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh, hiểu và thấm thía sự tàn bạo của giặc dịch, sự mong manh của sự sống. Cả "hòn ngọc Viễn Đông" phải ngưng lại toàn bộ hoạt động để chống đỡ và chịu đựng, nỗi đau khủng khiếp này không của riêng ai.
Các chiến sĩ áo trắng chúng tôi đến từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng đồng cam cộng khổ, sát cánh bên nhau quyết là tấm lá chắn kiên cố chặn đứng đại dịch.
Cùng làm việc trong bệnh viện Hồi sức COVID-19, những chiến sĩ áo trắng chúng tôi đang hằng ngày chiến đầu với kẻ địch tàn bạo mà vô hình này để giữ lại sự sống cho từng người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch. Ở đây, tất cả chúng tôi đều là chiến sĩ áo trắng, vì một lí do thật giản đơn, tất cả mọi người đều phải mặc trang phục bảo hộ màu trắng, từ đầu đến chân.
Chính vì thế khi mà Diệu, một người bạn phổ thông của tôi, là lãnh đạo công an ở một huyện trọng điểm có dịch, gửi lời chúc sức khỏe cho tôi và cổ vũ cho các chiến sĩ áo trắng, tôi đã cảm ơn và cũng chúc cho "chiến sĩ các màu áo khác" cũng mạnh khỏe để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Ở đây, chúng tôi, từ các anh chị em đồng nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã gây dựng cơ sở điều trị, cho đến các đồng nghiệp từ Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, miền Trung cùng về đây tham gia điều trị, chăm sóc cho những người bệnh mắc COVID đang ở tình trạng nặng và nguy kịch.
Chúng tôi, các bác sĩ, điều dưỡng là những người trực tiếp phụ trách việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ này chúng tôi đồng thời rất cần và cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của rất nhiều lực lượng khác như những người hộ lý, lao công, cấp dưỡng, lái xe, nhân viên hành chính, kĩ sư, công nhân kĩ thuật, ...
Một người bạn phóng viên rất đồng cảm với sự khó khăn và nguy hiểm trong công việc mà chúng tôi đang lăn xả vào, đã nói với tôi là hãy viết về điều đó, về sự vất vả của các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Nhưng chúng tôi, với sứ mệnh mà con tim giao phó, chúng tôi đã quyết như vậy. Tôi muốn viết về những người bạn, đang ngày đêm cùng chúng tôi gánh vác nhiệm vụ gian khó này.
Đó là những người điều dưỡng, luôn gắn bó, song hành với các bác sĩ trong công tác săn sóc và điều trị. Chị Mai Anh, điều dưỡng trưởng tua cùng tôi, là hình mẫu của mọi người về sự mẫn cán, tận tụy chăm sóc cho từng người bệnh. Lần đầu tiên gặp chị, tôi ngạc nhiên khi được giới thiệu, "đây là xơ Mai Anh" và nhìn thấy kí hiệu "Sr" trên lưng áo. Ở đây chúng tôi đều đeo khẩu trang và đồ phòng hộ nên chỉ nhận dạng nhau qua tên, kí hiệu tự viết cho nhau lên bên ngoài áo.
Xơ là từ được phát âm giống với danh xưng sir (Ngài/ Sĩ quan cấp trên, hay tước hiệu Hiệp sĩ) trong tiếng Anh và giống với danh từ soeur trong tiếng Pháp (khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh "hiền như ma soeur" mà trong các cuốn tiểu thuyết hồi phổ thông tôi hay đọc, thường ví von như thế khi viết về các cô nữ sinh hiền thục). Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, chị cắt nghĩa đơn giản: "Xơ" cũng có nghĩa là chị và chị cũng nhiều tuổi hơn các em mà.
Chúng tôi làm việc theo nhóm thống nhất với nhau nên mỗi ngày thêm hiểu nhau hơn, mỗi ngày chúng tôi cảm nhận được nhiều hơn sự ân cần, tận tâm với người bệnh khi chăm sóc họ của xơ Mai Anh. Mấy bác sĩ trong nhóm tôi khi phải chuyển sang khoa khác đột xuất, lúc chia tay có tâm sự, rất cảm phục xơ Mai Anh và mong muốn khi đất nước hết dịch sẽ còn dịp được gặp lại.
"Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời…"
Vâng, niềm tin đó không chỉ của riêng ai, mà là của mỗi một trái tim người Sài Gòn, người yêu Sài Gòn. Chưa khi nào tinh thần tình nguyện lại lan tỏa mạnh mẽ trên mảnh đất này đến thế.
Đó còn là đông đảo những tình nguyện viên. TNV, đây là những từ viết tắt mọi người vẫn viết lên áo như vậy. Nhìn cái tên này tôi lại nhớ tới những người TNXP, hẳn mỗi chúng ta ai cũng đều biết đến các anh chị TNXP, cái tên viết tắt mà không cần phải chú thích là Thanh niên xung phong, những người tự nguyện cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân của họ cho cuộc kháng chiến cứu nước. Và giờ đây, chúng tôi lại thấy những TNV chính là những TNXP của thời hiện đại.
Họ cũng tự nguyện tham gia, cống hiến cho công tác chống dịch, là những người hỗ trợ cực kì đắc lực cho công tác điều trị của chúng tôi. Họ là những TNV Hoàng Vũ, sr Thế,... Ở ngoài kia, họ có thể là sinh viên, nhân viên văn phòng, huấn luyện viên thể hình, tín đồ,... thì vào đây, họ âm thầm cống hiến, âm thầm phục vụ, âm thầm chăm sóc cho những người bệnh mắc COVID.
Họ, những người TNV, không có chuyên môn sâu về y tế, không có nghĩa vụ phải thực hiện nhưng họ đã làm theo bổn phận mà trái tim ấm áp của họ yêu cầu, họ đã làm theo tiếng gọi của tình yêu thương con người.
Thậm chí có nhiều TNV là các Hoa hậu, người mẫu. Và còn rất nhiều người nữa, ở ngoài kia, họ đang âm thầm ngày đêm, cùng những chiến sĩ áo trắng chúng tôi trên trận tuyến khốc liệt, đại chiến với giặc COVID, giành lại sự sống cho người bệnh, giành lại cuộc sống bình yên cho mảnh đất dấu yêu này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Nếu chúng ta cùng khơi dậy tinh thần sôi nổi đó của mỗi người dân thì nhất định giặc COVID cũng sẽ bị nhấn chìm.
Cùng người dân cả nước, những chiến sĩ áo trắng chúng tôi nhất định sẽ chiến đấu hết mình để trả lại đất trời bình yên, trả lại sức sống về cho thành phố mến yêu, cho những ngõ nhỏ xôn xao.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội.