Sài Gòn đón nhận những tấm lòng "thiên sứ"
"Chúng ta phải đi thôi vì chúng ta có nghề. Nghề chúng ta là để cứu người. Chúng ta không lên đường thì ai?" Tôi vừa đọc những dòng nhắn nhủ của các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức trước khi lên đường vào chi viện cho TP. HCM vừa khóc.
Cũng như tôi đã khóc khi nhìn thấy hình ảnh của những "thiên sứ áo trắng". Những đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, những gương mặt in lằn rãnh vì khẩu trang, những bàn tay trắng bợt, những con người bó đẫm trong bộ đồ bảo hộ ngày này qua ngày khác…
Tôi thấy mình thật yếu đuối và ngay cả những ngôn từ cũng bất lực khi trước mắt tôi, trí óc tôi luôn hiển hiện những con số người bệnh tăng lên mỗi ngày, những bệnh viện ken kín bệnh nhân, những giường bệnh thiếu máy thở, những hy vọng cuối cùng của bệnh nhân cũng như thân nhân, bạn bè đổ dồn lên vai những y bác sĩ, nhân viên y tế…
Trong khi đó chính các thầy thuốc đã vắt kiệt sức mình, đã chịu đựng những áp lực công việc, những tổn thương tinh thần quá lớn. Không sự chịu đựng nào khó khăn và đớn đau như thế khi phải tận mắt chứng kiến những cái chết đau thương, dồn dập mà sức người bất lực.
Sự tàn phá của đại dịch không từ một ai, một quốc gia nào. Sự tàn phá kinh khủng nhất, day dứt nhất, đáng sợ nhất là ở chính những nơi các y bác sĩ đang ngày ngày đối mặt. Chỉ riêng sự chịu đựng đó đã khiến chúng tôi vô cùng cảm phục và biết ơn.
Trong nghịch cảnh, sự chịu đựng và lòng trắc ẩn chính là phẩm giá của con người. Khi chúng tôi ngồi yên trong nhà, viết báo, đọc sách, nấu ăn, chăm sóc gia đình… thì ở những nơi "chiến trường" không tiếng súng, các anh các chị chẳng có được giây phút nào vẹn nguyên cho mình, bởi tất cả thời gian, sức lực, suy nghĩ, ước muốn dồn hết vào việc cứu chữa bệnh nhân.
Đó cũng chính là điều thiêng liêng nhất của lời thề Hippocrates mà các anh chị đã lựa chọn để dấn thân và phụng sự: "Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết và suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…".
Ở những thời khắc này, các anh chị là chỗ dựa tin cậy – người bảo vệ sự sống, truyền cho mọi người niềm hy vọng! Và tôi viết những dòng này để nói về lòng biết ơn, sự trân trọng và tôn vinh những điều tốt đẹp, lưu lại suy nghĩ của mình trong những ngày tháng khắc nghiệt, tự nhắc mình rằng mỗi vết thương đều để lại sự trưởng thành, nỗi đau khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn và vượt lên những mất mát là những điều tử tế, ấm áp và niềm tin đang được lan tỏa.
Mở ra một thế giới mới, mạnh mẽ và nhiều yêu thương hơn nữa
Tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà triết học vĩ đại Francis Bacon: "Khi gặp tai hoạ, phẩm hạnh lớn nhất là kiên cường" và tôi đã nhìn thấy sự kiên cường ấy của con người và các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế.
Mới đây, tôi nhận được tin nữ nhà thơ bạn mình tại TP. HCM nhập viện vì COVID-19. Cô ấy là người nhiều ngày qua xông xáo đi phân phát gạo cứu đói cho bà con khó khăn. "Vợ chồng em ổn và sẽ tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh. Các anh chị yên tâm vì bên em là các bác sĩ và nhân viên y tế…". Cô ấy nhắn nhủ với chúng tôi đầy vững tin như thế.
Tôi cũng đọc tin nhiều y bác sĩ và nhân viên y tế nhiễm COVID-19 – và có người đã hy sinh - điều ấy khiến trái tim se thắt.
Sáng nào tôi cũng cầu nguyện – và lời đầu tiên là cầu mong sức khỏe, sự bình an, may mắn và lòng quả cảm ở bên các y bác sĩ và nhân viên y tế.
Tôi vẫn mang trong mình niềm tin mãnh liệt rằng, sớm có ngày chúng ta khép lại đau thương này và mở ra một thế giới mới, mạnh mẽ và nhiều yêu thương hơn nữa.