Em Hà Nội hỏi người Sài Gòn:
- Anh à, Sài Gòn những ngày giãn cách theo CT16 có sự kiện văn hóa nào lan tỏa tinh thần tích cực, động viên người thành phố trong cuộc quyết chiến với COVID-19?
- Vừa hay, 9 giờ sáng ngày 21/8, Báo Người Lao Động- trực thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" bằng hình thức trực tuyến. Một cuộc thi đong đầy kỷ niệm và dấu ấn khó quên trong những ngày lịch sử COVID của thành phố hơn 300 năm tuổi này.
Để kỷ niệm 45 năm ngày TP. Sài Gòn - Gia Định vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu, 2/7/1976- 2/7/2021, Báo Người Lao động đã tổ chức cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" từ 10/4 đến 15/7 và dự tính sẽ trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm số báo ra đầu tiên ngày 28/7/1975. Nhưng rồi dịch COVID-19 đã làm cho cuộc thi không thể trao giải đúng ngày bởi lệnh giãn cách xã hội theo CT15, rồi CT16, rồi CT16+.
Gần 100 ngày, Ban Tổ chức đã nhận hơn 750 bài của 610 tác giả gửi về. Qua vòng sơ khảo đã chọn 140 bài viết đăng trên báo in và online Người Lao động. Vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn được 13 tác phẩm dự thi xuất sắc nhất để trao các giải thưởng của cuộc thi.
- Cứ ngỡ cuộc thi vô tình bị "rơi" vào lúc thành phố "dầu sôi lửa bỏng", nhiều những bấn bíu rối nùi, trùng điệp những việc phòng chống dịch bệnh… Ai sức đâu mà nghĩ tới việc viết những ngợi ca. Nhưng không, những cây bút nhà văn nhà thơ chuyên và không chuyên, khắp các vùng miền trên đất nước, từ Tây Bắc, Đông Bắc xa xôi, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ đến dải đất miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên…, đã hào hứng tham gia.
Đó là những nhà văn tên tuổi, là những tác giả trong môi trường quân đội, là thầy cô giáo, công nhân, nhân viên văn phòng, luật sư, nhà báo, sinh viên… Rồi những cây bút ở xa Tổ quốc... Họ nghĩ về Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh bằng rất nhiều góc nhìn, để thấy rằng, ngay cả trong những tháng ngày thương khó, thì thành phố vẫn luôn ngời sáng "rực rỡ tên vàng".
Bởi những truyền thống tốt đẹp hàng mấy trăm năm lập phố, bởi tình người chưa bao giờ hết thương nhau, chưa bao giờ hết tình tương thân tương ái, bởi những đất và người thành phố luôn để lại những ấn tượng đẹp trong từng góc phố con hẻm, từng nghĩa cử mỗi ngày…
Phía sau các bài viết là đầy ắp ân tình với thành phố phương Nam đầy hào sảng, bao dung, cùng với những câu chuyện xúc động về tình người, về tình thương và nghị lực; Là niềm tự hào về thành phố được vinh dự mang tên Bác; Là nỗi lòng của người đi xa luôn nhớ về, trân trọng từng nét nhớ nét thương, sắc màu của thành phố. Để thấy rằng, tình cảm với thành phố ở mọi người tràn đầy.
Các bài thơ, tạp văn đều tập trung phản ánh những tâm tư tình cảm với đất nước Việt Nam nói chung, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Không chỉ là người của thành phố, mà người ở "xứ khác" một lần ghé qua thành phố đều tỏ lòng tự hào trước những đổi thay, phát triển của thành phố lớn nhất nước này; Đều cảm nhận và được đón nhận những vẻ đẹp của thành phố, của người thành phố, là những tấm gương bình dị mà cao cả trong hành trình vàng son của thành phố trong suốt 45 năm qua, tạo thành một hình ảnh "rực rỡ", phồn vinh, mạnh mẽ, văn minh, hiện đại, chan chứa nhân ái, nghĩa tình.
Các tác phẩm dù là thơ hay văn cũng đã truyền tải những thông điệp sâu sắc có sức lay động trái tim mạnh mẽ, để lại dấu ấn trong mảng văn chương viết về Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh, đong đầy yêu thương, ăm ắp tình người. Ấn tượng sâu sắc với "Sạp báo của ba tôi" của nhà văn Trần Nhã Thụy, nhẹ nhàng mà thâm trầm. Cái cốt cách miền Trung chịu thương chịu khó đầy yêu thương, khi viết về người cha từ quê nhà vào phụ con, mở sạp báo ở thành phố. Rồi những người con tiếp tục hành trình, ở lại làm dân của thành phố, sẵn lòng giang tay với những phận đời khác, khó nhọc hơn mình.
Như một mạch nguồn, truyền thống tương thân tương ái trở thành đặc trưng, tố chất điển hình. "Thành phố của mẹ và con"- tác giả Nguyễn Ngân, người mẹ vào thành phố hành nghề mua phế liệu, nuôi con ăn học. Rồi mẹ về quê, con vào học, đi làm. Cũng như mẹ, người con nhận được tình thương mến, giúp đỡ của những người dân thành phố, từ chỗ ở ban đầu đến tô cháo ngày nằm bệnh, để thấy Sài Gòn này là yêu thương như cùng anh em chung một mái nhà.
"Tình người rực sáng" của tác giả Trúc Thiên- Tống Phước Bảo đậm văn phong Nam Bộ, dẫn dắt cảm xúc người đọc với lối nói chuyện chân chất. Người thành phố chịu thương chịu khó, cứ vậy đó mà sống, mà làm, đâu nề hà kêu ca bởi cái họ nhận được chính là sự phát triển đồng bộ từ mặt xã hội đến dân sinh. Là nhà văn Hoài Hương với "Chữ thương của thành phố mang tên Bác", một chữ "thương" của người thành phố đã ăn sâu như một tính cách đẹp, cho dù có nghịch cảnh cũng không thay đổi.
Rồi "Dĩa cơm tấm năm ấy"- tác giả Diệp Trần, được nhiều bình luận chia sẻ cảm xúc. Kể về cô chủ quán cơm rất tinh ý, khi nhìn thấy đứa bé, biết là em của cậu công nhân trẻ trong xóm, hôm trước vừa ăn ở quán của cô, cô dỗ dành đứa bé nín khóc, đưa mời dĩa cơm tấm, "ăn đi con rồi cô Ba dẫn dìa (về)". Chỉ là dĩa cơm tấm, nhưng cảm xúc đã in đậm trong lòng đứa bé, để mãi không quên khi lớn lên và mỗi khi nhớ đến thành phố này…
Nói cảm ơn thôi, chưa đủ, bởi còn là nặng ân tình. "Người bạn giữa lòng thành phố" của tác giả trẻ Nguyễn Chí Ngoan, tít miệt Kiên Giang, không chỉ là những kỷ niệm ấu thơ đan xen về sự hồn nhiên tình bạn tuổi thơ mà là tình người ẩn khuất sau câu chữ, cứ day dứt như muốn tìm nhau, tin rằng sẽ có ngày nhận ra nhau dù ai cũng đã lớn khôn.
Đặc biệt, nhà văn Trầm Hương, nhà văn thuộc hàng "cây đa" về tiểu thuyết chiến tranh của văn chương thành phố - đoạt Giải Nhất thể loại Tạp văn, tham dự với bài viết "Chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ". Đây cũng là tác phẩm duy nhất nói về chiến tranh, kể về những người anh hùng trong lực lượng tình báo chiến lược trong cuộc chiến đã qua. Với chị, thành phố này mang trong lòng bao điều bí ẩn và ly kỳ về sự hy sinh vô giá của nhiều người anh hùng thầm lặng, mà người cầm bút chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ.
"Mùa COVID-19 này, tôi càng hiểu sâu sắc người Sài Gòn trong quá khứ và hiện tại. Sài Gòn - TP HCM bao dung, của những con người trượng nghĩa. Thành phố này mang trong lòng bao điều bí ẩn về sự hy sinh vô giá của bao người anh hùng mà người cầm bút chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ."
Ở mảng thơ, tập trung vào chủ đề tình cảm với đất nước, với Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, là niềm tự hào không giấu được trước những đổi thay, phát triển của thành phố, là những tâm tư đời thường về con người, đời sống người dân...
Với "Hoa Trường Sa giữa lòng thành phố", nhà thơ Nguyễn An Bình như muốn nhắc nhở "ngoài khơi xa kia còn đau đáu âm vang tiếng vọng Trường Sa". Nhà thơ Xuân Trường trong "Lời tự tình của một dòng kênh", thay lời con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để nói về những đổi thay đậm nét của thành phố trong 45 năm qua: "Thanh lọc dòng trôi cho phù sa ngọt lại ban đầu/ uốn lượn dưới cây xanh mát rượi".
Hình ảnh người mẹ anh hùng, người mẹ đời thường giản dị bao dung được đề cập nhiều trong thơ. Và hình ảnh rất thời sự, rất "nóng ấm" tình thương, người mẹ miền Trung của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng thì tất tả thúc hối con cháu gói ghém gửi tặng phẩm cho người dân miền Nam đang vất vả chống dịch: "Má tôi nghĩ một Sài Gòn vừa vặn cảnh xóm thôn/ y hệt chuyện nhà quê cháo rau đùm bọc/ một bát canh suông cũng mát trong lòng/ trái tim bà lão nơi góc rừng miền Trung heo hút/ cứ vọng niềm trắc ẩn lao xao… (Thơ viết trên ngọn rau tháng 7/2021).
Tác giả Tịnh Bình nhận ra sự hy sinh sau "Tiếng rao trầm": "Phai dấu thanh xuân bao đêm chong đèn thức cạn/ nâng cánh ước mơ ngày con lớn khôn". Với Đoàn Thị Diễm Thuyên, như một lời tự sự, ở lại với thành phố để cùng "chiến đấu" với COVID-19, bởi những ân tình: "Tôi không rời khỏi thành phố này vì tôi nhận ra tôi/ yêu mảnh đất này như là yêu quê mẹ/ tôi tin một ngày thành phố của tôi/ sớm trở lại nhịp đời thường bình yên thân thuộc" (Tôi với thành phố này đâu phải người dưng).
Và những câu thơ chất chứa lạc quan sẽ chiến thắng dịch bệnh của tác giả Lê Nguyệt Minh: "Mình nắm tay nhau/ đi qua những ngày phong tỏa/ phố phường như trái tim/ đập những nhịp rung hồi hộp" (Thành phố tháng sáu)…
Sài Gòn thương. Sài Gòn bao dung
Sài Gòn phóng khoáng. Sài Gòn rộng lòng
Sài Gòn chở che. Sài Gòn tình nghĩa
Thành phố đầy ắp tình người.
Thành phố sẽ vượt qua ngày khó
Người người nắm tay nhau kết dạ đồng tâm
Thành phố dễ thương.
(Chữ " thương" của thành phố mang tên Bác)