Hà Nội

Thư Sài Gòn (số 20): Là chiến sĩ ngành Y, không ngại gì khổ cực, hy sinh

20-08-2021 14:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - "Đã có những hy sinh, khó nói hết bằng lời" (lời ca khúc "Hát về anh" của nhạc sĩ Thế Hiển). Cuộc chiến đang hồi quyết liệt, cam go và tàn khốc…

"Tổ quốc gọi, chúng tôi vào tâm dịch

Hăng hái lên đường dẫu biết lắm gian nan

Một khi COVID dịch đã lan tràn

Vì quê hương, toàn dân cùng gắng sức

Là chiến sĩ ngành y không ngại gì khổ cực…

(Trong tâm dịch COVID - BS.TTND Nguyễn Đức Công)

Những câu thơ trong một đêm không ngủ, mộc mạc nhưng chân tình, như lời trái tim thấu hiểu được sự hy sinh không thể nói hết bằng lời, cũng không có thước đo nào đong đếm cho đủ về lòng biết ơn những thiên thần áo trắng- "chiến binh" blouse trắng, của người Thầy thuốc nhân dân- GS.TS.BS Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất.

Sài Gòn 1

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và tập thể thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế được chi viện cho Trung tâm Hồi sức tích cực tại TPHCM

Như bao đồng nghiệp của mình, GS cho dù tuổi cao, vẫn lăn mình vào "chiến trận", tham gia trực tiếp việc tiêm phòng vaccine COVID-19 và cùng các đồng nghiệp nỗ lực chăm sóc người bệnh. Ông như một chiến binh dũng cảm và kiên cường, quyết cùng đồng đội giành giật với tử thần COVID từng hơi thở sự sống của người dân lâm bệnh.

Mọi con đường đều dẫn đến... Sài Gòn

Tôi đã nghẹn giọng trong một chiều mưa, khi nghe tin người nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh, khoa sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, chăm sóc các bệnh nhân COVID và bị nhiễm bệnh qua đời, đau hơn là cô đang mang thai 20 tuần tuổi… Không phải thân thích của mình, mà sao nghe tin tim còn đau thắt.

Sài Gòn 2

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW Trần Danh Cường dặn dò các đồng nghiệp trước giờ lên đường đồng hành cùng các y bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Ảnh: Trần Minh

Bất giác một nỗi lo lắng xâm chiếm đến tê dại lồng ngực, COVID-19 như một hung thần ác quỷ tàn bạo, biến hóa khôn lường, gieo rắc nỗi kinh hoàng về cái chết cô đơn lạnh lẽo xuống bất kỳ ai, và với những chiến binh blouse trắng đang trực diện ngày đêm để ngăn chặn lưỡi hái tử thần trong tâm thức của lời thề Hyppocrate thiêng liêng, thật sự là những thử thách nghiệt ngã sinh tử cho ngay chính bản thân họ.

Em Hà Nội thấp thỏm lo âu hỏi:

- Nghe nói trong đó các nhân viên y tế mình bị phơi nhiễm F-COVID?

- Ừ. "Đã có những hy sinh, khó nói hết bằng lời" (lời bài hát Hát về anh, một sáng tác của nhạc sĩ Thế Hiển). Cuộc chiến đang hồi quyết liệt, cam go và tàn khốc… Trong thành phố đang dốc sức, gần như tung hết lực lượng vào trận. Ngoài đó cũng đã chi viện hơn 13.000 y bác sĩ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hôm qua, cũng vừa có một đoàn hơn trăm y bác sĩ điều dưỡng của Bệnh viện Phụ sản Trung ương "xuất quân" vào Nam, đặc trách các ca bệnh COVID-19 là các thai phụ.

Sài Gòn 3

Những đoàn xe nối đuôi nhau đưa các y bác sĩ ra sân bay đến TP. HCM

Biết bao câu chuyện xúc động về những thiên thần áo trắng- chiến binh blouse trắng trong Nam ngoài Bắc đọng lại. Từ chuyện Bác sĩ CK2 Huỳnh Quang Đại - khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy- TP Hồ Chí Minh, hiện đang được phân công điều trị cho bệnh nhân nặng và rất nặng tại Bệnh viện hồi sức COVID-19, đã dành những lời động viên tâm huyết đến đội ngũ bác sĩ nội trú đang chuẩn bị bước vào tiền tuyến để động viên đàn em: Nếu tụi em có chút do dự nào thì hãy đừng do dự nữa, hãy đi đi nhé! Chưa bao giờ người bệnh cần bác sĩ như bây giờ. Rất và rất nhiều người bệnh chỉ mong ước được vào bệnh viện, có được một giường nằm, có được một ánh mắt trông nom, có được một bàn tay chăm sóc... Nên tụi em hãy lên đường đi, đừng đắn đo nữa nhé!..

... Đến chuyện có thể bật cười vui nhưng trong dạ chút nao nao khi nhìn hình ảnh các bác sĩ Hà Nội trước lúc vào Nam đã "xuống tóc", gần như tất cả cùng mốt đầu đinh sát gốc, thậm chí có người còn "chơi" không còn một cọng tóc, để gọn gàng nhẹ nhàng "vào trận".

Nhưng cũng có chút ngậm ngùi thương lắm tóc dài ơi, khi nhìn thấy các y bác sĩ nữ cắt mái tóc của mình, những lọn tóc đen mướt rơi lả tả xuống, làm cho tôi tự dưng cay xống mũi. "Một góc con người" biểu tượng cho vẻ đẹp đã vì việc nghĩa tình với Sài Gòn mà chấp nhận làm xấu đi.

Là những câu chuyện bất tận về tinh thần cứu người không tính giờ tính ngày tính tháng của các thiên thần áo trắng- chiến binh blouse trắng, nhất là các y bác sĩ, các điều dưỡng viên trong phòng ICU- Hồi sức tích cực, nơi "cửa sinh tử" như lằn ranh mỏng manh bằng một hơi thở, bằng một phân tử oxy, chỉ sểnh vài micro thời gian là có thể chấm dứt một cuộc đời trần thế.

Sài Gòn 4

Nữ y bác sĩ phải cắt đi những lọn tóc mà bao năm nuôi dưỡng mới có được- hình ảnh gây xúc động trái tim bao người

Ở phòng ICU, là môi trường hàng trăm F0 vây quanh, cả người trùm kín đồ bảo hộ, gần như không hở bất kỳ gì ra ngoài. Ai cũng hiểu, chỉ cần sai sót hay thiếu một bước trong quy trình bảo hộ là có thể bị nhiễm bệnh, đặc biệt là khi thực hiện cấp cứu bệnh nhân. Áp lực đè nặng đôi vai các y bác sĩ, y công, không chỉ là phải cứu sống bệnh nhân mà còn là chính mình đang đối diện với nguy cơ cao phơi nhiễm…

Theo lời kể của một bác sĩ, trong hồi sức cấp cứu, có những thủ thuật rất nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm cực cao như việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân ngừng hô hấp hoặc khó thở. Có nhiều phương pháp bảo hộ được sử dụng trong lúc đặt nội khí quản như màng che bằng nilon, sử dụng hộp nhựa… Nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đồng bộ, cộng thêm tình trạng khẩn cấp, cần cấp cứu nhanh thì các biện pháp phòng ngừa lây bệnh xem ra rất khó thực hiện.

Sài Gòn đang là mùa mưa, nhưng nắng nóng vẫn rất nồng đượm. 

Hãy tưởng tượng bạn mặc đồ bảo hộ kín mít và làm việc thông tầm suốt từ 8-12 giờ, có bác sĩ một ca làm việc có khi là 24 giờ, 36 giờ.., trong cái nắng có lúc lên tới 38 - 40 độ trong bóng mát, hay lúc mưa trắng trời, không khí ẩm ướt nhớp nháp, lúc đó, bộ đồ bảo hộ nhang nhác như phi hành gia, thật sự là một sự khó chịu, vừa nóng, vừa bức bối hầm hập, bộ quần áo mặc bên trong lúc này ướt như nhúng nước.

Thư Sài Gòn (số 20): Là chiến sĩ ngành Y, không ngại gì khổ cực - Ảnh 6.

Nhóm thiện nguyện đang cắt tóc miễn phí cho các y bác sĩ BV Việt Đức trước ngày lên đường vào Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 ở TP.HCM Ảnh BVCC

Cho dù các y bác sĩ đã chia 3 ca, 4 kíp làm việc, nhưng với 8 giờ ban ngày và 10 giờ ban đêm trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 để cứu chữa bệnh nhân… , sức người mà, kiệt sức là tình trạng thường xuyên. Nhưng chính bản thân các y bác sĩ, các y công đều tự cố gắng vượt qua, ý thức không để mình gục ngã, bởi hiểu lắm sự trông đợi, nguồn hy vọng sống của các bệnh nhân đối với các y bác sĩ.

Không chỉ lo chữa bệnh, mà các y bác sĩ còn như là chỗ dựa tinh thần của bệnh nhân trong cơn tuyệt vọng, động viên họ lạc quan để vượt qua sinh tử. Ở một bệnh viện dã chiến trong thành phố, cứ tới buổi chiều, các y bác sĩ và nhân viên y tế lại ra ngoài sân hướng về các phòng bệnh, hô vang câu chúc mọi người "Cố lên", "mau khỏe nha", và sau đó hát bài "Nối vòng tay lớn"- Trịnh Công Sơn, để như một sự kết nối niềm tin, hy vọng, rồi mọi sự sẽ tốt lành, rồi mọi người sẽ khỏe mạnh trở về nhà sum họp gia đình, học tập làm việc…

Đã có một show hát Quốc ca đầy xúc động, trong Bệnh viện dã chiến thu dung số 4 - Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, nơi có 20 block nhà với 4.000 bệnh nhân F0. Giữa trưa, lúc cả nhóm Tình nguyện viên văn nghệ sĩ chuẩn bị chia tay, thì nhận được một lời yêu cầu rất đặc biệt từ chính các y bác sĩ và lực lượng y tế nơi đây: Hãy hát… Quốc ca.

Hát để tiếp thêm sức mạnh, hun đúc thêm tinh thần cho đội ngũ y tế và các bệnh nhân F0. Và giữa sân nắng chang chang ban trưa, khi câu hát "Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…", thì họ cùng đứng nghiêm hát theo, để rồi sau đó ở các phòng bệnh cũng vang lên tiếng hát " Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền"

Em à, vắn tắt thế thôi, nhưng là gói biết bao câu chuyện đẹp, là sự hy sinh của những thiên thần áo trắng- những chiến binh blouse trắng kiên cường trong trận chiến COVID-19. Vâng! Thật sự là họ hy sinh vì sức khỏe của nhân dân, bảo vệ nguồn lực nhân sự cho đất nước.

Còn nhớ trong bức thư chia buồn đến gia đình nữ điều dưỡng tử vong vì nhiễm COVID do chăm sóc bệnh nhân, người đứng đầu ngành y tế tỉnh Bình Dương đã bày tỏ "Gia đình và các đồng nghiệp vẫn sẽ mãi mãi tự hào về người chiến sĩ áo trắng, đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân".

Thấp thoáng câu thơ của vị bác sĩ già nói về sự hy sinh thầm lặng của những thiên thần áo trắng- chiến binh blouse trắng.

Sao yêu quá những chiến binh thầm lặng

Từng phút từng giờ giữa sống chết bủa vây

Mang lại màu xanh hạnh phúc sum vầy

Cho Tổ quốc bình yên một ngày không xa nữa"

(Trong tâm dịch COVID- BS.TTND Nguyễn Đức Công).


Hoài Hương
Ý kiến của bạn