Báo Sức khỏe & Đời sống chọn đăng bức thư này trong chuyên mục THƯ SÀI GÒN vào hôm nay, cũng đồng thời là một lời chúc mừng đến cán bộ chiến sĩ của Ngành nhân 76 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945- 19/8/2021) và 16 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005- 19/8/2021)
Sài Gòn ngày đêm căng mình chống dịch
Bố mẹ kính yêu!
Bây giờ là bảy giờ tối. Giờ này, chắc bố mẹ đang ngồi trước ti vi xem thời sự. Còn con vừa hết ca trực. Lát nữa đội con có nhiệm vụ tiếp nhận một chuyến hàng thiện nguyện từ Nghệ An chuyển vào. Một trận mưa lớn vừa ngớt.
Ngay điểm chốt của đội con, nước ngập lưng ống chân. Hồi chiều, các anh dân phòng giúp chúng con vần mấy tảng bê tông chèn thêm vào bốn chân cột, buộc thêm dây vào hai gốc cây to để chằng néo mái lều chắc chắn hơn. Các anh lo nước sóng sánh sẽ khiến chiếc lều dã chiến bị lung lay.
Làm xong rồi, mấy anh em con lại nhìn nhau ngơ ngẩn cười. Đường phố giờ vắng ngắt, chỉ thi thoảng có mấy chiếc xe cứu thương chở người đi cách ly phóng qua.
Đâu còn cảnh người xe tấp nập chen lấn bì bõm như trước mà sợ "sóng đánh nghiêng lều". Không gian vắng lặng u tịch. Chỉ còn những ngọn đèn đường trơ trọi hắt ánh sáng lạnh lẽo xuống dòng sông phố. Con bỗng thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ quá…
Bố mẹ đừng trách con nhé, khi cả tuần nay con chưa gọi về cho bố mẹ được lần nào. Tin nhắn bố mẹ gửi đến cho con có khi ở trạng thái "đã xem" mà con cũng chẳng thể nhắn lại dù chỉ một từ "vâng".
Một tuần nay, trên địa bàn do đội con phụ trách, dịch bệnh diễn biến phức tạp quá. Số người nhiễm bệnh không ngừng tăng. Ở chốt, chúng con cùng với lực lượng dân phòng và nhân viên y tế trực 24/24. Nhưng do đây là phường tập trung khá đông dân lao động tự do ngoại tỉnh nên mức độ kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Mấy ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, tình hình căng thẳng thực sự vì ai cũng rối ren lo lắng. Nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan đoàn thể, tất cả cũng dần ổn định.
Ban ngày, chúng con kiểm soát việc chấp hành các quy định phòng dịch, giúp lực lượng y tế hướng dẫn mọi người khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Ban đêm, chúng con thay nhau đi nhận hàng cứu trợ từ điểm tập kết của phường để hôm sau phân phát cho từng hộ dân trong khu cách ly.
Đó là những bịch gạo hay thùng mì tôm, có khi thêm những bó rau cân khoai, hộp thịt hoặc túi cá khô. Mỗi lần nhận phần hàng cứu trợ, họ lại nói "cảm ơn cán bộ" khiến chúng con thấy ái ngại và thương cảm thực sự.
Bà Sáu chủ xóm trọ bên kia hẻm thường đến giúp chúng con phát đồ cho từng hộ gia đình, mau mắn giới thiệu đâu là phần trợ cấp của chính quyền, đâu là quà của đội thiện nguyện.
Có hôm thiếu suất, bà lại động viên mấy người lấy sau chia sẻ bớt phần của mình cho người thiếu. Rồi bà xởi lởi: "Cứ yên tâm, vài ba ngày nữa lại có đồ tiếp tế. Nhà nước không để ai đói đâu mà lo. Còn tiền nhà mấy tháng này tôi miễn…"
Điện thoại của con lúc nào cũng dày đặc tin nhắn, là các tin từ Trung tâm phòng chống dịch bệnh, tin từ chỉ huy cơ quan, tin của các nhóm zalo thiện nguyện.
Những tin nhắn của bố mẹ khiêm nhường lẫn trong biết bao tin "nóng" ấy. Bố mẹ biết con bận nên không mấy gọi điện thoại mà chỉ nhắn tin đúng không ạ? Cứ tưởng tượng ra hình ảnh bố đeo kính cần mẫn bấm từng phím điện thoại, mẹ ngồi trầm ngâm bên cạnh mà con lại thấy lòng rưng rức nhớ.
Ơn trời, hai người thầy vĩ đại nhất của con vẫn còn minh tuệ, biết sử dụng chiếc Smartphone chỉ sau một chiều con hướng dẫn, cái chiều cuối cùng con ở nhà trong lần nghỉ phép cách đây gần sáu tháng.
Con cảm thấy mình vững tâm hơn rất nhiều khi nhận được những dòng tin nhắn động viên khích lệ của bố. Bố bảo: Thời gian này, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của bố là mở điện thoại để cập nhật tin tức về dịch COVID-19 ở "chảo lửa thành phố Hồ Chí Minh", nơi có đứa con trai duy nhất của mình đang công tác. Bố ơi! cả thành phố ngày đêm căng mình chống dịch.
Là một chiến sĩ công an, con sẽ không phụ lòng tin của bố mẹ, không nề hà với bất kì nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao phó, con sẽ cố gắng góp sức lực của mình đồng hành với mọi người trong chiến dịch cam go này.
Đọc những dòng dặn dò thân thương của mẹ, con hiểu được nỗi niềm lo lắng bất an trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Với mẹ, con mãi là một đứa trẻ cần được mẹ chăm bẵm chở che.
Mẹ yên tâm, đừng lo lắng nhiều cho con nhé. Lần về thăm nhà, mẹ đã khen con trai mình chững chạc hơn rồi đó thôi. Khi chứng kiến cảnh những người già run run lập cập bước lên xe cứu thương đến bệnh viện dã chiến, con thấy thương họ và lại nhớ bố mẹ quá. Dịch bệnh đâu chừa một ai.
Con virus nguy hại ấy cũng đã len lỏi về vùng quê yên bình của mình. Bố mẹ ở nhà hạn chế ra đường nhé, nếu có việc cần đi thì nhớ đeo khẩu trang cẩn thận và giữ khoảng cách an toàn ạ. Con biết mẹ mắc chứng hen suyễn, luôn thấy khó thở khi phải đeo khẩu trang nên con đã nhờ chị Hà mua giúp mấy chiếc kính tránh giọt bắn. Mẹ nhớ dùng khi đi chợ mẹ nhé!
Vâng, con hiểu nỗi niềm lo lắng của bố mẹ. Không lo lắng sao được khi chủng virus mới hoành hành thành phố hơn bảy triệu dân này, càn quét như một trận sóng thần.
Ở đây, mỗi bình minh, ai cũng thấp thỏm ngó ra trước hẻm xem có dây giăng chưa?! Những gương mặt vừa âu lo vừa ái ngại thương cảm nhìn theo những người tất tả xách tư trang theo xe cứu thương về nơi cách ly.
Sài Gòn như đang nóng lên từng ngày, bức bối và ngột ngạt hơn bởi mùi thuốc khử trùng nồng nặc trong không khí, căng thẳng hơn bởi tiếng còi xe cứu thương hú hét khắp đường. Biết bao người chen chúc nhau trong những chiếc hộp bê tông chật hẹp, sau những cánh cửa đóng im ỉm cả mấy tháng nay. Sài Gòn nóng lên vì dịch COVID còn cuộc sống thì lại ngưng trệ trong nỗi tù túng bất an.
Sài Gòn hào sảng và bao dung
Gần một tuần nay, thành phố lại có thêm chỉ chị cấm người dân ra đường sau mười tám giờ. Đường phố như dài và rộng hơn.
Và trong khoảnh khắc thành phố đang tạm thiếp đi thế này, con bỗng thấy bâng khuâng nhớ về những âm thanh thường nhật, những thanh âm quen thuộc ngỡ như nhịp đập của trái tim mình.
Tiếng động cơ náo nhiệt trên đường phố giờ tan tầm chỉ còn râm ran trong tâm tưởng. Cả những âm thanh gần hơn, nhỏ hơn cũng len lỏi trong nỗi nhớ.
Là tiếng mỡ sôi tí tách trong chiếc chảo gang của tiệm bánh xèo Quảng Nam bên kia đường mà mỗi tối cuối tuần mấy anh em xa nhà hay rủ nhau tới ăn.
Là tiếng lách cách giữa đêm khuya của những xe hủ tiếu gõ đi ngang qua con hẻm đối diện cổng gác của cơ quan. Bao nhiêu âm thanh, bao nhiêu mùi vị thương nhớ ấy chỉ là tạm ngưng, con tin tất cả rồi sẽ trở lại sớm thôi.
Chiều qua, trong con hẻm sâu hun hút với dãy nhà cấp bốn tạm bợ, nhiều gia đình lục tục dắt díu nhau theo những chuyến xe thiện nguyện về quê. Quê hương nào cũng giang rộng vòng tay đón những đứa con tha hương ấy.
Việc ổn định cuộc sống ở quê có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng họ hi vọng sẽ tránh được sự càn quét của cơn đại dịch này. Những ánh mắt phảng phất nỗi buồn tha hương, lưu luyến khi phải rời xa nơi đã gắn bó cả chục năm nay.
Mấy anh dân phòng cùng trực chốt với con thì tâm sự: nhiều lúc vừa lo lắng vừa nhớ quê đến cháy lòng, muốn về ngay, nhưng rồi lại vẫn động viên nhau kiên cường bám trụ. Con hiểu sự ở lại ấy vì điều gì sâu nặng lắm chứ không hẳn là vì mưu sinh.
Bố mẹ cho con được trải lòng một chút, cái thằng con trai chuyên Văn của bố mẹ vẫn đa cảm vậy mà. Nhưng bố mẹ cứ yên tâm về con nhé. Tuần vừa rồi, đội chúng con đã được tiêm vaccine mũi thứ hai rồi ạ.
Hẳn bố mẹ đã biết được thông tin về chiến dịch tiêm vaccine thần tốc cho người dân thành phố trong những ngày cuối tháng Bảy với 930.000 liều, một con số thật ấn tượng phải không ạ?! Và dự kiến đến tháng 9/2021 lượng vaccine tối thiểu cho thành phố sẽ đạt khoảng năm triệu liều.
Chính phủ sẽ dành sự ưu tiên lớn nhất cho thành phố với tinh thần "cả nước vì thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước." Và khi theo dõi các chương trình thời sự, chắc hẳn bố mẹ sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh đẹp khiến bố mẹ ấm lòng.
Đó là hình ảnh những chuyến xe chở hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào chi viện cho đồng bào miền Nam. Đó là hình ảnh của những điểm cơm từ thiện rải rác ở khắp các quận huyện trong thành phố.
Đó là những gian hàng 0 đồng phục vụ bà con trong khu cách ly. Đó là chương trình "Nghĩa tình nông dân TP HCM" hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch. Tất cả đều chung sức đồng lòng quyết tâm đẩy lui đại dịch.
Bố mẹ ơi, hôm nay là tròn hai năm kể từ ngày con cầm quyết định phân công công tác về báo cáo bố mẹ. Con nhớ lúc đó mẹ khẽ nén một tiếng thở dài. Con biết mẹ rất buồn khi đứa con trai duy nhất của mình phải đi xa như thế.
Còn bố thì điềm tĩnh đeo kính lên rồi chăm chú đọc, giống hệt như lúc bố đọc đi đọc lại tờ giấy báo trúng tuyển Đại học của con. Suốt mấy ngày sau đó, không khí gia đình lúc nào cũng trầm lắng. Nhìn mái tóc đã bạc quá nửa của bố và cái cử chỉ chống gối đứng dậy của mẹ, con thầm xót xa.
Nhưng bố mẹ vẫn động viên con chấp hành sự điều động phân công của cấp trên. Khi tiễn con ra sân bay, ánh mắt vời vợi mà ấm áp của mẹ cùng cái vỗ vai thân tình tin tưởng của bố như tiếp thêm nghị lực cho con. Con nâng niu gói ghém những niềm yêu thương ấy trong hành trang trưởng thành của mình đến với mảnh đất phương Nam đầy nắng và gió này.
Bố mẹ à, hai năm là khoảng thời gian không dài nhưng con thấy mình gắn bó với nơi này nhiều lắm. Sài Gòn hào sảng và bao dung, trong hoàn cảnh nào cũng vẫn rộng lòng chở che, vẫn ấm áp nghĩa tình.
Và trong cơn đại dịch, con càng thấm thía cái tình của đất và người nơi đây. Bố mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe để con yên tâm công tác nhé!
Con tin rồi Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh. Sài Gòn rồi sẽ được hồi sinh, lại được khoác lên mình bộ áo choàng xa hoa tráng lệ. Khi nào tất cả bình yên, nhất định con sẽ đón bố mẹ vào thăm thành phố được mệnh danh là "hòn ngọc viễn đông" này. Con yêu bố mẹ rất nhiều…
Con trai của bố mẹ: P. H. A
(Chiến sĩ công an đang công tác tại TP HCM)