Thư Sài Gòn (số 16): Sư cô Nhuận Bình - có tình thương, chúng ta sẽ chiến thắng

15-08-2021 07:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sư cô Nhuận Bình là một trong hơn 600 Tăng, Ni, Phật tử đăng ký phục vụ tại các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TP.HCM trong gần một tháng qua.

Tâm hướng Phật và mong góp sức nhỏ bé vào cuộc chiến chống dịch COVID-19, sư cô Nhuận Bình vào làm tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.Thủ Đức). 

Kể từ ngày vào điểm nóng ấy, sư cô Nhuận Bình thường chia sẻ những tâm tư, câu chuyện đã, đang diễn ra ở Bệnh viện dã chiến số 12 ra với thế giới bên ngoài. 

Những dòng tâm sự, câu chuyện của sư cô Nhuận Bình đã chạm đến trái tim của các Phật tử nói riêng, người dân nước ta nói chung.

Thư Sài Gòn (số 16): Sư cô Nhuận Bình - chỉ cần có tình thương, chúng ta sẽ chiến thắng - Ảnh 2.

Sư cô Nhuận Bình (bên phải) nhận hỗ trợ khẩu trang, đồ bảo hộ để gửi đến Bệnh viện Ung bướu Cơ sở 2, TP. Thủ Đức

Sư cô Nhuận Bình trải lòng: Chúng tôi tình nguyện dấn thân ra tuyến đầu vì sự bình an của tất cả các bạn. Nơi đây, dù mỗi ngày đối diện nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhưng chúng tôi vẫn làm hết công suất bất kể đêm ngày, mưa nắng để lưu giữ mạng sống cho tất cả mọi người. Vì vậy, chúng tôi có ước muốn nhỏ thôi, rằng mọi người cố gắng bảo vệ tốt sinh mạng của mình, hạn chế giao lưu, không đi ra ngoài, thực hiện tốt 5K.

Hãy xem mọi người là F0 để luôn có tâm thế phòng bệnh. Chấp nhận xa nhau để được gần nhau trong thời gian sớm nhất. Không chấp nhận tách nhau lúc này, có nguy cơ mình mất nhau mãi mãi. Lời khuyên tận đáy lòng, chọn cách nào là tuỳ các bạn. Hãy nhớ, giữ được mạng sống, bạn sẽ có cả tương lai. Không bảo vệ được sức khoẻ của mình, một đời người kết thúc.

Chuyên mục "Thư Sài Gòn" của Báo Sức khỏe & Đời sống hôm nay, xin gửi đến quý bạn đọc một số "bức thư" của sư cô Nhuận Bình viết từ Bệnh viện dã chiến số 12, TP.Thủ Đức. 

Các "bức thư" này do phóng viên tuyển chọn giữ nguyên văn phong của sư cô Nhuận Bình, hy vọng sẽ là chiếc cầu nối để tất cả chúng ta thấu hiểu, cảm nhận được sự vất vả, tinh thần không lùi bước trước gian nan thử thách của sư cô Nhuận Bình nói riêng, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch nói chung. Và như sư cô Nhuận Bình tâm sự "chỉ cần có tình thương, chúng ta sẽ chiến thắng".

Sư cô Nhuận Bình: Thương lắm tuyến đầu ơi

Từng đoàn xe nối đuôi nhau chở F0 đến nhập viện. Nhiều bệnh nhân chưa kịp làm thủ tục nhập viện đã khó thở phải cấp cứu ngay. Phòng cấp cứu vẫn tấp nập với rất nhiều ca. May mắn là chiều nay nhiều ca cấp cứu khi đưa vào phòng với chỉ số SPO2 dưới 40%, nhưng sau những nỗ lực của đội ngũ tuyến đầu, các chỉ số đã vượt qua ngưỡng trên 90%.

sư cô Nhuận Bình 2

Từng đoàn xe nối đuôi nhau chở F0 đến nhập viện

Mỗi lần có một ca cấp cứu, cả khoa chạy tán loạn để lo cho bệnh nhân. Dù bình thường lúc nào cũng phải tiết kiệm đồ bảo hộ, khẩu trang,… nhưng đến khi có một vài ca mệt, khó thở đưa xuống phòng cấp cứu thì cả khoa có mặt đầy đủ, mỗi người một tay kéo hơi thở trở về trạng thái bình thường cho bệnh nhân. Cứu họ khỏi bàn tay tử thần, giành giật sự sống trong từng gang tấc cho họ.

Thật sự thương các Y bác sĩ nhiều lắm, làm việc bất chấp nóng bức, mệt mỏi, hiểm nguy. Lúc nào cũng đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu, lúc nào cũng tâm niệm phải cứu bằng được bệnh nhân. Thật sự ngôn từ không đủ để diễn tả bằng lời. 

Sài Gòn chiều mưa! Chẳng thể vì tình riêng mà phó mặc cho tất cả

Sài Gòn chiều nay mưa rồi. Những chiếc xe không còn hối hả, những tán cây xôn xao đón giọt mưa rào. Hàng ngàn F0 đứng trên lầu cao nhìn ra cửa sổ từ các bệnh viện dã chiến, mỗi người một nghĩ suy, mỗi người một ước muốn. Trong thâm tâm, ai ai cũng mong thành phố mau khoẻ, COVID-19 sớm đi qua, nhà nhà được đoàn tụ, cuộc sống bình thường trở lại.

sư cô Nhuận Bình 3

Sài Gòn chiều mưa...

Từ khi trở thành F0 và vào đến nơi này, mỗi người đều mang theo trong lòng một cuộc chia ly. Có những cuộc chia ly ngắn, có những cuộc chia ly dài. Và cũng có những cuộc chia ly mãi mãi. Bao nhiêu lo toan, bấy nhiêu buồn khổ, những căng thẳng, bất an dường như mỗi ngày một nhiều thêm. COVID-19 đè lên những thân phận người nhiều đớn đau, khổ sở. Không đủ ngôn từ để diễn tả, nhưng buồn và chạnh lòng biết bao nhiêu.

Hôm nay ở tuyến đầu, một nhân viên y tế bần thần khi hay tin cả nhà bị dương tính. Lo lắng thật nhiều nhưng biết phải làm sao! Trách nhiệm trên vai, đồng đội đang chờ, cũng chẳng thể vì tình riêng mà phó mặc cho tất cả. Ngậm ngùi xen lẫn những xót xa, rồi con tạo cứ xoay vần lên xuống.

Mưa lại rơi, nỗi buồn giăng khắp lối. Chưa bao giờ người ta lại ước muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường như lúc này, chỉ cần "bình thường" thôi, không cần xa hoa, cao sang, quý phái gì, nhưng cũng thật xa xỉ và khó lắm thay!

Mưa lại rơi, hàng ngàn ánh mắt F0 nhìn ra cửa sổ, đếm giọt mưa rơi như nỗi buồn rớt xuống trần gian. Họ nhớ nhà lắm! Nhớ con, nhớ cháu, nhớ vợ, nhớ chồng… nhớ cả những người thương! Nhớ từng bữa ăn đầm ấm, những cuộc hội ngộ vui vầy,… tất cả đã bị COVID-19 tước đoạt, mang niềm vui của họ đi xa!

sư cô Nhuận Bình 4

Sư cô Nhuận Bình và các tình nguyện viên làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 12, TP.Thủ Đức

Mưa lại rơi, rơi như giọt nước mắt mặn đắng của nhiều F0 khi nhận được hung tin có người thân vừa ra đi vì COVID-19. Họ gào khóc như một đứa trẻ, họ giãy giụa trong đớn đau, họ quỵ ngã xuống sàn bất kể chỉ số SPO2 tuột dốc không phanh.

Mưa lại rơi, nhiều nỗi buồn chắp nối, hàng ngàn F0 không giấu được sự nhớ nhà. Lâu lâu họ bộc bạch: "Hôm nay con đỡ chưa sư cô, các chỉ số của con có ổn không, con sắp khoẻ chưa, con sắp lành bệnh chưa, con nhớ gia đình lắm rồi… Con muốn về nhà sư cô ạ!"

Ở tuyến đầu, nhiều tâm sự trái ngang, những nỗi buồn không tên tuổi. Người ta phải tự trấn an nhau, bằng cách nói rằng họ sắp khoẻ rồi, các chỉ số sắp ổn định rồi, chỉ cần cố gắng thêm chút nữa, ăn nhiều, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, tinh thần thoải mái, không lo toan thì ngày tạm biệt bệnh viện sắp đến với họ rồi đó. Nhiều khi trấn an các F0 xong, chúng tôi vội quay đi để giấu giọt nước mắt của mình, giấu sự nghẹn ngào thương cảm.

Ai ai nơi này cũng đáng thương, nên thôi cứ thương được lúc nào thì hay lúc đó, cho nhau được chút niềm tin, hy vọng nào thì cứ cho. Bởi cũng có thể sau 30 phút trôi qua, cuộc đời chẳng êm đềm như mình mong đợi.

Sài Gòn vẫn là người thương trong tim của hàng triệu người già trẻ các thế hệ. Nên khi Sài Gòn không khoẻ thì nỗi buồn vương vãi lối quen xưa. Hãy cố lên nhé thành phố tôi yêu. Rồi COVID sẽ đi, rồi cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại với bao người!

Mong tình yêu thương của đức Phật sẽ sưởi ấm chúng sinh

Giờ này ở tuyến đầu, đồng hồ điểm số 23h50 phút, khung cảnh ở đây vẫn vậy, vẫn tấp nập người xe, vẫn bình oxy, vẫn dịch truyền, vẫn người ra vô huyên náo.

Nơi ấy chẳng gươm đao, không bom rơi đạn lạc, nhưng chực chờ bao hiểm nguy và cũng lắm vất vả tai ương. Thương biết mấy những tấm lòng, những thầm lặng hy sinh vì nụ cười và đổi lấy bình an cho dân chúng.
Sư cô Nhuận Bình

Nhưng buồn, buồn lắm vì mọi thứ chẳng như mình mong đợi. Có vẻ dịch bệnh chưa dừng lại hay giảm xuống. Đối diện những khoảnh khắc này mới thấy sinh mệnh cực kỳ quan trọng nhưng cũng quá đỗi mong manh.

sư cô Nhuận Bình 5

Sư cô Nhuận Bình chia sẻ, ở tuyến đầu, đồng hồ điểm số 23h50 phút, ở đây vẫn tấp nập người xe

Chưa bao giờ thấy thương Sài Gòn và thương người dân như vậy. Mong tình yêu thương của đức Phật sẽ sưởi ấm chúng con và chúng sinh. Xin hãy che chở cho chúng con và chúng sanh, trần lao đoạn dứt, nghiệp khổ xa lìa, tật bệnh tiêu tan, sự sống trỗi dậy giữa muôn ngàn hạnh phúc.

Nếu không làm được, không nhẫn nhịn thì việc phát tâm tình nguyện ở tuyến đầu cũng chỉ là hư danh

2h50 phút sáng tại phòng cấp cứu. Các bình oxy được thay liên tục, dịch truyền chảy từng giọt nhặt khoan, máy SPO2, huyết áp được đo sau mỗi giờ hoặc 30 phút, tiếng tút tút được phát ra từ máy Monitor vẫn đều đặn vang lên,…!

Ngoài kia, có lẽ mọi người đã an giấc lâu rồi, nhưng ở đây, mọi thứ vẫn được thực hiện như ban ngày, chăm bệnh nhân như chăm em bé, để mắt đến từng cử động nhỏ, từng biểu hiện trên gương mặt, cái nhíu mày, nhịp bụng phình lên xẹp xuống, tiếng ho cho đến nhịp thở của từng F0. Mọi biểu hiện của bệnh nhân đều được theo dõi sát sao để các bác sĩ có những biện pháp điều trị kịp thời, cố gắng không để ai bị bỏ lại phía sau.

sư cô Nhuận Bình 6

Ngoài kia, có lẽ mọi người đã an giấc lâu rồi, nhưng ở đây, mọi thứ vẫn được thực hiện như ban ngày

Mấy hôm nay trời nắng gắt, nhiều F0 sốt cao, ho nhiều, lại còn tiêu chảy ra giường bệnh, áo quần,…Tuy có chút vất vả, nhưng mỗi F0 đều thật đáng thương. Đến đây rồi ai cũng vì sự sống và cũng chẳng người nào muốn gây khổ cho nhau, nên thương được thì thương đến cùng, dù là máu, dịch nhờn hay phân, họ vẫn cần chúng ta quan tâm, chăm sóc, đối xử tử tế, dịu dàng nhất có thể.

Nếu không làm được, không nhẫn nhịn được những F0 vì khó ăn khó ở trong người do bệnh tật mà gắt gỏng, đòi hỏi thái quá với mình, thì việc phát tâm tình nguyện ở tuyến đầu cũng chỉ là hư danh.

Thương nhất là những cụ ông, cụ bà sức yếu, thế cô, cần được quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi nhiều nhất có thể. Bởi họ cũng chẳng khác gì ông bà, cha mẹ của chúng ta. Vì nếu người thân của mình cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, chắc mình đau lòng đến nhức nhối tâm can.

Đức Phật dạy chúng sanh trong ba cõi đều là người thân nhiều đời, cha mẹ nhiều kiếp, vì nhân duyên mà ngày nay gặp lại chẳng thể nhận ra nhau. Hiểu được như vậy nên thương nhau nhiều một chút, đối đãi tử tế, chân thành với nhau. Mai này dịch tan, cuộc sống trở lại huy hoàng mình vẫn an nhiên, bình thản đi giữa đại lộ cuộc đời, không đắn đo, day dứt.

Sài Gòn giữa đại dịch buồn đến não lòng, thương biết mấy giữa những lo toan, bộn bề vì lo cho sinh mạng, sự sống. Mong dịch COVID-19 kết thúc. Mong bình yên trở lại với muôn người.

Phát tâm kêu gọi mua trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân

Mô Phật thưa đại chúng! Nhuận Bình đang trực tiếp phụng sự tại phòng cấp cứu ở Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12, TP. Thủ Đức. Nhận thấy máy Monitor đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19.

sư cô Nhuận Bình 7

Sư cô Nhuận Bình phát tâm kêu gọi mua máy Monitor tặng bệnh viện và được nhiều mạnh thường quân chung sức, ủng hộ

Tại phòng cấp cứu của bệnh viện điều trị F0, các bác sĩ dùng máy này để theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, chỉ số SPO2, theo dõi điện tim… Vì lượng bệnh nhân ngày một đông nên máy Monitor đang rất thiếu tại bệnh viện.

Đáp lại lời kêu gọi của Nhuận Bình về việc mua máy tặng bệnh viện, hiện tại số tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ đã lên đến gần 95 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này Nhuận Bình sẽ dành hết vào việc mua máy Monitor. Vì mặt hàng này hiện tại khá khan hiếm nên khoảng thứ sáu phía Công ty phát hành sẽ giao máy về bệnh viện cho Nhuận Bình.

Từ đây đến thứ sáu, nếu còn sự phát tâm nào nữa Nhuận Bình sẽ dồn hết vào mua thêm máy để hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ điều trị cho hệnh nhân COVID-19 ở tuyến đầu. Vì không có nhiều thời gian để cập nhật chi tiết danh sách ủng hộ máy, rất mong quý mạnh thường quân hoan hỷ thấu cảm cho.

Cầu nguyện mọi người luôn mạnh khoẻ, bình an, là một trong những chiến sĩ ưu tú trong việc cùng TP. HCM chống dịch, mang đến cuộc sống yên bình cho mình và tha nhân.

Thương lắm, thương rất nhiều những trái tim quả cảm, những lặng thầm tặng hiến ở thế gian

Khi Tăng Ni không khoẻ giữa đại dịch!

Phụng sự ở bệnh viện này, nhưng công việc chính của Nhuận Bình là thường trực theo ca ở khoa cấp cứu. Bệnh viện dã chiến này có tất cả 6 toà nhà, hiện tại 3 toà nhà đã được trưng dụng và điều trị các F0, 3 toà nhà khác đang được lắp ráp thiết bị để thời gian tới đưa vào sử dụng.

Mỗi toà nhà bên này cao mấy chục tầng, lượng bệnh nhân đang điều trị rất đông nên Nhuận Bình cũng không nắm rõ có bao nhiêu vị Tăng, Ni đến đây điều trị.

Cũng xin được nói thêm về những Tăng, Ni chẳng may trở thành F0 trong đại dịch lần này: Phần lớn, quý Tôn túc tại các chùa thời gian qua vì lòng trắc ẩn, thương người dân đói khổ vì lệnh giãn cách lâu dài mà đến các khu phong tỏa, cách ly để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con mà bản thân mình bị nhiễm khi nào không biết.

sư cô Nhuận Bình 8

Sư cô Nhuận Bình gửi đồ cho 2 sư cô đang điều trị tại bệnh viện

Chùa có một người nhiễm rồi thì cứ thế lây lan, bởi chủng Delta diễn biến cấp số nhân và phức tạp khó lường. Mọi người có trách cứ những vị Tăng Ni mang trong mình nghĩa cử cao đẹp này không? Hãy thương họ thật nhiều nhé, bởi không phải ai cũng có thể làm được những việc ý nghĩa như vậy đâu!

Với Nhuận Bình, đây chính là những vị Tăng Ni ưu tú, đáng được trân trọng, tán thán, tuyên dương. Bởi ai cũng biết hiểm nguy, ai cũng sợ lây nhiễm, nhưng vì tình thương, sự đói khổ của người dân mà chẳng thể ngồi yên. Biết rằng có nguy cơ đánh đổi sinh mạng, nhưng làm sao ở yên khi dân chúng lầm than, đói khổ khôn cùng! Phật ở trên cao chắc Ngài cũng sẽ hoan hỷ bởi những đứa con của mình vì thương dân chúng mà chẳng màng đến sinh mạng.

Thương lắm, thương rất nhiều những trái tim quả cảm, những lặng thầm tặng hiến ở thế gian. Giữa cuộc chiến khốc liệt này, làm sao tránh khỏi những vết thương không rỉ máu?

Vì vậy, khi nhóm tình nguyện viên Phật giáo làm ở bộ phận hậu cần biết được bệnh viện có 3 sư cô đang điều trị, cả nhóm cùng thống nhất việc quan tâm, nâng đỡ, chia sẻ, động viên đến quý sư. Chỉ cần trong nhóm có một vị biết, chúng con sẽ thông báo cho nhau rồi tuỳ theo trong kho nhóm còn gì sẽ hỗ trợ, chăm sóc đời sống sinh hoạt đến quý sư thứ đó.

Nhuận Bình chưa từng gặp mặt quý sư, vì ở đây muốn gặp các F0 phải thay đồ bảo hộ, mà mọi người bên này phải tiết kiệm đồ vì cuộc chiến còn dài nên việc gặp nhau cũng không tiện. Nhưng nhóm hậu cần lo cơm nước cho bệnh nhân sẽ đại diện nhóm chăm sóc, thăm hỏi đến quý sư.

Thư Sài Gòn (số 16): Sư cô Nhuận Bình - chỉ cần có tình thương, chúng ta sẽ chiến thắng - Ảnh 10.

Sư cô Nhuận Bình cẩn thận gói quà để gửi 2 sư khác là F0 ở bệnh viện

Chúng con rất yêu thương, kính trọng quý Tăng Ni vì nghĩa cử cao đẹp trong việc cứu tế người dân giữa đại dịch mà bản thân nhiễm bệnh, rất trân trọng và khâm phục quý Ngài. Trong khả năng của mình, nhất định sẽ quan tâm hết lòng để hỗ trợ quý sư, bởi khi quý Ngài khoẻ mạnh, đồng nghĩa với việc dân chúng đói khổ ngoài kia cũng sẽ được cứu giúp hết lòng.

Tin rằng với tâm lượng này, Sài Gòn sẽ nhanh chóng khỏe lại. Tất cả đội ngũ tuyến đầu sẽ đồng lòng, quyết tâm để mang chiến thắng trở về ban tặng người dân. Hãy tin, chỉ cần có tình thương, chúng ta sẽ chiến thắng. Xin hãy cố lên.

Cố lên nè, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả chúng ta thôi

Hôm nay rất hoan hỷ luôn nè, tuy có mệt chút nhưng bù lại, khi đến tiêm thuốc cho bệnh nhân nào, hỏi cô chú có đau lắm không, mọi người đều bảo cô chích chẳng đau tí nào cả. Khi biết được Nhuận Bình là sư cô thì lại càng vui hơn, nắm tay tíu tít, dặn gì cũng nghe lời, khuyên gì làm nấy, ngoan hết sức luôn vậy á!

sư cô Nhuận Bình 9

Rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả chúng ta thôi

Bệnh rồi thì ai cũng trở thành trẻ con, nên dễ thương vô cùng, nhiều khi Nhuận Bình tiêm đau lắm nhưng chắc họ thấy sư cô nhiệt tình, vui vẻ, quan tâm rồi còn chọc ghẹo nữa nên mọi người nói không đau để an ủi đó mà.

Dù sao cũng thấy có động lực lắm! Bởi mọi người khoẻ là vui rồi. Mọi người không khoẻ, thật sự tuyến đầu cũng chạnh lòng mà mệt mỏi theo. Mong mọi người ráng ăn đủ chất, ráng ngủ đủ giấc, ráng uống nhiều nước, ráng tập thể dục, sống vui vẻ, lạc quan, mọi việc khác cứ để tuyến đầu lo liệu. Chỉ cần vậy thôi là vui lắm rồi á! Cố lên nè, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả chúng ta thôi ạ.


Nhuận Bình (H.Q tuyển chọn)
Ý kiến của bạn