Sài Gòn, một đêm không ngủ với bao suy nghĩ
Nghĩ về người bệnh và nghĩ về bản thân mình, nghĩ về công việc và nghĩ về cuộc đời. Nhìn những ánh đèn qua ô cửa từ các tầng nhà hắt xuống, nơi ấy yên lặng đến lạ. Nhưng không, ở trong mỗi ô cửa đó có tiếng máy thở ‘’tic …tic…tic…" đều đều dội lại và những bóng áo trắng vẫn rảo bước quanh từng giường bệnh. Tôi biết, nơi ấy đồng đội tôi vẫn đang miệt mài làm việc.
Tôi - người đàn ông tuổi đời không còn trẻ, chưa khi nào cầm bút viết về công việc của mình. Nhưng hôm nay trong tâm dịch, chứng kiến cảnh đồng đội hàng ngày vật lộn với COVID-19 để giành lấy sự sống cho người bệnh, tôi lại muốn viết để tri ân cùng các bạn.
Bệnh viện TW Huế - nơi tôi gắn bó hơn 30 năm công tác, hôm nay đồng đội của tôi lại tiếp tục lên đường chi viện cho thành phố mang tên Bác. Tôi chẳng nhớ đây là chuyến chi viện thứ bao nhiêu nữa. Ngay từ khi bắt đầu có dịch COVID-19, bệnh viện luôn là nơi đảm đương điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm COVID nặng. Hết Đà Nẵng, Phú Yên, Bắc Giang và giờ là thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều khi tôi tự hỏi "lấy đâu ra sức lực để đồng đội tôi luôn tình nguyện đến nơi tuyến đầu như vậy?". Và câu trả lời chỉ có thể là: Quyết định từ trái tim.
Chuyến công tác này, Bệnh viện tôi được giao thành lập Trung tâm hồi sức tích cực có quy mô 500 giường bệnh, đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID -19 nặng, nguy kịch. Người bệnh ở nơi đây hầu như đều nằm bất động với những dây dợ nhằng nhịt, không người thân bên cạnh, họ phó thác mạng sống của mình cho chúng tôi chăm sóc. Số người bệnh cứ mỗi ngày một tăng, đồng đội tôi luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải nhưng vẫn cố gắng để xoa dịu nỗi đau cho người bệnh.
Là bác sĩ, điều dưỡng nhưng không chỉ chăm sóc người bệnh, chúng tôi làm mọi công việc, từ lau dọn phòng chuẩn bị đón người bệnh, bưng bê, bốc vác, vận chuyển phương tiện, trang thiết bị, lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc người bệnh, cho ăn, lau người, thay quần áo, vệ sinh, thay ga… cho đến động viên tinh thần, chăm lo cho những đối tượng dễ tổn thương. Khối lượng công việc quá lớn làm chúng tôi gần như không có thời gian nghỉ.
Mỗi ngày của chúng tôi đều bắt đầu từ rất sớm, ăn vội bữa sáng rồi lên xe để tới bệnh viện. Sau khi mặc bảo hộ là bước vào phòng cách ly và cứ thế, chúng tôi làm việc không ngơi nghỉ. Phần cơm trưa luôn lạnh ngắt vì quá giờ ăn. Chúng tôi dường như quên giờ ăn, quên cả hôm nay là ngày thứ mấy… Vậy mà chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau, chia sẻ, hỗ trợ nhau mọi lúc để luôn kịp có mặt bên người bệnh khi họ cần.
Dù mệt mỏi, áp lực nhưng ai cũng thấy vui, cũng động viên nhau cùng cố gắng
Càng khó khăn càng cảm nhận được cái tình người mộc mạc, chân thành của đồng đội. Khó có thể nói hết những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt của đồng đội đang ngày đêm túc trực bên người bệnh với quyết tâm giành sự sống và niềm tin cho họ.
Có bạn điều dưỡng đã chia sẻ "đã nhiều chuyến công tác xa nhà nhưng lần công tác này thật đặc biệt. Chỉ sợ nhỡ "dương " một cái lại làm gánh nặng cho anh em". Tôi hiểu rằng, đồng đội tôi đang bước vào trận chiến thực sự. Chỉ cần sơ sểnh mỗi thao tác nhỏ là đã tăng thêm nguy cơ lây nhiễm rất nhiều.
Khi nghe tin có một số đoàn vào chi viện cho TP.Hồ Chí Minh lần này cũng đã có đồng nghiệp bị nhiễm, anh em ai cũng lo lắng. Nhưng rồi tình yêu thương người bệnh trong mỗi thành viên trong đoàn đã chiến thắng, họ lại tiếp tục dấn thân, tự tin vào công việc đang làm.
"…Em thèm cái lúc được ở bên con, ôm con và nghe con hát…" hay "...những lúc được gặp người thân qua điện thoại trong thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi như là động lực tiếp thêm sức mạnh cho em làm việc…" Nhìn anh em rưng rưng, nghẹn ngào khi chia sẻ, họ gói chặt nỗi nhớ nhà trong lòng để dồn hết tâm trí vào công việc mà tôi xúc động, cảm kích vô cùng. Chắc có những đêm họ không ngủ như tôi, họ đã khóc thầm vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ con…
Có lẽ không phải họ yếu đuối mà là họ có trái tim nhân hậu, trái tim biết khóc, biết yêu thương dành cho người bệnh, trái tim y đức. Họ âm thầm hy sinh niềm vui cá nhân vì người bệnh. Họ giấu mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít với cái tên viết vội bằng mực đỏ, xanh ở sau lưng. Ánh mắt họ rạng ngời khi người bệnh được hồi sinh. Họ buồn bã và dằn vặt mình khi người bệnh bỏ họ mà đi…"đến như chúng em là đàn ông mà còn rơi lệ khi người bệnh qua đời..."
Tôi thật hạnh phúc vì tìm thấy niềm vui khi được phục vụ người bệnh: Đó là công việc của trái tim.
TP. HCM ngày 11.8.2021
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cả nước 4.642 ca mắc mới, thành phố Hồ Chí Minh là 2.318 ca