Hà Nội

Thư Sài Gòn (số 11): Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa

07-08-2021 12:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi dịch bệnh qua đi sẽ như một vết khắc trong lịch sử phố Sài Gòn của thập niên thứ ba thế kỷ 21, để rồi phố vẫn nhịp sống nhộn nhịp, tốc độ và mạnh mẽ, vẫn là nơi đất đẹp cho tứ xứ tụ hội.

- Những phố xưa nhà cổ Sài Gòn liệu sau COVID-19 có còn hào nhoáng, hoa lệ, hào hoa như mấy trăm năm trước? Có còn vui bất tận thâu đêm, có còn hàng hàng quán quán ngợp mắt từ sáng đến khuya?

Em Hà Nội điện thoại có chút băn khoăn, giọng nói hơi hụt hẫng, tiêng tiếc như sắp rơi mất cái gì đó.

- Vẫn còn chứ em. Vẫn mãi là một Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh hoa lệ, hào hoa, rực rỡ.

Hình như các con phố vẫn đang âm thầm giấu nén trong góc khuất nào đó những hăm hở, những rộn ràng, đợi chờ một ngày bung ra những gặp gỡ, những hẹn hò, nối lại những đứt đoạn thời gian giống một chớp mắt trong lịch sử thành phố.

Sài Gòn, ngày thứ 69 thành phố giãn cách, ngày thứ 27 "phong thành", đêm thứ 13 "giới nghiêm"

Nghe em hỏi, trấn an em, miệng nói cứng, nhưng sao trong dạ nao nao, một thoáng man mác mềm chùng hết người, cho dù đã thao thiết buồn hơn hai tháng nay rồi mà vẫn chưa quen được cảm giác chống chếnh thiếu vắng âm thanh phố. 

Cảm giác mênh mang trống trải đơn côi khi những con phố nổi tiếng náo nhiệt với ánh sáng lộng lẫy hàng đêm, nhộn nhịp người xe ngày ngày, nay yên ắng trầm lặng lạnh lẽo, đêm ánh đèn mờ ảo vài hàng, ngày nắng tràn đầy mà thiếu sinh khí ấm áp.

Thư Sài Gòn (số 11): Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa - Ảnh 2.

Đại lộ Hàm Nghi sau một cơn mưa. Ảnh: Brian Wickham

Hôm nay đã là ngày thứ 69 thành phố giãn cách, ngày thứ 27 "phong thành", đêm thứ 13 "giới nghiêm". Và vẫn còn tiếp tục giới nghiêm, phong thành, giãn cách. Phố đã quen với việc không xe không người không tiếng ồn ào, chỉ còn tiếng gió thông thốc thổi khi một cây mưa sắp đổ xuống, cuốn những chiếc lá xoay tròn trong một điệu luân vũ hoang dại tự do trên đường phố, không có gì ngăn cản.

Em à! Sài Gòn còn nhiều lắm những con phố trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm, làm nên diện mạo, tính cách, hồn vía thành phố từ xưa đến nay. 

Nhưng chỉ cần nhắc tới ba đại lộ - boulevard đầu tiên ở khu vực trung tâm thành phố, ba đại lộ có tuổi ba thế kỷ, nằm trong quy hoạch "Sài Gòn 500.000 dân" (Saigon ville de 500.000 âmes) của viên trung tá công binh tên Coffyn, thời Pháp mới chiếm được Sài Gòn và Lục tỉnh Nam bộ, là đủ thấy sự hoa lệ: Đại lộ Lê Lợi- Đại lộ Nguyễn Huệ - Đại lộ Hàm Nghi, đều nằm ở Quận I. 

Ba đại lộ này tạo nên một vành chữ U ở tâm của trung tâm thành phố, mấy trăm năm nay tập trung bao rực rỡ, phồn hoa, để từ đây mà cả xứ Đông Dương lấy đó ví von chung cho Sài Gòn là "Hòn ngọc Viễn Đông".

Thư Sài Gòn (số 11): Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa - Ảnh 4.

Cửa hàng hoa trên đại lộ Nguyễn Huệ 1963. Ảnh: Marv Godner

Có bao nhiêu người từng ngắm nhìn và thưởng thức sự xa hoa lộng lẫy, choáng ngợp của Sài Gòn mà hiểu biết về những đại lộ hoa lệ bậc nhất thành phố này? Có ai đến Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh rong chơi mua sắm nhưng không hề biết những câu chuyện trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm các góc phố sang trọng bậc nhất mà họ vừa dừng chân? 

Không rêu phong cổ kính, thâm trầm hư ảo, huyền hoặc siêu thực như Hà Nội ngàn năm tuổi của em, phố xưa Sài Gòn mang phong cách châu Âu thế kỷ 18- 20 tinh xảo, tinh tế, thanh nhã, toát ra vẻ đẹp xa hoa quyền quý, quyến rũ một cách quý phái.

Đại lộ Lê Lợi, tên thời thuộc Pháp là Bonard. Khởi thủy là con kênh dài gần một km do người Pháp đào, một đầu đổ ra sông Sài Gòn, đầu còn lại nối với kênh Olivier đổ ra rạch Bến Nghé để tiêu thoát nước. Khoảng năm 1880, kênh bị lấp hoàn toàn để xây dựng thành đại lộ Bonard. 

Sau khi Nhà hát thành phố và Chợ Bến Thành được xây cất năm 1914, ga xe lửa Saigon - Mỹ Tho được dời từ đầu đường Hàm Nghi đến vị trí ở quảng trường Cuniac - quảng trường Quách Thị Trang.

Thư Sài Gòn (số 11): Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa - Ảnh 5.

Người đẹp áo dài Sài Gòn 1963. Ảnh: Marv Godner

Khi xe hơi bắt đầu phát triển vào khoảng thập niên 1920 thì đại lộ Bonard chiếm ưu thế về kinh tế so với những con đường khác như Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ). Từ năm 1955 đến nay, đường mang tên Lê Lợi và được mệnh danh là "Con đường thương mại" bởi tập trung nhiều cửa tiệm nhà hàng, khách sạn, nhà hát mang thương hiệu lớn như: Chợ Bến Thành, Sài Gòn Center, Takashimaya, Khách sạn Rex, Trung tâm Eden, Nhà hát Thành phố…

Đại lộ Nguyễn Huệ, tên thời thuộc Pháp là Charner. Trước đó là con kênh, dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835), năm 1885, bị lấp hoàn toàn để làm nên đại lộ Charner. Từ năm 1955 đến nay, mang tên đại lộ Nguyễn Huệ. 

Đây là một trong những con đường đẹp nhất của Sài Gòn, nằm trải dài từ trước trụ sở Tòa Đô chính - hiện là trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, Dinh Xã Tây- Dinh Đốc Lý thời thuộc Pháp, đến Bến Bạch Đằng, với nhiều tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán nhộn nhịp…

Trải qua gần 200 năm hình thành và phát triển, đại lộ Nguyễn Huệ đã biến đổi theo thời gian và cho đến ngày nay nó vẫn là con đường sầm uất bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ với danh xưng "Phố đi bộ", "Đường hoa", điểm đến danh giá trong hành trình khám phá thành phố Sài Gòn...

Thư Sài Gòn (số 11): Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa - Ảnh 6.

Người đàn ông bán bánh bi giòn trên phố 1963. Ảnh: Marv Godner

Đại lộ Hàm Nghi, vốn là con rạch tên Cầu Sấu, từ sông Sài Gòn đổ về giao lộ Hàm Nghi - Pasteur hiện nay. Năm 1867-1868, rạch được lấp tạo thành một trục đường rộng với tên gọi Canton. Năm 1885, đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho (tuyến đầu tiên của Sài Gòn) được mở chạy dọc theo đại lộ khiến con đường ngày càng phồn thịnh hơn.

Có lúc, đại lộ được chia thành hai đường riêng biệt, được đặt theo tên của Đô đốc Pháp - đường Krantz ở phía Bắc và đường Duperré về hướng Nam. Năm 1914, hai đường này nhập một đặt tên đại lộ Somme. Đến năm 1955, đường đổi thành đại lộ Hàm Nghi. Một đại lộ làm điểm xuất phát các xe tramway, đi trong thành phố Sài Gòn cũng như các tuyến xe lửa đi qua cảng và về nhà ga Sài Gòn.

Bệnh dịch đã làm tê liệt các con đường, phủ một không khí bàng bạc tĩnh lặng, buồn thê thiết lên các tòa cao ốc, các trung tâm thương mại, những lung linh của khu trung tâm ngày nào cũng linh đình náo nhiệt tiệc tùng hội hè bỗng dưng như không tồn tại, như trong một câu chuyện cổ tích xưa, tất cả đang bị hóa phép dừng lại, đóng băng. Đường phố buồn hiu hắt, buồn hơn cả những câu hát về thành phố trong chiều mưa giăng, trong đêm trăng muộn…

Sài Gòn mỗi lần trầm xuống là thêm một lần trở lại rực rỡ

Mà lạ lắm em ơi. Cảm giác mọi thứ đang trong lớp băng lạnh đông cứng, bao trùm nỗi buồn trong khoảng lặng, vắng vẻ tê dại thật đấy, thế nhưng hình như các con phố vẫn đang âm thầm giấu nén trong góc khuất nào đó những hăm hở, những rộn ràng, đợi chờ một ngày bung ra những gặp gỡ, những hẹn hò, nối lại những đứt đoạn thời gian giống một chớp mắt trong lịch sử thành phố.

Thư Sài Gòn (số 11): Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa - Ảnh 7.

Một góc đẹp của Sài Gòn chả cần nói hầu như ai cũng đọc được tên

Đã lại như thấy hình ảnh ở bến xe bus đại lộ Hàm Nghi, từng đôi cô dâu chú rể tạo dáng chụp hình cưới mang phong cách Sài Gòn xưa, dựng lại kỷ niệm thời sinh viên hai đứa vô tình va vào nhau khi đợi cùng chuyến xe bus đến trường đại học, hay cảnh dỗi hờn quay lưng trên băng ghế chờ mà mắt liếc môi cong đầy tình tứ…

Đã lại như thấp thoáng trong thinh không những thanh âm rộn rã náo nhiệt của phố lúc bình minh ngày mới và cảnh tượng nườm nượp nam thanh nữ tú ra ra vào vào, tay xách tay mang đùm đề những túi to túi nhỏ ở các trung tâm mua sắm trên đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ ngày cuối tuần.

Thư Sài Gòn (số 11): Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa - Ảnh 8.

Buổi sớm trên đường Huyền Trân Công Chúa

Đã lại như thấy mình đang ngắm vuốt son son phấn phấn trước gương, thay ra thay vào váy áo, để hối hả xuống phố đi bộ Nguyễn Huệ, nghe nhạc nước, đắm trong ánh đèn màu lấp lánh, hay sà vào một nhóm nhạc hiphop đường phố của các bạn trẻ giới GenZ lắc lư theo tiếng guitar thùng, tiếng trống cajon, rồi lại thong thả nhấm nháp từng hớp trà sữa ngọt mát trong lúc thong dong ngắm nhìn náo nhiệt tràn phố…

Hơn 300 năm nay, Sài Gòn trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cho dù có khi tưởng chừng tan hoang trong khói lửa chiến tranh binh đao, cho dù có lúc tưởng như thiếu thốn trăm bề thương khó buổi giao thời, vẫn vượt qua, để mỗi lần trầm xuống là thêm một lần trở lại rực rỡ thịnh vượng hơn gấp mấy lần.

Thư Sài Gòn (số 11): Vẫn mãi là một Sài Gòn hoa lệ, hào hoa - Ảnh 9.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Và lần này cũng thế, tin là thế. Khi dịch bệnh qua đi sẽ như một vết khắc trong lịch sử phố Sài Gòn của thập niên thứ ba thế kỷ 21, để rồi phố vẫn nhịp sống nhộn nhịp, tốc độ và mạnh mẽ, vẫn là nơi đất đẹp cho tứ xứ tụ hội mà khuếch trương phồn vinh hỉ lạc …

Vẫn mãi là một Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh hoa lệ, hào hoa.


Nhà văn Hoài Hương
Ý kiến của bạn