Trong ngày Tết Đoan Ngọ (còn gọi ngày giết sâu bọ), rượu nếp là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng. Hương vị cay nồng của rượu nếp được cho là có thể diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể. Làng Phú Thượng vốn nổi tiếng khắp Hà Nội về nghề nấu xôi và rượu nếp gia truyền. Cứ đến ngày này hàng năm, dân làng lại bận rộn nấu và ủ rượu nếp để cung cấp ra thị trường.
Bà Khuê - người có kinh nghiệm hơn 60 năm nấu rượu nếp - cho biết: "Dù không còn trực tiếp làm nghề nữa nhưng hàng năm tôi vẫn cùng các con nấu rượu nếp để phục vụ thị trường Tết Đoan Ngọ. Hôm nay, tôi nấu gần 2 tạ gạo nếp để mai mang đi bán. Dự kiến chắc sẽ phải làm đến đêm khuya mới xong".
Nguyên liệu để nấu rượu nếp rất cầu kỳ. Hạt gạo phải được chọn lựa kỹ, to và đẹp. Gạo phải ngâm qua 2 đêm mới đạt tiêu chuẩn.
Gạo sau khi đồ sẽ được rải mỏng ra từng mâm, để nguội rồi rây men.
Men để ủ rượu nếp cũng được lựa chọn cẩn thận. Trước khi ủ, men được xay nhuyễn và dùng rây để không bị vón cục.
Rổ ủ cơm rượu nếp được phủ một lớp lá sen trong cùng, một lớp nylon bên ngoài, giúp đảm bảo vệ sinh.
Sau khi nguội, từng mâm nếp sẽ được rây một lớp men lên mặt trước để ủ. "Công đoạn này phải làm hết sức cẩn thận và đều tay, nếu không đều thì cơm rượu nếp không chín được, men sẽ bị vón cục", bà Khuê nói.
Sau đó, người làm xúc từng lớp nếp vào một chiếc rổ bọc lá sen và rây tiếp men. Mỗi mẻ cơm rượu nếp được ủ trong 2 - 3 ngày mới cho ra thành phẩm, mỗi kg gạo sẽ cho ra 1,5 - 1,7 kg rượu nếp.
"Quy trình làm rượu nếp thì ai cũng biết, tuy nhiên để làm ra được một mẻ rượu nếp ngon thì đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, khéo tay. Nếu nấu không cẩn thận, rượu nếp sẽ bị sượng, nát và cay. Do đó dù đã nghỉ bán, nhưng hàng năm tôi vẫn phải tự tay trực tiếp ủ men, để cho ra những mẻ cơm rượu nếp ngon nhất, đảm bảo uy tín cho gia đình", bà Khuê chia sẻ.
Rượu nếp khi có mùi thơm, cơm mềm, ướt, có nước chảy xuống là đạt chất lượng. Hiện tại, giá mỗi kg rượu nếp khoảng 80.000 đồng. Đối với rượu nếp được đóng trong hộp, cốc sẽ có giá 25.000 đồng/hộp.
Những mẻ rượu nếp đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Đoan Ngọ.
Gia đình chị Tươi cũng đang tất bật để hoàn thành nốt những mẻ rượu nếp được bán trong ngày mai.
Chị Tươi nói: "Ở đây, thường ngày các hộ trong làng Phú Thượng chỉ nấu xôi thôi, nhưng đến dịp Tết Đoan Ngọ thì nhà nào cũng tất bật suốt đêm để nấu rượu nếp. Món này làm vất vả và hơn xôi nhiều, cứ phải làm ròng rã từ sáng sớm đến đêm muộn mới kịp để bán. Làm sớm quá hay làm muộn quá cũng không được vì còn tùy vào thời tiết, nóng quá thì phải làm muộn, mà mát trời thì mới có thể làm sớm".
"Tôi cũng phải huy động cả nhà để cùng làm thì mới kịp được. Tuy vất vả nhưng cũng có nguồn thu tương đối tốt nên ai cũng cố gắng trong những ngày này", chị Tươi nói.