Một ngày cuối tháng 12, chúng tôi ghé thăm làng trồng đào phai tại xóm Đồng Bản, xã Kim Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Không khí nơi đây rộn ràng khi các hộ dân tất bật tuốt lá, chuẩn bị những cành đào đẹp nhất để cung ứng cho thị trường Tết trong và ngoài tỉnh.
Đào phai đã được người dân xã Kim Thành trồng với mục đích kinh doanh từ nhiều năm nay. Đây là giống đào bản địa nổi bật với dáng thế đa dạng, cánh hoa dày, sắc hồng mịn màng, khiến khách hàng trong và ngoài tỉnh mê mẩn, thường tìm đến chiêm ngưỡng và chọn mua về trưng bày mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Xóm Đồng Bản được xem là 'thủ phủ' đào phai của xã Kim Thành với số hộ trồng đào lớn nhất. Hằng năm, cứ đến giữa tháng 11 âm lịch, người dân lại tất bật bước vào vụ tuốt lá để chuẩn bị cho mùa hoa rực rỡ đón Tết.
Ông Nguyễn Văn Sơn, một hộ dân ở xóm Đồng Bản, là người sở hữu số lượng gốc đào lớn nhất xã Kim Thành. Gia đình ông đã gắn bó với nghề trồng đào phai và đào bích suốt hàng chục năm. Hiện tại, vườn đào của gia đình có khoảng 3.000 cây, trong đó dự kiến năm nay sẽ xuất bán gần 300 cây. Để kịp tiến độ, cả gia đình ông Sơn đều được huy động tham gia tuốt lá đào.
Theo ông Sơn, với diện tích trồng đào lớn, gia đình ông tự ươm giống và chăm sóc cây từ khi còn nhỏ đến lúc xuất bán để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, vườn đào được trồng và bán theo kiểu cuốn chiếu: sau mỗi vụ Tết, những cây đào đã bán sẽ được thay thế bằng lứa cây mới để chuẩn bị cho các mùa sau.
"Để có những cành đào đẹp, người trồng phải chăm sóc cây một cách tỉ mỉ, đặc biệt là trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cây đào dễ bị ảnh hưởng bởi sương muối, rét đậm, vì vậy người dân phải theo dõi sát sao tình hình thời tiết để có các biện pháp phòng, chống rét kịp thời", ông Sơn nói.
Nghề trồng đào phai phụ thuộc khá lớn vào thời tiết, nên người trồng đào luôn phải canh thời gian phù hợp để tuốt lá. Nếu thời tiết lạnh, người trồng đào phải tuốt lá sớm hơn, còn thời tiết nắng sẽ tuốt lá đào muộn để tránh đào ra búp và nở sớm.
Cây đào phai từ khi ươm mầm đến lúc xuất bán thường mất khoảng 2-3 năm. Nghề trồng đào tuy không quá vất vả và chi phí đầu tư thấp hơn so với nhiều loại cây cảnh khác, nhưng đòi hỏi kinh nghiệm và sự nhạy bén. Người trồng có thể gặp rủi ro nếu thời tiết không thuận lợi, khiến đào nở quá sớm hoặc quá muộn dịp Tết, làm giảm đáng kể giá trị cây.
Cả tuần nay, ông Chu Văn Huấn, một hộ dân ở xóm Đồng Bản, huy động người thân đến vườn đào để tuốt lá. Gia đình ông sở hữu khoảng 800 gốc đào. Trước đây, khu vườn này được dùng để trồng keo thương phẩm, nhưng do thời gian trồng keo kéo dài 6-7 năm và lợi nhuận không cao, ông Huấn đã chuyển sang trồng đào, một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Huấn cho biết, cây đào từ 2-3 năm tuổi là có thể thu hoạch. Nếu đào đã đủ tuổi mà chưa bán hết, gia đình sẽ tiếp tục chăm sóc để bán vào các năm sau. Giá bán đào phai trên thị trường rất đa dạng, phụ thuộc vào dáng thế của cây và tỷ lệ hoa nở. Hằng năm, gần dịp Tết Nguyên đán, thương lái thường đến tận vườn thu mua, hoặc gia đình ông tự chở đào đến các khu dân cư để bán cho khách.
Ngoài bán cây và cành, gia đình ông Huấn còn cung cấp dịch vụ cho thuê đào nguyên cây. Từ ngày 24 tháng Chạp âm lịch, khách hàng sẽ đến chọn cây mang về chưng Tết, và sau Tết sẽ trả lại vườn. Giá cho thuê dao động tùy thuộc vào dáng thế của cây, trung bình từ 3 - 10 triệu đồng/cây. Hiện tại, vườn đào nhà ông Huấn đã có 30 gốc được khách đặt thuê.
Theo người dân, giá cây đào phai năm nay dự kiến dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/cây. Những cây đào có thế đẹp, nhiều hoa có thể được bán với giá trên 20 triệu đồng/cây. Đặc biệt, giá đào bán tại vườn thường thấp hơn vài chục ngàn đồng so với khi được chủ vườn vận chuyển đến các chợ để bán.
Ông Phan Tất Mậu, Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết, nghề trồng và kinh doanh đào Tết đã trở thành một nghề truyền thống của địa phương. Toàn xã hiện có trên 350 hộ đầu tư trồng đào, với tổng diện tích khoảng 26 ha. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây khác hoặc tận dụng đất vườn nhà để trồng đào, góp phần nâng cao thu nhập.
Trước đây, khi người dân chưa trồng cây đào, diện tích đất này chủ yếu được sử dụng để trồng keo. Tuy nhiên, sau khi một số hộ thử nghiệm trồng cây đào và nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, diện tích và quy mô trồng đào đã được mở rộng như ngày nay.
Theo quy hoạch trong thời gian tới, xã Kim Thành dự kiến chuyển đổi thêm 100 ha đất hoang hóa và đất kém chất lượng để trồng đào, nhằm phát triển nghề trồng đào thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, làng nghề cũng đang hướng tới xây dựng sản phẩm chế biến sâu từ cây đào, với mục tiêu đưa sản phẩm OCOP như rượu đào ra thị trường vào năm 2025.
Nhờ trồng đào mà Kim Thành từ một xã miền núi nghèo, nay đã thay da đổi thịt thành một xã giàu có.
Nhiều hộ dân tại xã Kim Thành có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ đào Tết, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhằm hỗ trợ bà con, xã Kim Thành đã cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đào, giúp tạo thế dáng đẹp, nâng cao giá trị kinh tế của cây đào.
Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu 'Đào Kim Thành' để trở thành một thương hiệu nổi tiếng, mang nét độc đáo riêng, góp phần khẳng định vị thế của làng nghề trên thị trường.