Hà Nội

Thu phí vào nội đô tạo ra bất bình đẳng, ảnh hưởng quyền đi lại

23-10-2022 09:00 | Thời sự

SKĐS - Nhiều người cho rằng, nếu đề án thu phí ô tô vào nội đô được triển khai sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa dân cư nội đô, ngoại đô và ngoại tỉnh.

Thu phí ô tô vào nội đô: ĐBQH đề xuất lấy ý kiến người dân qua một tổ chức độc lậpThu phí ô tô vào nội đô: ĐBQH đề xuất lấy ý kiến người dân qua một tổ chức độc lập

SKĐS - ĐBQH Lê Thanh Vân nêu quan điểm, cần đánh giá một cách hết sức tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân và cần lấy ý kiến người dân một cách rộng rãi qua một tổ chức độc lập theo Luật Trưng cầu ý dân.

Đề án thu phí ô tô vào nội đô vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều bởi câu chuyện đặt ra người dân sẽ đi lại như thế nào khi mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đến nay mới chỉ đáp ứng gần 17,5% nhu cầu. Việc áp dụng giải pháp thu phí trong bối cảnh này sẽ gây khó khăn cho người dân, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia nêu ý kiến: "Chúng ta phải làm đồng bộ nhiều thứ chứ không phải đơn thuần "chặn đường" thu phí ngay. Trong khung giờ cao điểm rất ít người đi chơi, chủ yếu là cán bộ, nhân viên công sở đi làm. Đây là những đối tượng lao động, bắt buộc phải đi làm theo nguyện vọng chính đáng. Với những người dân khó khăn, họ có chủ trương mua nhà sang các huyện ngoại thành, thậm chí tỉnh lân cận để sinh sống. Chính vì vậy, nếu để người dân "cõng" thêm khoản phí cao nếu muốn vào nội đô là bất hợp lý, gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội".

Thu phí vào nội đô tạo ra bất bình đẳng, ảnh hưởng quyền đi lại? - Ảnh 2.

Đề án thu phí vào nội đô của Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

"Việc thu phí vào nội đô sẽ đi ngược chủ trương giãn dân mà chúng ta đang thực hiện. Nếu thu phí thì dân sẽ quay lại mua nhà bên trong thành phố, tập trung đông đúc thì còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn", ông Tạo cho hay.

Ngoài ra, ông Tạo cũng nhắc đến việc các bệnh viện, trường học đều tập trung trong nội đô. Nếu thu phí thì những gia đình sinh sống ở ngoại thành nhưng nằm gần vành đai thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa con đi học, khám chữa bệnh và làm việc…

Một ví dụ điển hình là trường hợp của gia đình anh Lê Văn Minh khi được bố mẹ mua cho căn hộ ở Đại Từ, nằm trong Vành đai 3 nên không phải trả phí. Em trai anh Minh thì được mua nhà ở Ngọc Hồi, cách đó vài km.

"Nếu Đề án này được triển khai, mỗi lần vợ chồng em trai tôi đưa các cháu đến thăm ông bà và anh chị thì phải đi qua trạm thu phí trên đường Giải Phóng. Em trai tôi tính sẽ phải bán nhà để chuyển vào nội đô, chấp nhận cảnh ùn tắc giờ cao điểm để giảm các khoản phí đi lại", anh Minh nói.

Thu phí vào nội đô tạo ra bất bình đẳng, ảnh hưởng quyền đi lại? - Ảnh 3.

Hà Nội thường xuyên ùn tắc do lưu lượng quá tải trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Chị Lê Thị Vân, mới mua nhà ở Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (thuộc phạm vi phải trả phí ô tô vào nội đô) cũng cho biết: "Đáng lẽ TP. Hà Nội phải khuyến khích người dân sống giãn ra ngoại thành, để giảm mật độ dân cư nội thành. Phát triển metro, tàu điện ngầm cho người dân đi lại thuận tiện, bớt phải đi xe máy. Nay có đề án thu phí xe vào nội đô thì ai người ta còn dám mua nhà ở ngoại thành nữa?".

Bình luận về Đề án thu phí ô tô vào nội đô, chuyên gia Tạ Quang Thái (Founder của HomeID, giải pháp kết nối ban quản lý và người dân chung cư) nhận định: Đây là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ. Bởi lẽ, bản chất hiện tại mật độ phương tiện tham gia giao thông đang trở nên quá tải so với khả năng đáp ứng của hạ tầng. Do vậy, việc ùn tắc vào giờ cao điểm là không thể tránh khỏi, trong khi quyền sở hữu phương tiện, quyền đi lại của người dân là bình đẳng, không phân biệt vùng miền.

Thu phí vào nội đô tạo ra bất bình đẳng, ảnh hưởng quyền đi lại? - Ảnh 4.

Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.

Theo ông Thái, nếu thu phí xe ô tô vào đô thị sẽ tạo nên sự phân biệt giữa người sử dụng phương tiện bên ngoài và người sử dụng phương tiện bên trong nội đô. Khi đó, người dân hạn chế việc qua lại các điểm thu phí nhưng khi họ đã vào trong thì cũng ít ra ngoài hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quá tải phương tiện bên trong nội đô, tăng áp lực lên hệ thống giao thông tĩnh.

Với những người có việc phải đi vào nội đô, họ chấp nhận trả phí, như vậy cũng không giải quyết được nhiều khi những người đi ô tô, được cho là có tiền sẽ vẫn vào nội đô. Vô hình trung chỉ làm tăng thêm chi phí vận chuyển với người dân sử dụng phương tiện giao thông.

"Cá nhân tôi đánh giá việc xây dựng các trạm thu phí nếu thủ công sẽ gây ùn tắc, nếu tự động thì cũng gây lãng phí nguồn lực, của cải của xã hội. Trong khi chúng ta cần rất nhiều lực cho việc phát triển hạ tầng, đô thị và các kết cấu xã hội khác", ông Tạ Quang Thái nhấn mạnh.

Xem thêm video:

Hà Nội thiếu bãi đỗ xe, chưa thể thu phí ô tô vào nội đô

Sở GTVT Hà Nội nói gì về phản biện đề án thu phí vào nội đô?Sở GTVT Hà Nội nói gì về phản biện đề án thu phí vào nội đô?

SKĐS - Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án thu phí vào nội đô đang trong quá trình xây dựng và sẽ tiếp thu các nội dung phản biện xã hội.

Nhóm PV
Ý kiến của bạn