2 "đầu tàu" bàn kế hoạch thu phí
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa khởi động kế hoạch Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" vừa được xây dựng để trình UBND TP Hà Nội xem xét.
Nếu đề án được HĐND TP thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021 thì từ năm 2022-2023 sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí; xây dựng dự án đầu tư, phương án tài chính, chi phí quản lý và mức thu cụ thể cùng các chính sách miễn giảm… và dự kiến trong năm 2024 sẽ triển khai thu phí ô tô vào khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc và ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.
Đối tượng thu phí mà đề án hướng đến là xe ô tô cá nhân, xe ô tô chở người và miễn phí với xe công vụ, xe chở hàng hóa… nên không làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí sản xuất.
Đề án đưa ra khung mức thu phí từ 50.000-100.000 đồng, từ đó làm căn cứ xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí nên ở thời điểm hiện tại chưa tính mức phí cụ thể/lượt ô tô đi vào nội thành.
Sở GTVT TP. HCM cũng vừa có văn bản gửi UBND TP, đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố (quận 1, 3). Hệ thống thu phí sẽ được xây dựng bao quanh quận 1, quận 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng.
Mức phí đề xuất thấp nhất 40.000 đồng cho xe hơi và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm ô tô biển xanh. Xe bus và các loại xe ưu tiên như: xe cứu hỏa, xe cứu thương... sẽ được miễn phí. Xe taxi có đăng ký tại thành phố sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng/xe.
Về tính hiệu quả của đề án, các Sở GTVT kỳ vọng sẽ giảm 20% lượng xe ô tô cá nhân vào nội thành, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Khi số lượng phương tiện vào nội thành giảm thì khí thải và ô nhiễm môi trường cũng sẽ giảm. Đặc biệt, ngoài việc khi thu phí sẽ tác động đến người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân thì điều này còn thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng.
Còn nhiều băn khoăn
Đề án thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội cũng như TP.HCM đang rất được người dân cùng các chuyên gia quan tâm, có nhiều quan điểm chưa thống nhất.
Anh Đinh Văn Tuấn (lái xe taxi tại Hà Nội) cho hay anh thường xuyên chạy xe từ ra vào thành phố hàng ngày, nếu áp dụng thu phí sẽ làm tăng thêm gánh nặng kinh tế, và chắc chắn anh phải tính vào giá của hành khách.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, để thu phí phương tiện, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường khu vực nội đô, tiền đề quan trọng nhất là vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. "Nếu phương tiện công cộng không đáp ứng đi lại thuận tiện, vậy khi thu phí với ô tô và cấm xe máy vào nội đô thì người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì", ông Quyền bày tỏ.
Trong phương án thu phí, mức mà tư vấn đề xuất Sở GTVT ngày thường (ngày làm việc trong tuần) đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt. Đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại, mức thu đề xuất từ 15.000 đồng - 40.000 đồng/lượt… Về vấn đề này, ông Quyền cho rằng, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ nên thu phí phương tiện theo lượt hay theo giờ. Bởi rõ ràng, người chỉ đi vào rồi ra nên có mức thu thấp hơn người đi ô tô vào nội đô cả ngày, không thể cào bằng mức thu.
PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách Khoa TP.HCM) cho biết, kinh nghiệm ở các nước như Singapore, Anh và một số nước khác đều đã áp dụng giải pháp thu phí xe cá nhân vào trung tâm thành phố và tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên, họ có hệ thống giao thông công cộng rất tốt, chiếm thị phần trên 40% nhu cầu đi lại, trong đó có tàu điện, metro, xe buýt.
Ngoài ra, mức phí thu tương đối phù hợp với thu nhập của người dân. Các nước này đều không có xe gắn máy và đa số sử dụng ô tô, xe công cộng nên dễ dàng chuyển đổi phương thức đi lại.
Còn ở Hà Nội và TP.HCM có mật độ dân số cao, đa số sử dụng xe gắn máy và thị phần xe công cộng (xe buýt) chỉ chiếm dưới 10%, không có tàu điện, metro là những phương tiện vận chuyển nhanh và khối lượng lớn nên người dân không có phương thức chọn lựa nào khác ngoài đi xe cá nhân.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thu phí này có thể gây khó khăn hơn cho hoạt động kinh doanh của cá nhân và cả các doanh nghiệp. Ngoài ra, thu phí cũng khó đạt được mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân vào khu trung tâm thành phố, bởi đa phần mọi người vào khu vực trung tâm khi có việc cần thiết, bắt buộc phải đi; muốn hạn chế, thay vì thu phí có thể có những quy hoạch giao thông lại phù hợp hơn, vừa không tạo gánh nặng kinh tế cho người dân, doanh nghiệp; vừa đạt được mục tiêu các thành phố đề ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lưu ý dùng thuốc khi bị sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19