Không đồng ý thu phí trên những cung đường đầu tư bằng ngân sách, nhiều chuyên gia còn cho rằng, thu thêm phí để bảo dưỡng là không có cơ sở.
Trước đề xuất của Hà Nội sẽ thực hiện thu phí trên Đại lộ Thăng Long, ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp lên tiếng: " Hà Nội phải nghiên cứu, xem xét kỹ phương án thu phí trên Đại lộ Thăng Long vì nhà nước đã thu phí bảo trì qua đầu phương tiện rồi".
Ông Thảo cho biết, đối với nước ngoài, các phương tiện tham gia giao thông khi đi vào đường cao tốc sẽ phải đóng thêm một khoản phí (để được hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn). Tại Việt Nam cũng đang duy trì thu phí tại các trạm BOT để hoàn vốn cho chủ đầu tư, việc thu phí với những công trình đặc biệt, có đầu tư vốn nhiều cũng có thể được xem xét.
Tuy nhiên, Đại lộ Thăng Long là con đường trọng điểm nhưng lại được đầu tư bằng tiền ngân sách. Nghĩa là người dân đóng thuế để làm đường, đóng phí đường bộ qua đầu phương tiện và giờ lại bị thu thêm phí nếu muốn được đi qua. Như vậy, người dân phải đóng 3 lần thuế phí.
Ông Thảo cho rằng, “Những cung đường đã được đầu tư bằng tiền ngân sách, lại thu phí đường bộ qua đầu phương tiện rồi thì không được thu thêm phí nữa”.
Trong khi thực tế chất lượng đường lại không tốt, mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp. “Tôi không hiểu mục đích Hà Nội muốn thu phí là gì, có thể họ muốn thu phí để bảo dưỡng, duy tu để chất lượng tốt hơn”?, ông Thảo đặt câu hỏi.
Ngành giao thông luôn kêu thiếu kinh phí để bảo trì và đổ lỗi cho chất lượng công trình giao thông là do thiếu vốn. Thế nhưng, trong năm 2013, ngành giao thông vẫn trích 20 tỉ đồng từ Quỹ Bảo trì để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động làm việc tại trạm thu phí Cần Thơ.
“Kêu thiếu tiền bảo trì, nâng cấp đường bộ nhưng lại trích quỹ bảo trì để trả tiền thất nghiệp cho nhân viên là điều không thể chấp nhận được”, ông Thảo cho hay.
Theo ông Thảo, việc thu phí đầu tiên phải được xem xét một cách công khai, minh bạch, không được phép áp dụng tràn lan.
“Tôi chỉ lấy ví dụ, một cung đường được đầu tư tới 7.527 tỷ đồng, phải đảm bảo chất lượng trong 10 năm, năm thứ 11 trở đi mới cần đầu tư để bảo trì.
Thế nhưng, do bớt xén, rút ruột công trình nên con đường này mới đi 3 năm đã hỏng. Như vậy, việc bảo trì, sửa chữa phải thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Tiền bị chia chác hết, thì rõ ràng nguồn kinh phí để bảo trì bị thiếu hụt. Thiếu tiền lại quay sang thu tiền dân để đập lại khoản thiếu hụt mà lẽ ra chưa đến tuổi hư hỏng, phải bảo trì là điều không thể chấp nhận được”, ông bức xúc.
Có đúng luật không?
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, ĐBQH Hà Nội cũng đặt câu hỏi: "Hà Nội muốn thu phí trên Đại lộ Thăng Long phải xem xét hai yếu tố: Một là có đúng pháp luật không?; hai là có phù hợp hay không"?
Ông Thi phân tíhh, đối với một công trình đầu tư đặc biệt thì cũng có thể đặt ra việc thu thêm phí, tuy nhiên cung đường này nằm trong công trình giao thông chung, được đầu tư hoàn toàn bằng tiền ngân sách của nhà nước, và Bộ GTVT đã quyết định thu phí đường bộ theo đầu phương tiện rồi, nếu tiếp tục thu phí liệu có đúng luật không?
Như vậy chẳng phải là thu hai lần phí (phí chồng phí) hay sao?
Nhất là khi Bộ Tài chính cũng đã có thông tư không cho thu phí trên những cung đường được đầu tư bằng ngân sách, tôi cũng cho rằng không được thu thêm nữa.
"Theo tôi biết, Bộ GTVT đã xóa bỏ hàng chục trạm thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách để chuyển đổi sang hình thức thu phí bảo trì đường bộ theo đầu xe. Giờ lại muốn lập thêm trạm thu phí ở đại lộ Thăng Long là không đúng”, ông Thi nói.
Lý lẽ Hà Nội cho rằng, thu phí để bảo trì, sửa chữa ông Thi cho rằng cũng không có cơ sở vì phí bảo trì đã được thu theo đầu phương tiện rồi. Cơ quan quản lý cũng phải xem xét lại, vì hiện tại đã có quá nhiều loại thuế phí được tính trên một đầu xe rồi.
Người dân còn nghèo
ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An lại cho rằng, việc thu phí trên những cung đường có đầu tư vốn cao cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi thu phí vấn đề đầu tiên là chất lượng đường phải tương xứng. Thứ hai, thu phí phải minh bạch (bao nhiêu phần trăm được nộp cho nhà nước, bao nhiêu phần trăm đầu tư cho sửa chữa, duy tu…) phải rõ ràng. Thứ ba là phải căn cứ vào điều kiện sống của người dân, của từng nước. Vì GDP của từng nước khác nhau nên không thể căn cứ dựa trên nguyên tắc của các nước mà phải dựa vào nhu cầu sống thực tế của người dân.
Nhất là trong thời điểm hiện tại, Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, đời sống còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong khi đó, những người lưu thông trên đường đại đa số đều là những người dân lao động nên nhất thiết phải xem xét dựa trên 3 nguyên tắc đó Hà Nội mới được thu và thu ở mức nào?
Việc xây dựng Đại lộ Thăng Long, đầu tiên phải nói dù tiền nào cũng là tiền của dân, dù là tiền ngân sách, ODA cũng đều là tiền của dân.
Bà An cho biết, khi đầu tư xây dựng đường xá phát triển giao thông thì ai cũng hoàn toàn ủng hộ. Có thể thu phí thêm trên cả cầu, phà và đường nhưng phải xác định mục tiêu rõ ràng. Đầu tư thế nào, thu thế nào, chi thế nào, thiếu là thiếu ở đâu,.. nếu hợp lý dân sẽ ủng hộ ngay.
Tuy nhiên, bà An đặc biệt nhấn mạnh, bất cứ hình thức thu phí nào cũng phải được xem xét dựa trên ba yếu tố: Có hợp lý không; có đúng thời điểm không và chi phí đã minh bạch chưa?.
Và bà An đặt niềm tin, chắc chắn Bộ GTVT sẽ làm được điều đó.