Thư pháp không còn lặng lẽ

21-02-2016 07:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Thư pháp là một trong những thú chơi nho nhã phong lưu nhất mà tạo hóa ban tặng cho con người. Nói đến nghệ thuật thư pháp, người ta nghĩ đến thần thái của “người cho chữ” được thể hiện qua phong thái ung dung tự tại...

Thư pháp là một trong những thú chơi nho nhã phong lưu nhất mà tạo hóa ban tặng cho con người. Nói đến nghệ thuật thư pháp, người ta nghĩ đến thần thái của “người cho chữ” được thể hiện qua phong thái ung dung tự tại, tâm thế vững vàng và nét bút tài hoa phóng khoáng, tiếp đó là tác phẩm, con chữ có hình dáng ra sao, được thể hiện trên nền chất liệu gì... Tất cả những yếu tố đó tạo nên cái gọi là nghệ thuật thư pháp. Qua thời gian, môn nghệ thuật này đã có nhiều biến đổi và sáng tạo để không ngừng phát triển. Những năm gần đây, thư pháp không còn là thú chơi lặng lẽ mà đã thực sự hòa mình cùng lễ hội, được giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Chất liệu sáng tạoNhắc đến thư pháp trên đá, người yêu nghệ thuật sẽ nghĩ ngay đến một người nghệ sĩ đặc biệt. Đại đức Thích Giác Thiện có duyên với Phật pháp từ nhỏ khi lần lượt tu tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định, sau đó theo học tại Đại học Phật giáo Vạn Hạnh (TP. Hồ Chí Minh). Thấy mình có năng khiếu viết thư pháp, thầy đã cố gắng rèn luyện, đồng thời tự mày mò sáng tạo thêm. Năm 2002, trong một lần sang Ấn Độ để thọ giới chính thức tại Bồ Đề Đạo Tràng, thấy nơi đây có những dòng kinh Phật được khắc lên đá rất lạ, thầy Giác Thiện đã nảy ra ý nghĩ sẽ viết kinh Phật bằng thư pháp tiếng Việt lên đá để truyền tải lời Phật răn dạy. Năm 2005, Đại đức Thích Giác Thiện thực hiện những tác phẩm thư pháp Việt trên đá đầu tiên trên những cột đá trong chùa Diêu Phong (Tuy Phước) khi trở về quê nhà làm trụ trì tại ngôi chùa này. Nội dung các bức thư pháp trên đá của thầy Thích Giác Thiện thường là những lời giáo huấn của Đức Phật, hoặc những lời hay ý đẹp của các bậc danh nhân, học giả... Qua bàn tay sáng tạo của thầy Giác Thiện, những viên đá thô cứng trở nên có thần, chúng không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn hàm chứa những nội dung tốt đẹp có tác dụng răn dạy, giáo dục con người. Đại đức Thích Giác Thiện chia sẻ, thể hiện thư pháp trên đá đòi hỏi người làm phải có một quá trình rèn luyện công phu, kiên nhẫn. Từ công đoạn chọn viên đá phù hợp với từng nội dung muốn viết, dùng máy khoan khắc chữ thư pháp lên thân đá rồi tô mực làm nổi bật con chữ là cả một quá trình rất tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo. Tùy số lượng chữ, nội dung chữ mà người làm có cách chọn viên đá sao cho phù hợp và mang tính mỹ thuật cao.Có thể nói, thư pháp không đơn thuần thể hiện trên giấy dó, mà còn được thể hiện trên gỗ, trên đá, trên lá, trên vải vóc, trên nong, nia, giần sàng... Nhà thư pháp Hồ Công Khanh cũng khá nổi tiếng trong những năm qua với hình thức thư pháp viết trên đá. Kể từ đó, thư pháp có thêm chất liệu mới, được giới chuyên môn đánh giá là hết sức "vi diệu".Chưa dừng lại ở chất liệu đá, nhà thư pháp Nguyễn Khánh Quý còn ghi dấu ấn trong làng thư pháp Việt bằng sự sáng tạo trên chất liệu gỗ và giấy cách điệu. Chữ “Mẹ” viết trên gỗ của Quý đã thuyết phục người xem khi được thể hiện một cách hình tượng thành hình ảnh người mẹ ôm đứa con, dấu nặng là giọt sữa. Hay chữ “Gia đình” được Quý viết trên giấy điệp với nét bút sắc sảo, điêu luyện kèm câu thơ: “Người ta có nhiều nơi để đến/ Nhưng chỉ có một chốn để quay về”. Họa tiết trang trí là khung cảnh một góc xóm ven sông được phối bằng gam màu nâu tạo nên sự ấm cúng, gợi xúc cảm cho người thưởng thức.

Không chỉ lan tỏa trong nước, các nghệ sĩ Việt còn không ngừng nỗ lực đưa nghệ thuật thư pháp ra nước ngoài, để lại nhiều dấu ấn đối với công chúng.

Truyền cảm hứngVới trường hợp của nhà thư pháp trẻ Nguyễn Khánh Quý, thư pháp là tình yêu, giúp Quý được thỏa đam mê bay bổng cùng con chữ. Vì thế, Quý tỏ ra rất vui khi lễ hội nào cũng đông khách đến xin chữ, Quý cho biết: “Dù khá mệt nhưng em lại thấy hạnh phúc được truyền tải những gì mình luyện tập tặng cho mọi người. Điều đó chứng tỏ nhiều người quan tâm và yêu thích thư pháp. Hơn nữa, đó như là sự sẻ chia, đồng cảm của mọi người với tình yêu, niềm đam mê của em”.Việc nở rộ các câu lạc bộ và lớp thư pháp hiện nay đã làm cho các nhà thư pháp Việt Nam nắm được các nguyên tắc của năm thể chữ triện, lệ, chân, hành, thảo, cùng phương pháp dùng bút lông. Chưa kể đến những lớp học thư pháp miễn phí cũng đang góp phần bảo tồn và lan tỏa môn nghệ thuật này đến giới trẻ. Học viên tham gia những lớp học này không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn... chỉ cần có niềm đam mê nghệ thuật thư pháp. Cứ vào thứ 7 hàng tuần, không gian thanh tịnh và thoáng đãng của ngôi chùa làng Nhân Mỹ lại đông vui hẳn lên. Có nhiều người đến chùa không chỉ học chữ mà còn muốn tìm cho mình một khoảng lặng bình yên nơi cửa thiền. Hơn nữa, ở lớp học, trong giờ thực hành, mọi người có thể vừa viết chữ vừa uống trà nên không khí của lớp học càng trở nên thấm đượm tình đạo vị...Không chỉ lan tỏa trong nước, các nghệ sĩ Việt còn không ngừng nỗ lực đưa nghệ thuật thư pháp ra nước ngoài, để lại nhiều dấu ấn đối với công chúng, cũng như được giới chuyên môn quốc tế ghi nhận. Trên thế giới, Việt Nam là nước đầu tiên trong hệ thống các nước dùng chữ Latinh đưa chữ viết vào nghệ thuật thư pháp, góp phần nâng chữ Việt lên tầm cao mới. Các nhà nghiên cứu văn hóa phương Tây từng xếp hạng: chữ (thư pháp), hội họa, sành (sứ), cây kiểng, văn hóa ẩm thực (trong đó có nghệ thuật uống trà) là những nét độc đáo của văn hóa phương Đông. Gần đây thư pháp Việt xuất hiện nhiều tác phẩm độc đáo, gây được tiếng vang lớn, đánh dấu được tiếng nói mạnh mẽ của thư pháp Việt. Có thể kể đến cuốn thư pháp kỷ lục Truyện Kiều dài 300m, cuốn thư pháp gỗ về Tuyên ngôn Độc lập nặng 400kg của “ông đồ thời @” Trịnh Tuấn; cuốn thư pháp thơ Lục Vân Tiên dài 120m của Vĩnh Thọ hay như sáng tạo Nguyễn Văn Tân - sinh viên Đại học Nghệ thuật Huế với hơn 3.000 câu thơ lục bát của truyện Kiều được thể hiện hết sức độc đáo trên hơn 1.600 viên đá cuội trắng bằng thư pháp... Đây là những tác phẩm thư pháp điển hình bứt phá đầy sáng tạo, tạo sức bật mới cho thư pháp Việt trên thị trường châu Á đầy cạnh tranh. 


Vũ Quang
Ý kiến của bạn