Lặng lẽ cùng thư pháp
Trong cuộc sống náo nhiệt của thị thành, cuộc sống công nghiệp hiện đại len lỏi vào từng căn nhà, góc phố, nhưng mọi người vẫn không quên những bức thư pháp trang hoàng trong ngày Tết.
Nghệ thuật thư pháp không kiếm được nhiều tiền, nhưng ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm, kế tục vì nét đẹp văn hóa còn quý hơn cả tiền bac. Nghệ thuật Thư pháp – “Hồn dân tộc” vẫn âm thầm chảy trong cuộc sống đời thường.
Hình ảnh ông đồ xưa với áo the, khăn xếp, nghiên mực. Thời nay ông đồ dù không áo the, khăn xếp và mực tàu pha sẵn bởi thời công nghiệp nhưng từ dáng ngồi cong cong trên chiếu cói, dáng điệu đưa tay thảo những nét chữ “phượng múa rồng bay” vẫn luôn khơi mạch nguồn văn hóa dân tộc trong từng nét thư pháp.
Thư pháp, sự ngẫu hứng thả hồn vào từng nét chữ như cốt cách của người quân tử. Lạ thay, trong thời khắc giao hòa của đất trời, chất “phiêu” trên nét chữ thư pháp làm cho con người ta thêm hiền hòa, thanh thản. Sợi dây văn hóa không dễ mất đi trong thời buổi kinh tế thị trường, chẳng phải, phố ông đồ giữa lòng Hà Nội đang nối sợi dây văn hóa giữa những thế hệ lại gần nhau đó sao ?!
Được biết trong dịp tết Nguyên Đán 2014, để đảm bảo mỹ quan quanh khu vực Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng CLB UNESCO Việt Nam trực tiếp tổ chức “Phố ông đồ” tại hồ Văn thuộc Văn miếu Quốc Tử Giám từ ngày 15/1 đến 15/2/2014. Riêng đêm 30 Tết kéo dài đến 2h sáng, ngày mùng 1, mùng 2 Tết kéo dài đến 22h để phục vụ nhân dân đi vui xuân.
Tuấn Anh