Đột quỵ xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm, thường là do cục máu đông hoặc vỡ mạch máu.
Do phần lớn các cơn đột quỵ có liên quan đến sự tích tụ mảng mỡ (mảng xơ vữa) trong các động mạch cung cấp máu cho não, nên những thực phẩm góp phần gây ra tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ của bạn.
Thịt chế biến có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Do đó, nếu bạn có nguy cơ đột quỵ cần tránh một số loại thực phẩm sau:
- Thịt chế biến sẵn.
- Bơ (butter).
- Bánh quy.
- Đồ chiên rán.
Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là thủ phạm chính có mặt trong các loại thực phẩm như thịt chế biến sẵn (chẳng hạn như xúc xích), bơ, bánh quy và thực phẩm chiên, rán… làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Ăn nhiều trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, huyết áp tăng cao cũng gây ra sự hình thành các mảng xơ vữa và do đó, lượng muối ăn vào cao ( trong khoai tây chiên, thịt xông khói...) sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Lượng đường cao (ví dụ đồ uống có ga) là một yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ, một phần là do nó có liên quan đến tăng cân và bệnh đái tháo đường type 2, gây tổn thương và viêm động mạch.
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số thực phẩm có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ như trái cây và rau quả. Bạn nên đặt mục tiêu ăn ít nhất 5 phần (lý tưởng từ 7-9 phần) trái cây và rau củ mỗi ngày.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức tiêu thụ trái cây, rau quả cao dẫn đến giảm tỷ lệ đột quỵ và ngược lại. Các loại thực phẩm này được cho là có tác dụng hạ huyết áp và chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ động mạch.
Trái cây và rau củ cũng chứa chất xơ, có thể giúp ngăn ngừa mức chất béo cao, bằng cách liên kết với cholesterol trong ruột. Lượng chất xơ được khuyến nghị là 30 gam mỗi ngày và chất này cũng có thể được tìm thấy trong yến mạch, gạo lứt và bánh mì nguyên hạt.
Một số chất béo tốt có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách giảm mức cholesterol. Nên tiêu thụ chất béo không bão hòa đơn và đa… có thể tìm thấy trong các loại hạt, quả hạch cũng như cá có dầu, trong đó nên ăn hai phần một tuần.
Các triệu chứng đột quỵ có thể được ghi nhớ bằng từ viết tắt FAST.
F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
A (ARM): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video về dấu hiệu nhận biết đột quỵ:
Quy Tắc BE FAST: Dấu Hiệu Nhận Biết Sớm Về Đột Quỵ | SKĐS