“Thủ phạm giấu mặt” làm suy yếu hệ miễn dịch

21-09-2016 23:27 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các hoạt động chúng ta thực hiện hàng ngày có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch kém có thể khiến bạn mắc phải nhiều bệnh.



Chức năng chính của hệ miễn dịch là bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Củng cố và tăng cường hệ miễn dịch là bước sống còn để có sức đề kháng chống lại bệnh tật cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh, cúm và ung thư. Chúng ta cần thực hiện lối sống tăng cường sức khỏe, kiểm soát stress, tập luyện, có chế độ ăn thích hợp và sử dụng các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và thảo dược hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch. Và nhớ là phải tránh những yếu tố sau đây vì chúng có thể là “thủ phạm giấu mặt” làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn.

Stress

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, bị stress nặng thời gian dài có thể ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Stress khiến cho não tăng cường sản sinh hormon cortisol làm suy yếu chức năng của các tế bào T chống nhiễm trùng.

Mọi người nên thực hiện những hoạt động giải tỏa strees để giúp cho hệ miễn dịch.

Ngủ kém

Đây là yếu tố có liên quan mạnh mẽ tới chức năng hệ miễn dịch kém và làm giảm số tế bào diệt có tác dụng chống vi khuẩn. Nghiên cứu của ĐH Chicago chỉ ra rằng phụ nữ ngủ 4 tiếng mỗi đêm trong 1 tuần chỉ tạo ra một nửa số kháng thể chống cúm trong máu so với những người ngủ 7-8 tiếng.

Chế độ ăn kém

Tiêu thụ quá nhiều đường tinh chế và thực phẩm chế biến chứa nhiều thuốc trừ sâu, chất phụ gia, chất bảo quản có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Theo một nghiên cứu trên Journal of Clinical Nutrition, Mỹ, khả năng tiêu diệt tế bào bạch cầu bị giảm đi sau khi ăn 100mg đường.

Rượu

Uống nhiều rượu có thể làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch với các mầm bệnh xâm nhập. Chất chuyển hóa chính của rượu, acetaldehyde có khả năng làm suy yếu chức năng nhung mao trong phổi khiến nó dễ bị vi khuẩn và vi rút xâm nhập tấn công.

Béo phì

Béo phì có thể khiến hệ miễn dịch bị suy yếu vì nó ảnh hưởng tới khả năng tế bào bạch cầu nhân lên, sản sinh kháng thể và phòng ngừa viêm.


BS Nhật Nguyệt
Ý kiến của bạn