1. Ung thư dạ dày ngày càng tăng do chế độ ăn uống không khoa học
Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư phổ biến trên thế giới. Đây là bệnh lý xuất phát từ các tế bào dạ dày phân chia và tăng sinh bất thường một cách không kiểm soát tạo thành khối u, sau đó xâm lấn các mô xung quanh và di căn gây đau đớn, đe dọa tính mạng cho người bệnh.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày như: tiền sử gia đình, hút thuốc lá, mắc các bệnh đường tiêu hóa… Tuy nhiên, số người mắc ung thư dạ dày ngày càng tăng và ngày càng trẻ hóa bởi lối sống thiếu lành mạnh, ăn uống thiếu khoa học.
Theo ThS.BS Nguyễn Huy Du, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định quá rõ ràng ngoại trừ việc nhiễm vi khuẩn HP. Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày như tiền sử gia đình có người mắc, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 10 lần so với bình thường.
Những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt không khoa học là một trong những nguyên nhân khiến ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa. Chế độ ăn uống và sinh hoạt làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày bao gồm: Ăn ít chất xơ, lười vận động; Hút thuốc kể cả hút thụ động; Ăn nhiều đồ muối, đồ ủ chua, đồ hun khói, đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ xuất hiện những tổn thương ung thư đường tiêu hóa…
2. Ăn nhiều muối gây ung thư dạ dày như thế nào?
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Ung thư dạ dày đã kiểm tra dữ liệu từ hơn 470.000 cá nhân để xem tần suất thêm muối vào thực phẩm có liên quan như thế nào đến các trường hợp ung thư dạ dày.
Các tác giả phát hiện ra rằng, những người tham gia luôn thêm muối vào thức ăn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người tham gia hiếm khi hoặc không bao giờ thêm muối vào thức ăn tại bàn ăn.
Nghiên cứu triển vọng này đã sử dụng dữ liệu từ Biobank của Vương quốc Anh, bao gồm 471.144 người tham gia phân tích. Họ loại trừ những người tham gia thiếu dữ liệu về việc thêm muối vào thực phẩm, chỉ số khối cơ thể (BMI) hoặc nồng độ natri hoặc kali trong nước tiểu. Họ cũng loại trừ những người tham gia bị ung thư lúc ban đầu và những người tham gia mắc bệnh thận.
Những người tham gia điền vào bảng câu hỏi cơ bản để cho biết tần suất họ thêm muối vào thực phẩm, ngoại trừ lượng muối sử dụng khi nấu ăn. Người tham gia có thể trả lời không bao giờ/hiếm khi, đôi khi, thường xuyên hoặc luôn luôn.
Các nhà nghiên cứu còn đo thêm nồng độ natri, creatinine và kali trong nước tiểu của người tham gia. Họ cũng có thể ước tính lượng natri bài tiết qua nước tiểu trong 24 giờ. Thời gian theo dõi trung bình với những người tham gia là 10,9 năm.
Trong thời gian theo dõi, 640 trường hợp ung thư dạ dày trong số những người tham gia đã được ghi nhận. Nhìn chung, những người tham gia cho biết luôn thêm muối vào thức ăn trên bàn ăn có nhiều khả năng là người đã hoặc đang hút thuốc, uống nhiều rượu và có trình độ học vấn thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia luôn thêm muối tại bàn ăn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 41% so với những người tham gia không bao giờ hoặc hiếm khi thêm muối vào thức ăn tại bàn ăn.
Mặc dù họ phát hiện ra rằng việc thêm muối vào thức ăn thường xuyên hơn có liên quan đến việc tăng nồng độ natri trong nước tiểu 24 giờ nhưng họ không tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa nồng độ natri trong nước tiểu 24 giờ và ung thư dạ dày.
Họ cũng phát hiện ra rằng, trong một nhóm nhỏ gồm 198.900 người tham gia, phản ứng về tần suất thêm muối vào bàn ăn có mối tương quan thuận với mức tiêu thụ natri hàng ngày. Kết quả cho thấy rằng, việc kiểm tra tần suất sử dụng muối bổ sung tại bàn ăn là một cách đơn giản để hỗ trợ xác định những người ăn nhiều muối, những người có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.
3. Người châu Á có tỷ lệ ung thư dạ dày cao do ăn thực phẩm ướp muối
Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày ở các nước châu Á là do cá có hàm lượng muối cao. Các nhà nghiên cứu lưu ý, lượng muối ăn vào cao hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn trong các nghiên cứu ở châu Á.
Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới Quốc tế cho biết, họ đã tìm thấy bằng chứng một số loại thực phẩm có hàm lượng muối cao là nguyên nhân gây ung thư dạ dày như thực phẩm được bảo quản bằng muối như thịt và cá và rau củ bảo quản bằng muối. Càng ăn nhiều những loại thực phẩm này thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày càng cao.
Bằng chứng về những thực phẩm này chủ yếu đến từ các nghiên cứu được tiến hành ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này là do nhiều loại thực phẩm truyền thống ở các quốc gia này được bảo quản bằng cách ướp muối và lên men thay vì làm lạnh như ở nhiều quốc gia phương Tây.
Các nhà khoa học tin rằng, nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao từ thực phẩm bảo quản bằng muối là do chúng chứa một lượng lớn muối, chất này ngấm vào thực phẩm trong quá trình bảo quản. Nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra muối làm hỏng niêm mạc dạ dày và gây ra các tổn thương, nếu để lâu có thể trở thành ung thư dạ dày.
Điều quan trọng là nhiễm vi khuẩn HP cũng gây tổn thương niêm mạc dạ dày và trở nên tồi tệ hơn khi có muối. Nhiễm vi khuẩn HP tương đối phổ biến ở một số vùng của châu Á và cũng là nguyên nhân độc lập gây ung thư dạ dày.
Bằng chứng về muối trong chế độ ăn uống từ nhiều nơi khác trên thế giới vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Do đó cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để xem xét tác động của các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao thường được ăn ở phương Tây.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày, nên cố gắng hạn chế ăn muối nhiều nhất có thể. Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyến cáo mọi người nên giữ lượng muối nạp vào cơ thể dưới 5g mỗi ngày (bằng mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới) để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và phòng tránh nguy cơ mắc ung thư dạ dày và các vấn đề sức khỏe khác.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.