Hà Nội có tỉ lệ phát thải giao thông cao nhất cả nước
Ngày 5/12, trong phiên tọa đàm khoa học vì cuộc sống với chủ đề ô nhiễm không khí và giao thông ở Việt Nam và thế giới, các chuyên gia hàng đầu thế giới đã chia sẻ những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn, từ đó giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Đánh giá bức tranh tổng thể về ô nhiễm không khí tại Việt Nam, PGS TS Hồ Quốc Bằng, Viện trưởng Viện phát triển năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, giao thông được xác định là nguồn phát thải lớn nhất tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TPHCM.
Trích dẫn kết quả nghiên cứu vào năm 2022, vị chuyên gia này cho biết theo kiểm kê phát thải dựa trên mô hình emisen, Hà Nội có tỉ lệ phát thải giao thông cao nhất cả nước.
Cụ thể, TP Hà Nội, với dân số khoảng 8,5 triệu người và hơn 6 triệu xe máy cùng 690.000 ô tô, cung cấp nguồn phát thải từ giao thông chiếm 87% NOx, 92% CO, 57% SO2, 86% NMVOC, 96% CH4 và 74% bụi mịn PM2.5. Trong đó, các hoạt động công nghiệp đóng góp 39% SO2 trong tổng lượng phát thải của Hà Nội.
Đối với TPHCM, với dân số hơn 9 triệu người và 7,4 triệu xe máy, nguồn phát thải từ giao thông cũng chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là CO (97,8%), bụi mịn PM2.5 (18%) và NOx.
Theo GS Yafang Cheng, Trưởng khoa Hóa học Aerosol tại Viện Hóa học Max Planck (Đức), từ những nghiên cứu về những yếu tố gây ô nhiễm không khí đô thị ở Trung Quốc cho thấy, nguồn phát thải khí độc ở đây cũng tương tự các đô thị phát triển của Việt Nam, chủ yếu đến từ các phương tiện giao thông.
"Chúng tôi đã phát hiện hai cơ chế quan trọng ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí đô thị. Thứ nhất là sự tương tác giữa khí NOx và quá trình hình thành sulfate trong điều kiện độ ẩm cao. Thứ hai là tác động của muội than đến sự phát triển của lớp biên khí quyển", GS Cheng cho biết.
Đặc biệt, nghiên cứu của GS Cheng cho thấy, khi nồng độ muội than - chất ô nhiễm chủ yếu từ khí thải giao thông - vượt ngưỡng giới hạn, nó có thể ngăn cản sự phát triển của lớp biên khí quyển hoạt động vào ban ngày. Hiện tượng này có thể dẫn đến các đợt ô nhiễm không khí cực đoan, một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong điều kiện độ ẩm cao. Đây là những phát hiện đặc biệt có ý nghĩa đối với các thành phố của Việt Nam, nơi có điều kiện khí hậu tương tự và đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm không khí từ giao thông.
Theo PGS Hồ Quốc Bằng, Việt Nam còn đối mặt với các thách thức từ các nguồn ô nhiễm khác như tập quán đốt rơm rạ, các chất thải nông nghiệp, phát thải từ vận tải biển... Yếu tố thời tiết cũng làm phức tạp hơn tình tình ô nhiễm không khí. Đây là lý do mà tại sao ở Hà Nội thường xảy ra hiện tượng bụi mờ vào sáng sớm hoặc khi vào mùa đông hơn so với TPHCM.
Xây nhiều trạm quan trắc để cảnh báo tới người dân
PGS Hồ Quốc Bằng cho biết, vừa qua ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu về các nguồn gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra được các nguồn phát thải khí độc chủ yếu ở hai thành phố này, đồng thời lượng hóa được tỷ lệ phát thải của từng nguồn.
Tại Hà Nội, các phương tiện giao thông chiếm lượng phát thải lớn nhất với hầu hết các khí độc có trong không khí: nitro oxit (NOx) 87%, carbon monoxide (CO) 92%, lưu huỳnh điôxit (SO2) 57%, hợp chất hữu cơ dạng khí không chứa metan (NMVOC) 86%, khí mê tan (CH4) 96%, bụi mịn PM2.5 74%.
Trong số các phương tiện giao thông, thủ phạm hàng đầu thải 2 loại khí độc nitro oxit và carbon monoxide ở Hà Nội là xe máy. Xe tải hạng nặng là nguồn phát thải lớn nhất các loại bụi mịn. Tại TP.HCM, tình hình cũng tương tự, các khí độc phát thải chủ yếu từ nguồn giao thông.
PGS Hồ Quốc Bằng cho rằng, với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, Việt Nam có thể xây dựng các trạm quan trắc chi phí thấp, sau đó kết hợp với trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ cảnh báo, dự báo chất lượng không khí cho người dân.
"Mục đích của các trạm này là cảnh báo sớm tới người dân, từ 24 đến 48 giờ trước khi tình hình không khí xấu đi, để người dân có phương án phòng tránh, tự bảo vệ sức khỏe", vị chuyên gia cho hay.
Ngoài ra, cần sớm xây dựng, đưa vào hoạt động các vùng phát thải thấp (LEZ) tại các thành phố có lưu lượng giao thông dày đặc như Hà Nội, TPHCM, nhằm giảm phát thải ở các khu vực đã bị ô nhiễm.
Theo PGS Hồ Quốc Bằng, trước hết cần dựa trên cơ sở khoa học để xây dựng bản đồ phân vùng sa thải khí thải của từng khu vực, rồi sau đó khoanh vùng để triển khai mô hình một cách hiệu quả hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chia lá gan của người đàn ông chết não cứu sống 2 bệnh nhân | SKĐS