Thu nhập của người lao động tăng thế nào khi cải cách tiền lương năm 2024?

09-10-2023 16:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Khi cải cách tiền lương năm 2024, thu nhập của người lao động là công chức, viên chức sẽ gồm 3 khoản chính và bảo đảm không thấp hơn mức lương cũ.

Nhiều người lao động, người hưởng lương hưu đang rất quan tâm đến thông tin từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương (cải cách tiền lương).

Liên quan đến việc này, mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Một trong những nội dung báo cáo đề cập đến là vấn đề cải cách chính sách tiền lương.

Theo nội dung báo cáo nói trên, thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW kể từ ngày 1/7/2024.

Một trong những điểm đáng chú ý của chính sách cải cách tiền lương là thay đổi về thu nhập của người lao động là công chức, viên chức. Căn cứ tinh thần, chủ trương Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị, thu nhập của công chức từ ngày 1/7/2024 khi cải cách tiền lương gồm những khoản sau: 70% là lương cơ bản, 30% là phụ cấp, đồng thời bổ sung 10% trong tổng quỹ lương cả năm không bao gồm phụ cấp là thưởng.

Thu nhập của người lao động từ lương

Thay đổi lớn nhất trong thu nhập của công chức, viên chức khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là thay đổi về cách tính lương.

Theo đó, cách tính lương hiện tại = hệ số x lương cơ sở sẽ không còn nữa. Thay vào đó, thu nhập từ lương của công chức sẽ được tính theo số tiền cụ thể, thể hiện rõ hiệu quả và chất lượng công việc, năng suất làm việc, theo vị trí việc làm cụ thể của từng đối tượng.

Cụ thể, khi cải cách tiền lương, tùy vào từng vị trí khác nhau, công chức sẽ được hưởng các bảng lương khác nhau gắn với vị trí việc làm cụ thể:

- Với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do bầu cử hoặc bổ nhiệm từ Trung ương đến cấp xã: Bảng lương chức vụ, thể hiện được đầy đủ thứ bậc của người lãnh đạo và đáp ứng các nguyên tắc:

Giữ chức vụ nào, hưởng lương của chức vụ đó.

Người có nhiều chức vụ, hưởng mức lương cao nhất trong số đó.

Nhiều người giữ chức vụ tương đương nhau thì hưởng lương bằng nhau; lương của lãnh đạo cấp trên phải cao hơn lãnh đạo cấp dưới…

- Với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó:

Công chức, viên chức có cùng mức độ công việc phức tạp như nhau thì hưởng lương như nhau.

Người làm công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì hưởng thêm phụ cấp theo nghề.

Sắp xếp lại nhóm ngạch, số bậc của công chức, viên chức để khuyến khích các đối tượng này nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Gắn vị trí việc làm với bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức…

Thu nhập của người lao động tăng thế nào khi cải cách tiền lương năm 2024? - Ảnh 1.

Khi cải cách tiền lương năm 2024, thu nhập của người lao động sẽ gồm 3 khoản chính (Ảnh minh hoạ).

- Với lực lượng vũ trang gồm quân đội, công an và cơ yếu: Xây dựng 3 bảng lương dành riêng cho đối tượng này gồm:

Bảng lương chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm.

Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.

Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Một điểm lưu ý là bảng lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Thu nhập của người lao động từ phụ cấp

Ngoài lương chiếm 70% trong tổng quỹ thu nhập của công chức, viên chức từ ngày 1/7/2024 khi cải cách tiền lương, 30% là phụ cấp. Theo đó, chính sách cải cách tiền lương cũng sắp xếp lại chế độ phụ cấp hiện hành. Cụ thể:

- Tiếp tục được hưởng 7 loại phụ cấp gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với quân đội, công an, cơ yếu.

- Gộp các loại phụ cấp:

Phụ cấp theo nghề được gộp từ các loại phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp độc hại, nguy hiểm: Áp dụng với công chức, viên chức làm các nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường như giáo dục và đào tạo, y tế, thi hành án dân sự…

Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn được gộp từ phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt, trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bỏ các loại phụ cấp áp dụng cho công chức, viên chức: Phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp công vụ; phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Riêng phụ cấp khoán của người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì thực hiện nhất quán trên tỷ lệ chi thường xuyên của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Qua đó, mức phụ cấp của các đối tượng này được quy định cụ thể theo hướng một chức danh có thể đảm nhiệm nhiều công việc nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc được giao.

Thu nhập của người lao động từ thưởng

Thưởng là khoản thu nhập sẽ được bổ sung vào tổng quỹ thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cải cách tiền lương năm 2024. Theo đó, quỹ tiền thưởng được bổ sung bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Đồng thời, theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, việc bổ sung tiền thưởng nhằm thực hiện đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng cho cán bộ, công chức, viên chức khi đạt kết quả trong việc thực hiện công việc.

MỜI ĐỘC GIẢ XEM THÊM:

>>> Tin vui cho hàng triệu người hưởng lương hưu khi cải cách tiền lương năm 2024

>>> Người lao động cần biết ngay tuổi nghỉ hưu năm 2024 tăng lên bao nhiêu

>>> Thông tin quan trọng hàng triệu người hưởng lương hưu tháng 10/2023 cần biết ngay

>>> Hàng loạt chính sách mới về tiền lương, việc làm có hiệu lực từ tháng 10/2023

>>> Những người muốn hưởng lương hưu trước tuổi năm 2023 cần biết ngay

>>> Người đang hưởng lương hưu qua đời năm 2023 thì thân nhân nhận chế độ gì?

>>> Tin vui cho hàng trăm nghìn người được tăng lương hưu 2 lần năm 2023


Hoàng Cường (T/h)
Ý kiến của bạn