Tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế Khu vực Hà Nội lần thứ 27 vừa diễn ra từ 17 – 19/3, do Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với BV Hữu nghị Việt Đức, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức, Đoàn thanh niên Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế (VKĐVXSPYT) đã tham dự và thao diễn thành công và đạt giải nhì với kỹ thuật: “ Nghiên cứu cải tiến phương pháp CCID50 ứng dụng trong kiểm định công hiệu, nhận dạng vắc xin sốt xuất huyết Dengue”.
Vắc xin sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết dengue (SXHD) là bệnh do muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus truyền. Tác nhân gây bệnh là do vi rút dengue bao gồm 4 týp huyết thanh: 1, 2, 3 và 4. Cả bốn týp này đều có khả năng gây bệnh ở các mức độ khác nhau và có thể dẫn đến tử vong.
Vi rút Dengue được ghi nhận lưu hành trên 100 nước thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới ở vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Ước tính trên thế giới có khoảng 50% dân số sống trong vùng có nguy cơ xảy ra dịch SXHD, còn ở Việt Nam có khoảng 70 triệu người đang sống trong vùng có vi rút dengue lưu hành. Do vậy, việc phát hiện sớm ca bệnh để điều trị và dự phòng bệnh trong cộng đồng là rất quan trọng. Việc tiến hành nghiên cứu phát triển ra vắc xin phòng bệnh SXHD là rất cấp thiết.
Hiện nay, vắc xin SXHD đầu tiên đã được nghiên cứu phát triển và sản xuất thành công trên thế giới bởi công ty Sanofi Pasteur của Pháp, đây là vắc xin sống giảm động lực thế hệ mới bao gồm cả 4 chủng vi rút gây bệnh týp 1, 2, 3 và 4. Vắc xin mới ra đời là một bước đột phá trong lĩnh vực y tế dự phòng trên thế giới, đồng thời cũng là một thách thức cho công tác đảm bảo chất lượng bởi các cơ quan quản lý quốc gia (NRA). Vì vậy, công tác kiểm định chất lượng không ngừng đòi hỏi sự cố gẳng, học hỏi, nghiên cứu để phục vụ công tác kiểm định vắc xin và sinh phẩm.
Tính mới, sáng tạo của đề tài
Năm 2015-2016, việc nghiên cứu ứng dụng phương pháp CCID50 cải tiến trong kiểm định nhận dạng, công hiệu vắc xin SXHD đã được nhóm nghiên cứu của Khoa Kiểm định Vắc xin Vi rút phát triển thành công quy trình kiểm định và áp dụng vào công tác chuyên môn tại VKĐVXSPYT.
Ban giám khảo và kíp kỹ thuật của Viện.
Hiện nay, thử nghiệm công hiệu, nhận dạng là hai thử nghiệm quan trọng được thực hiện để đánh giá chất lượng các mẫu vắc xin. Phương pháp CCID50 hiện hành được sử dụng để xác định hiệu giá của các chủng vi rút trong mẫu thử nghiệm trong đó có các mẫu vắc xin sống giảm độc lực: Sởi, rubella, sởi-quai bị-rubella, sởi-rubella, bại liệt 3 týp, bại liệt 2 týp, rota 4 týp.
Tuy nhiên phương pháp này còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các vắc xin đa týp hoặc vắc xin phối hợp nhiều thành phần. Việc nhận dạng và xác định hiệu giá gặp rất nhiều khó khăn vì thử nghiệm nhận dạng cần sử dụng thêm giai đoạn trung hòa bằng kháng thể tương ứng hoặc phương pháp khác. Thêm vào đó, việc đọc kết quả phiến 96 giếng đòi hỏi phải đọc từng giếng trên kính hiển vi mất nhiều thời gian, phải đọc kết quả đúng thời gian quy định, khả năng định loại từng týp vi rút ở một số các vắc xin đa giá là chưa thực hiện được.
Đọc kết quả mẫu bằng mắt thường.
Để khắc phục những vấn đề có ở phương pháp CCID50 hiện hành, VKĐVXSPYT đã nghiên cứu và phát triển phương pháp CCID50 cải tiến. Sự khác biệt của phương pháp cải tiến này là việc sau khi gây nhiễm vi rút trên tế bào thích hợp, các kháng nguyên của vi rút được phát hiện bằng việc sử dụng kháng thể sơ cấp và kháng thể thứ cấp đặc hiệu týp gắn enzyme phân giải cơ chất tạo màu đen trên đáy giếng. Nhờ vậy, chúng ta có thể dễ dàng đọc kết quả cùng một lúc các tuýp vi rút độc lập ngay bằng mắt thường, đọc chính xác hơn và số phiến làm cho một lần thử nghiệm nhiều, kết quả có thể lưu lại trong thời gian dài.
Thử nghiệm được tiến hành trong phòng sạch.
Phương pháp CCID50 cải tiến đã được thử nghiệm thành công, được tiến hành thẩm định quy trình thử nghiệm về tính đúng, tính chính xác, độ đặc hiệu, độ lặp lại, độ đúng… Đồng thời phương pháp cải tiến này cũng được thao diễn thành công tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế Khu vực Hà Nội lần thứ 27 vừa qua và nhận được giải nhì trong tổng số 172 kỹ thuật đến từ 42 đơn vị trong ngành y tế.
Kết quả thành công có giá trị to lớn và góp phần mang lại hướng nghiên cứu mới cho các vắc xin sống giảm động lực khác cũng sử dụng phương pháp CCID50 như vắc xin Sởi, Rubella, Quai bị, Bại liệt 3 týp, Rota 4 týp. Qua đó, năng lực kiểm định của VKĐVXSPYT trong Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) Việt Nam được nâng cao, đảm bảo và đáp ứng tốt những kỳ vọng của nhân dân về chất lượng vắc xin sử dụng cho cộng đồng.