Từ năm 2013, Quảng Ngãi đã ban hành chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh. Qua một thời gian áp dụng, chính sách, Quảng Ngãi đã thu hút được số lượng lớn nhân lực có chất lượng. Song chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần có sự thay đổi với cách tiếp cận mới. Chúng tôi đã phỏng vấn BS. Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi về vấn đề này.
BS. Nguyễn Tấn Đức.
PV: Thưa ông, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chính sách trải thảm đỏ mời bác sĩ về công tác, nhìn lại những năm qua, ông có thể nhận xét như thế nào về chính sách này? Hiệu quả của chính sách đối với nguồn nhân lực y tế của tỉnh?
BS. Nguyễn Tấn Đức: Là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nên Quảng Ngãi đã xác định trải thảm đỏ để mời chuyên gia có chất lượng cao về công tác và cống hiến cho tỉnh nhà. Từ năm 2013, Quảng Ngãi đã có chính sách trọng dụng nhân tài với Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND về việc thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh. Mới nhất, để thay thế chính sách theo Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 57/2016/QĐ-UBND ngày 4/11/2016 về chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi. Tôi chỉ xin phép được tóm tắt như sau: Đối tượng thu hút là những người có học hàm, học vị, có trình độ chuyên môn cao gồm: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ chuyên khoa II, bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú, bác sĩ đa khoa. Các đối tượng thu hút phải cam kết công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh từ 10 năm trở lên. Về độ tuổi: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ chuyên khoa II: không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú và bác sĩ, dược sĩ đại học: không quá 40 tuổi đối với nam, không quá 35 tuổi đối với nữ. Những người tốt nghiệp đại học không quá 28 tuổi.
Qua đánh giá sơ bộ, các thầy thuốc về tỉnh công tác theo chính sách thu hút đã có nhiều đóng góp cho cơ sở và địa phương; hầu hết các bác sĩ, dược sĩ thuộc diện thu hút đã ổn định tư tưởng, an tâm công tác, phát huy được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của toàn ngành, bước đầu đạt được hiệu quả tốt, đã bổ sung cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện một số lượng bác sĩ, dược sĩ đáng kể, góp phần to lớn trong việc phát triển hệ thống y tế công lập phục vụ nhân dân.
Chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao giúp Quảng Ngãi không bị “chảy máu chất xám”.
PV: Nhiều tỉnh, thành có điều kiện kinh tế - xã hội như Quảng Ngãi cũng có chính sách thu hút nhân tài y tế, khác biệt của địa phương ông như thế nào để bác sĩ yên tâm cống hiến ở tỉnh nhà?
BS. Nguyễn Tấn Đức: Đúng là chúng tôi cũng gặp sự “cạnh tranh” từ các địa phương bạn trong việc thu hút nhân tài về cho địa phương. Nhưng đó là sự “cạnh tranh” để phát triển và cần thiết, buộc các địa phương và cơ sở sử dụng lao động ý thức được trách nhiệm trong việc sử dụng nhân tài, thu hút và đãi ngộ họ. Chúng tôi chủ động tiếp tục đến các trường đại học về y, dược kêu gọi, thu hút về tỉnh Quảng Ngãi công tác sau khi đã được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm. Yêu cầu các cơ sở tạo môi trường làm việc tốt nhất cho bác sĩ yên tâm công tác. Cũng phải nói thêm rằng, đối tượng thu hút phần lớn là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường loại giỏi, thạc sĩ và tương đương, bác sĩ, dược sĩ dù có tinh thần nhiệt tình nhưng chưa có kinh nghiệm nên cần phải có thời gian dài công tác mới có kinh nghiệm, thực tiễn để nâng cao tay nghề trong khám và điều trị. Để các em yên tâm cống hiến, tình nguyện về tỉnh Quảng Ngãi và yên tâm công tác, Sở Y tế đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ và tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp và thật sự đoàn kết, thân thiện để các bác sĩ, dược sĩ an tâm công tác; theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ bác sĩ, dược sĩ của đơn vị, kịp thời giải quyết hoặc báo cáo Sở Y tế giải quyết theo thẩm quyền… Bên cạnh đó, ngành y tế Quảng Ngãi đang rà soát nhu cầu, định hướng phát triển dịch vụ kỹ thuật của từng đơn vị làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại đơn vị; sắp xếp, bố trí cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên cho các bác sĩ, dược sĩ trẻ thuộc diện thu hút, có năng lực, tâm huyết với nghề được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nhất là chuyên khoa sâu sau đại học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của đội ngũ bác sĩ, dược sĩ diện thu hút.
PV: Quảng Ngãi là địa phương có nhiều vùng sâu, vùng xa cực kỳ khó khăn, nút thắt nào để giải toả đưa bác sĩ của tỉnh xung phong bám trụ ở đó?
BS. Nguyễn Tấn Đức: Qua thời gian thực hiện, việc hỗ trợ kinh phí một lần làm nhiệm vụ ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, miền núi, hải đảo, cơ sở y tế có lây nhiễm, các cơ sở khó thu hút như: Bệnh viện Lao, Tâm thần, Trung tâm pháp y đang giống nhau nên việc thu hút bác sĩ đa khoa về tuyến huyện, miền núi và các cơ sở trên rất khó khăn. Để khắc phục bất cập này, việc hỗ trợ kinh phí ở các nơi khó thu hút đã có sự khác biệt trong chính sách mới, cụ thể: bác sĩ thu hút khi nhận nhiệm vụ ở các huyện miền núi trong tỉnh và huyện Lý Sơn thì mức hỗ trợ kinh phí một lần bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ tương ứng (ví dụ: bác sĩ đa khoa tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về miền núi: mức hỗ trợ là 300.000.000 đồng/người so với đồng bằng là 200.000.000 đồng/người). Thời gian cam kết gắn bó công tác tại cơ quan, đơn vị phải từ 10 năm trở lên chứ không chỉ là 5 năm như quy định hiện tại. Như vậy, Quảng Ngãi từ khi triển khai đồng thời hai chính sách: Chính sách thu hút và chính sách đãi ngộ thì Quảng Ngãi đã thu hút rất nhiều bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác và đồng thời không bị chảy máu chất xám như những năm trước đây nữa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!