Hội đồng kỹ thuật về an toàn thực phẩm đang xem xét, sớm ban hành ngưỡng chuẩn DEHP trong thực phẩm. Hiện tiêu chuẩn DEHP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 8 ppt/kg thực phẩm, tiêu chuẩn của Mỹ là 6 ppt/kg thực phẩm. Việt Nam chưa có nghiên cứu nào liên quan đến tiêu chuẩn DEHP và dự kiến sẽ áp dụng tiêu chuẩn của WHO về hàm lượng DEHP.
Đến nay, tại Việt Nam đã có gần 50 sản phẩm ở nhiều ngành hàng, chủ yếu là nước giải khát mang tên các loại nước trái cây, bánh kẹo, thạch rau câu... được xác nhận nhiễm DEHP. Tại TP.Hồ Chí Minh, những mặt hàng được xác nhận nhiễm DEHP đến giữa tháng 6 đã được thu hồi xong, còn tại Hà Nội đang được tiếp tục thu hồi.
Chất phụ gia tạo đục DEHP có trong sản phẩm thạch rau câu khoai môn thương hiệu Taro. Ảnh: TL |
Các mặt hàng nhiễm chất phụ gia tạo đục bao gồm:
- Thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu Taro của Công ty New Choice Foods ở Bình Dương.
- 3 sản phẩm nước ép quả (chanh dây, ép xoài, trái vải); 16 sản phẩm si rô các loại do nhà nhập khẩu Đài Loan - Tong Jing Network INC Co.Ltd xác nhận có nhiễm DEHP gồm: si rô dâu, si rô kiwi, si rô táo xanh, si rô nho, si rô vải, si rô chanh, si rô dưa gang, si rô bách hương, si rô đào, si rô cam, si rô xí muội, si rô xoài, si rô dứa, si rô táo đỏ, si rô lựu và si rô dâu lam do Công ty TNHH MTV Hà Thành (Quận Bình Thạnh) nhập khẩu.
- 3 sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc Philippines do Công ty TNHH HA MI CO (357 Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông A, quận Tân Bình) dương tính với DEHP gồm: Kẹo xốp Marshies hương vani, Kẹo xốp Marshies hương vani và sôcôla, kẹo xốp Marshies hương dâu.
- 12 sản phẩm của Công ty TNHH thực phẩm YNGSHIN, ở cụm công nghiệp Bích Hòa, Hà Nội có sử dụng phụ gia tạo đục chứa DEHP nguồn gốc Đài Loan. Bao gồm nước cam ép, nước cam xơ ép, nước cà rốt ép, nước ổi đào ép, nước chanh ép, nước chanh dây ép, nước hoa quả hỗn hợp, nước xoài ép, nước quất ép, nước mơ, nước táo ép, nước mãng cầu ép.
Nam Khánh