Ngày 23/2/2024, bà H.T.N (52 tuổi ở xã Hòa Khánh, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang đứng trên thang để hái tiêu, bị trượt chân, té ngã xuống đất với độ cao hơn 3 m.
Bà N được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng tê buốt hai chân, người yếu, đi lại khó khăn.
Sau khi được làm các xét nghiệp cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bà N bị gãy cột sống lưng đốt L1 gây chèn ép tủy sống, liệt chi và được chỉ định mổ cấp cứu.
"Nhiều năm làm hồ tiêu, đây là lần đầu tiên tôi bị tai nạn. Sau khi ngã xuống đất, tôi cảm giác như không thở nổi, phải nằm im bất động khoảng 30 phút, mới lết vào nhà và được gia đình gọi xe đưa đi bệnh viện cấp cứu.
6 ngày sau khi được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh tích cực cứu chữa, tôi đã ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng và ăn uống bình thường". Bà H.T.N kể lại.
Trường hợp khác là chị P. T. L (39 tuổi ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bị gãy đốt sống lưng, phải mổ cấp cứu được gần một tuần nay.
Nguyên nhân là trong lúc hái tiêu, chị L bị hụt chân té từ trụ tiêu xuống đất với độ cao khoảng 5 m. Chị L được đưa đến BVĐK vùng Tây Nguyên có chỉ định phẫu thuật. Sau phẫu thuật chị phải nằm điều trị dài ngày tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Theo thống kê của Khoa Ngoại thần kinh, BVĐK vùng Tây Nguyên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, Khoa tiếp nhận khoản 100 bệnh nhân gặp tai nạn thương tích do thu hoạch hồ tiêu.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn khi hái tiêu là do người dân kê thang không chắc chắn, đứng không vững, khi gặp gió mạnh, ngã đổ.
Ngoài ra, tiêu ở Đắk Lắk thường trồng bám vào cây xanh, vươn cao từ 5 đến 6 m, có trụ cao đến 7-8 m, trong khi thang để hái có giới hạn, người dân vẫn cố với lên hái dẫn đến hụt chân, té ngã.
Thu hoạch tiêu thường vào mùa nắng, nóng nên cũng khiến nhiều người xây xẩm, hoa mắt, chóng mặt cũng dễ té ngã.
Các thương tích do hái tiêu thường là gãy đốt sống lưng, tổn thương cột sống, gãy đốt sống cổ, liệt tuỷ, đứt tuỷ, gãy tay, gãy chân, chấn thương sọ não, gãy phối hợp… Trong số bệnh nhân nhập viện thương tích do hái tiêu, có khoảng 30% bệnh nhân bị chấn thương cột sống phải mổ cấp cứu.
Theo bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa ngoại thần kinh, BVĐK vùng Tây Nguyên, di chứng của gãy cột sống rất nặng. Nếu bị gãy cột sống lưng sẽ liệt 2 chân. Nếu bị gãy cột sống cổ sẽ liệt tứ chi.
Khi bệnh nhân bị chấn thương cột sống nhưng nếu không đến bệnh viện sớm, mà tự đắp lá cây chữa bệnh theo dân gian thì sẽ để lại di chứng rất nặng nề, có thể bệnh nhân sẽ bị liệt chi, bí đại tiểu tiện, nằm một chỗ hoặc có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân…
Việc đến bệnh viện muộn tiên lượng tình trạng bệnh sẽ xấu hơn, điều trị lâu hơn, tốn kém hơn và khó hồi phục sức khỏe hơn. Thậm chí sau khi phẫu thuật xong bệnh nhân còn phải tập phục hồi chức năng lâu dài.
"Thương tích từ tai nạn, sự cố do hái tiêu rất thường gặp. Trường hợp không may bị tai nạn, chúng ta cần để bệnh nhân nằm nguyên vị trí, không nên bế vác dậy ngay mà cần nhanh chóng gọi xe cứu thương để đưa đến cơ sở y tế gần nhất, để sơ cứu và chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị.
Người đưa đi cấp cứu có thể dùng những vật dụng sẵn có để cố định bệnh nhân trên một mặt phẳng. Khi di chuyển cần hạn chế việc sử dụng xe gắn máy để tránh gây thêm tổn thương cho người bệnh. Quan trọng hơn, khi thu hoạch mùa vụ cần phải trang bị bảo hộ lao động để phòng những tai nạn thương tích gây chấn thương nặng", bác sĩ Đồng chhướng dẫn.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Sáng 28/2: Bất ngờ động thái mới của Giám đốc trung tâm GDĐB bị tố ăn chặn tiền nhân viên.