Thu hẹp khoảng cách về suy dinh dưỡng trẻ em vùng núi, vùng khó khăn

29-12-2020 14:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Kon Tum là một trong 4 tỉnh khó khăn của khu vực Tây Nguyên, nơi tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) còn rất cao, cả 2 chỉ số thể nhẹ cân là 22.9% và thấp còi là 33.4%. Để thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ SDD trẻ em ở miền núi, đặc biệt là Kon Tum, so với các tỉnh có điều kiện kinh tế tốt hơn, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ các tỉnh miền núi và Tây Nguyên nhằm phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em.

Cho trẻ uống vitamin A. Ảnh: T. H

Cho trẻ uống vitamin A. Ảnh: T. H

Trong đợt thiên tai, bão lũ vừa qua, Kon Tum (đặc biệt là huyện Kon Rẫy, ĐăKGlei, Tu Mơ Rông, Sa Thầy...) là một trong 6 tỉnh khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nơi bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều xã/thị trấn bị ngập hoàn toàn trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng lớn đến điều kiện sống, bữa ăn của người dân, đặc biệt là bữa ăn của bà mẹ và trẻ em...

Để hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai đến tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, ngày 24/12/2020 được sự hỗ trợ của UNICEF, Viện Dinh dưỡng phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đã tổ chức lớp Tập huấn “Hướng dẫn triển khai hoạt động ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng”cho cán bộ y tế. Tại lớp tập huấn, gần 100 cán bộ y tế địa phương được nâng cao kiến thức, kỹ thuật ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng, với những kiến thức thiết thực: Sàng lọc số trẻ bị SDD cấp tính bằng thước đo vòng cánh tay. Sau khi sàng lọc, cán bộ y tế phân loại trẻ bị SDD để đưa vào chương trình điều trị. Trẻ bị SDD nặng cấp tính có chu vi vòng cánh tay dưới 11,5cm, chu vi vòng cánh tay từ 11,5cm đến dưới 12,5cm là trẻ bị SDD cấp tính vừa và chu vi vòng cánh tay từ 12,5cm là trẻ bình thường.

Trẻ SDD cấp tính sẽ được bổ sung đa vi chất tại trạm y tế và được cán bộ y tế theo dõi, kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng và dấu hiệu cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Ngoài điều trị phục hồi SDD nặng cấp tính cho trẻ từ 6-59 tháng tuổi, trẻ từ 6-23 tháng tuổi có nguy cơ bị SDD còn được bổ sung đa vi chất trong vòng 1 tháng, bổ sung đa vi chất cho tất cả phụ nữ đang mang thai, phụ nữ mới có thai đến sau sinh 1 tháng.


ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến
Ý kiến của bạn